Đến 31/12/2022, hộ khẩu giấy không còn giá trị; Bộ Công an không có chủ trương thu hộ khẩu của người dân
Về phản ánh của các đại biểu trên thực tế có việc Công an thu hộ khẩu của người dân, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an không có chủ trương này, đây có thể là trường hợp cá biệt. Bộ Công an sẽ kiểm tra và chấn chỉnh trường hợp cụ thể này. Theo quy định, việc thu sổ hộ khẩu chỉ thực hiện khi cá nhân có đề nghị điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải chủ trương thu tất cả các hộ.
Còn nhiều quy định buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu giấy
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn rong ngày 10/8/2022, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc Công an thu hộ khẩu của người dân.
Cụ thể, về thông tin xóa bỏ hộ khẩu giấy mà đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Vũng Tàu) nêu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo quy định của Luật Cư trú, đến 31/12/2022 không còn hộ khẩu giấy.
“Bây giờ còn nhiều quy định khác buộc người dân phải sử dụng hộ khẩu giấy, thì chúng tôi có phương án là cấp khẩn trương, đầy đủ, nhanh chóng căn cước công dân cho người dân.
Khi đã có căn cước công dân, người dân không cần phải xác nhận của bất kỳ ai, vì đấy là giấy tờ pháp lý để người dân có thể giao dịch”, Bộ trưởng khẳng định và cho rằng, với cách quản lý, quản trị mới bằng công nghệ, phục vụ nhân dân thì đã cải cách, cải tiến việc này.
Đến 31/12/2022 hộ khẩu giấy không còn giá trị
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, vừa qua, các thủ tục hành chính đã đơn giản hơn rất nhiều mà chính người dân cũng không hình dung được là tại sao lại đơn giản như thế.
“Tâm lý phải đi xác nhận, công chứng, chứng thực đã quá lớn trong người dân. Làm cái gì cũng nghĩ phải công chứng, giờ nói không cần việc đó người dân cũng chưa tin”, Bộ trưởng bày tỏ.
Theo Bộ trưởng, việc cơ quan Nhà nước lưu giữ các giấy tờ cũng là một gánh nặng, vừa qua đã giải quyết được.
Đến 31/12/2022, hộ khẩu giấy không còn giá trị, Bộ Công an đang mở các chiến dịch hoàn chỉnh cấp sớm nhất, đẩy đủ nhất căn cước công dân để người dân thuận tiện trong các giao dịch.
Thu sổ hộ khẩu của người dân có thể là trường hợp cá biệt, Bộ sẽ kiểm tra, chấn chỉnh
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) ấn nút tranh luận, cho biết, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy theo quy định của luật, nhưng hiện một số người dân phản ánh, khi cơ quan Công an tiến hành thủ tục thì thu ngay hộ khẩu giấy.
Trong khi một số người dân nộp hồ sơ xin việc vẫn yêu cầu mang hộ khẩu giấy để đối chứng. Trong khi xác nhận thì thời hạn ngắn. Tức mình chưa có kết nối liên thông hộ khẩu với căn cước công dân và thủ tục các cơ quan Nhà nước. Với tình trạng này sẽ rất rối, gây khó khăn cho công dân, cả về chi phí bỏ ra…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an không có chủ trương này, đây có thể là trường hợp cá biệt. Bộ Công an sẽ kiểm tra và chấn chỉnh trường hợp cụ thể này.
Bên cạnh đó, trong lộ trình xóa bỏ hộ khẩu, Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến hộ khẩu, sổ tạm trú để sửa đổi phù hợp;
Đồng thời, thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để khai thác thông tin, phục vụ rút ngắn các thủ tục hành chính.
Bộ Công an cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh việc cấp căn cước công dân gắn chip.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thêm, theo quy định, việc thu sổ hộ khẩu chỉ thực hiện khi cá nhân có đề nghị điều chỉnh thông tin mới, chứ không phải chủ trương thu tất cả các hộ.
Tích hợp thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân
Trả lời chất vấn của đại biểu về hệ thống thông tin căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ đang triển khai tích hợp các thông tin của các ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, thẻ căn cước công dân.
Các loại căn cước công dân có gắn chip điện tử có thể tích hợp được thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng…
Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông, đáp ứng việc khai thác, sử dụng đồng bộ.
Ngày 09/8/2022, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã đặt ra lộ trình về việc này để có kết nối dữ liệu đồng bộ phục vụ cho công tác quản lý, quản trị của các cơ quan nhà nước; đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch.
Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, khi hệ thống dữ liệu quốc gia đồng bộ với các bộ, ngành khác, giao dịch của người dân đi làm các thủ tục hành chính khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Về số liệu không chính xác liên quan đến căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã thực hiện đúng nguyên tắc, tuy nhiên, có những trường hợp thay đổi thông tin cá nhân. Công dân có quyền thay đổi thông tin cá nhân của mình, về tên, họ, quê quán, chỉnh sửa ngày sinh…
Ngoài ra, cũng có trường hợp người khai lần đầu không đưa ra thông tin chính xác, hoặc cán bộ thực hiện thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên số lượng này không nhiều.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ sẽ tích cực phối hợp, hoàn thiện, cấp đủ giấy tờ cho công dân, trên cơ sở đó, các cơ quan khác căn cứ vào dữ liệu chính xác đó để tiến hành công việc của mình. Đây cũng là việc rất công phu, đòi hỏi công sức và thời gian.
Việc kết nối các cơ sở dữ liệu còn một số vướng mắc ở Luật Hộ tịch
Liên quan đến vấn đề cơ sở pháp lý việc ban hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vừa qua, Bộ đã giải quyết các khâu căn cứ trên Luật Căn cước công dân.
Tuy nhiên, có hai khâu liên quan đến Bộ Tư pháp theo Luật Hộ tịch, đó là khâu khai sinh và khai tử. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nên đồng bộ hai khâu này, để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.
Theo đó, trẻ sinh ra, căn cứ trên giấy chứng sinh, bé được cấp mã số định danh cá nhân, chính là số căn cước công dân được nhận khi đủ tuổi. Từ mã số này, bé sẽ có bảo hiểm y tế khi mã số được kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế. Hộ tịch, hộ khẩu, các loại thủ tục sẽ đều được thực hiện đồng bộ, giảm thiểu rất nhiều thời gian và công sức cho người dân.
Hiện nay, việc kết nối các cơ sở dữ liệu còn một số vướng mắc ở Luật Hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
Ý kiến ()