Đến năm 2025, cả nước có 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc là 1.800 đơn vị. Trong đó, có 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Đào tạo tại Trường cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội. (Ảnh: HNIVC). |
Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình
Ngày 10/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch).
Quy hoạch nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030 là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Quy hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cho từng giai đoạn.
Cụ thể, đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.
Về cơ cấu mạng lưới, đến năm 2025, có 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2030, có 1.700 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, |
Tiếp đó, đến năm 2030, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020. Trong đó, giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.
Quy hoạch cũng định rõ tầm nhìn đến năm 2045. Đó là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.
Về cơ cấu mạng lưới, đến năm 2025, có 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 400 trường cao đẳng, 400 trường trung cấp, 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Đến năm 2030, có 1.700 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 380 trường cao đẳng, 390 trường trung cấp, 930 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 6 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 12 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Đến năm 2025, giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh từ 2,5 triệu đến 2,7 triệu lượt người/năm
Cũng theo Quyết định số 73/QĐ-TTg, quy mô tuyển sinh theo trình độ đào tạo đến năm 2025, đạt khoảng từ 2,5 triệu đến 2,7 triệu lượt người/năm. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25%. Đến năm 2030, con số này đạt khoảng từ 3,8 triệu đến 4 triệu lượt người/năm, và trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm khoảng 25-30%.
Quy hoạch cũng nêu rõ phân bố mạng lưới theo vùng đến năm 2030.
Thứ nhất, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ chiếm khoảng 14% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó, có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Thứ hai, vùng đồng bằng sông Hồng chiếm khoảng 26% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó, có 2-3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 2-3 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Thứ ba, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ chiếm khoảng 26% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó, có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Thứ tư, vùng Tây Nguyên chiếm khoảng 6% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Thứ năm, vùng Đông Nam Bộ chiếm khoảng 17% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 2-3 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Thứ sáu, vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 11% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, tập trung đào tạo các ngành, nghề theo quy hoạch vùng được phê duyệt. Trong đó, có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Về đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025, có khoảng 70.000 nhà giáo; phấn đấu thu hút khoảng 14.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Con số này sẽ là khoảng 67.000 nhà giáo; khoảng 50.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề vào năm 2030.
Đến năm 2025, khoảng 50% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ thạc sĩ trở lên. Khoảng 20% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ kỹ năng nghề cao hơn một bậc so với yêu cầu chuẩn kỹ năng nghề đối với nhà giáo. Khoảng 60% nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.
Đến năm 2030, khoảng 70% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ thạc sĩ trở lên. 30% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ kỹ năng nghề cao hơn một bậc so với yêu cầu chuẩn kỹ năng nghề đối với nhà giáo. Khoảng 65% nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.
Quy hoạch cũng đề ra 10 giải pháp. Cụ thể là các giải pháp về: cơ chế, chính sách; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; môi trường, khoa học và công nghệ; liên kết, hợp tác phát triển; giáo dục, tuyên truyền; hợp tác quốc tế; huy động và phân bổ vốn đầu tư; mô hình quản lý, phương thức hoạt động; tổ chức thực hiện và giám sát, thực hiện quy hoạch.
Trong năm 2022, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đạt gần 2,26 triệu người, đạt 108,3% so với kế hoạch. Đến hết năm ngoái, cả nước hiện có 1.905 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong số này, có 410 trường cao đẳng, 437 trường trung cấp, 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. |
Nguồn:https://nhandan.vn/den-nam-2025-ca-nuoc-co-1800-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-post738303.html
Ý kiến ()