Đến năm 2030, mục tiêu xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt 25 tỷ USD
Chiều 25/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) tổ chức hội thảo tham vấn hoàn thiện báo cáo “Ngành gỗ Việt Nam – vấn đề và các giải pháp bảo đảm định hướng chiến lược đến năm 2030”.
Ngành chế biến gỗ và sản xuất nội thất của Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những thành tích ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ở mức 2 con số đã giúp cho ngành đứng trong top 10 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước.
Hiện, Việt Nam đứng thứ bảy trên thế giới về sản xuất sản phẩm gỗ và đồ nội thất, là nước xuất khẩu lớn thứ hai trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đứng thứ năm thế giới với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc.
Theo báo cáo, mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 20 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 18,5 tỷ USD.
Đến năm 2030, giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20,4 tỷ USD; hơn 80% cơ sở chế biến, bảo quản gỗ đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; 100% gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước được sử dụng từ nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Điểm yếu của ngành chế biến gỗ Việt Nam là phát triển tự phát, không có quy hoạch, định hướng ngay từ đầu. Đầu tư thiết kế sản phẩm, nghiên cứu phục vụ sản xuất cho ngành chưa nhiều, thiếu thực tế; đầu tư nhà máy trên diện rộng, thiếu chuyên môn sâu. Đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực đầu tư yếu nên công nghệ sản xuất chưa xứng tầm với quy mô của ngành. Mức độ phối hợp giữa các doanh nghiệp trong ngành chưa cao, tạo ra áp lực cạnh tranh trong nội bộ ngành, làm suy yếu khả năng cạnh tranh bên ngoài.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng nhanh xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng khác trong quản lý như thiếu marketing, thiếu đào tạo, chất lượng đào tạo, sự đầu tư dàn trải làm tăng chi phí quản lý, khấu hao… là những vấn đề chưa được chú ý giải quyết. Thiếu thông tin cơ bản về thị trường dẫn đến chấp nhận giá thấp hơn để có thể đạt được đơn hàng. Năng suất lao động chưa cao, thiết kế, kỹ năng marketing, quản trị sản xuất của các doanh nghiệp còn yếu.
Thời gian tới, ngành gỗ Việt Nam cũng có nhiều cơ hội, đó là khả năng tăng giá trị tổng sản phẩm xuất khẩu rất lớn. Xu hướng thị trường đòi hỏi nguồn gốc gỗ hợp pháp cũng là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt.
Xét trên khía cạnh cạnh tranh, doanh nghiệp gỗ có nhiều lợi thế so các nước xuất khẩu đồ gỗ, bởi Trung Quốc không khuyến khích phát triển đồ gỗ và chi phí tăng cao. Trong khi Italia, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao. Việt Nam cũng đang phát triển trồng rừng, tạo nguồn cung nguyên liệu chủ động, xây dựng mô hình sản xuất và chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững…
Để ngành gỗ phát triển nhanh, bền vững, đề xuất được đưa ra là cần hình thành các kênh cung ứng nguồn nguyên liệu hợp pháp phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng suất lao động, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chú trọng phát triển thị trường trong nước. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi, liên kết giữa các doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo.
Báo cáo “Ngành gỗ Việt Nam – vấn đề và các giải pháp bảo đảm định hướng chiến lược đến 2030” do các chuyên gia và doanh nghiệp chủ động đánh giá hiện trạng ngành gỗ và chế biến gỗ, bao gồm việc nhìn nhận các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị cũng như các cơ hội, thách thức trong trung hạn.
Trên cơ sở đó, các hiệp hội và doanh nghiệp cùng các chuyên gia sẽ tổng hợp, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ các giải pháp chiến lược và các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy ngành gỗ-chế biến gỗ tại Việt Nam phát triển bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()