Thứ 7, 28/12/2024 09:23 [(GMT +7)]
Ðèn hybrid tiết kiệm năng lượng
Chủ nhật, 26/12/2010 | 08:21:00 [(GMT +7)] A A
Các nhà nghiên cứu Trường đại học California (Mỹ) đã chế tạo thành công các bóng đèn hybrid giá rẻ với thời gian sử dụng lâu hơn, tiết kiệm năng lượng hơn so với đèn LED thông thường. Để chế tạo bóng đèn mới này, các nhà khoa học đã kết hợp công nghệ sử dụng trong bóng đèn LED truyền thống với công nghệ LEC (tế bào điện hóa phát sáng) có thể dùng để chế tạo ti-vi độ phân giải cao hay các thiết bị hiển thị dạng phẳng khác. Nguyên lý hoạt động của các bóng đèn LEC là tạo ánh sáng bằng cách sắp xếp lại các hạt nhân di chuyển chậm với số lượng lớn nhằm tăng hoặc giảm điện tử (ion). Khi dòng điện được kích hoạt tác động lên bóng đèn hybrid, các điện tử sẽ đi dọc bari kim loại và làm vật liệu sáng lên. Sau khoảng 20 phút, các ion kim loại tách ra và bắt đầu tạo ánh sáng thay vì các điện tử bari. Đèn loại mới này có tuổi thọ cao hơn nhiều lần so với bóng đèn LED và sử dụng ít năng lượng hơn đèn LED sau khi hoạt động 15 phút.
Báo thức bằng… ánh sáng
Hãng chế tạo và sản xuất đồ gia dụng điện tử nổi tiếng Phillips vừa công bố một sản phẩm mới, được coi là mang tính đột phá cho đời sống sinh hoạt hằng ngày: thiết bị báo thức bằng ánh sáng. Thiết bị mới này sẽ sớm thay thế các thiết bị báo thức truyền thống bằng chuông hay âm nhạc. Vẫn kết hợp với tiếng chuông hoặc âm nhạc tùy chọn, nhưng điểm đặc biệt của thiết bị này là nguyên tắc hoạt động mô phỏng quá trình mặt trời mọc nhằm tạo cho người sử dụng cảm giác thức giấc tự nhiên nhất. Trước giờ báo thức đã được chọn khoảng nửa tiếng, một thiết bị có dạng như đèn ngủ nhỏ sẽ từ từ tỏa ra lượng ánh sáng cho đến khi đủ sáng để người sử dụng có thể thức giấc. Các chuyên gia Phillips cho rằng nguyên tắc hoạt động mô phỏng mặt trời nêu trên sẽ tạo ra năng lượng tích cực cho cơ thể con người, giúp chuyển từ trạng thái ngủ sang thức một cách hài hòa nhất. Theo nghiên cứu của Phillips, với các thiết bị truyền thống, có tới 87% người sử dụng thường tắt chuông khi đến giờ hẹn để có thể nằm cố thêm vài phút trước khi tỉnh hẳn. Trong khi đó, với thiết bị mới, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 20%.
Pin tương lai mỏng như giấy
Các nhà nghiên cứu Mỹ thuộc Viện Bách khoa Rensselaer đã thực hiện một cuộc cách mạng hóa trong lĩnh vực pin: họ đã chế tạo một loại pin nano có trọng lượng nhẹ, mềm dẻo và mỏng như giấy. Với cơ cấu phân tử composite gồm 90% cellulose và 10% ống nano carbon, pin có khả năng hoạt động ở các nhiệt độ cùng cực (từ dưới 37,8oC đến hơn 148,9oC) và có thể tự hủy vì không chứa hóa chất độc hại. Cũng như giấy, pin có thể in, cuốn, xếp lại, vặn xoắn hay cắt làm nhiều mảnh mà vẫn không mất đi các đặc tính. Nhiều pin có thể được xếp chồng lên nhau như tập giấy nhằm tăng công suất. Pin có thể hoạt động như loại pin lithium bình thường vừa làm tụ điện để dự trữ điện. Các nhà nghiên cứu đã in pin này tương tự như giấy và chứng minh rằng các bản sao có thể dùng làm chất điện phân tự nhiên trong mồ hôi, nước tiểu và máu người để được kích hoạt và tạo điện. Pin có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong việc chế tạo các dụng cụ y học.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()