Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta
Thắng lợi của Cuộc cách mạng Tháng Tám đã qua gần một thế kỷ, nhưng bài học “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” vẫn nguyên giá trị. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và gần 40 năm đổi mới, nhờ phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, đất nước ta mới có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Để hiện thực hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, hơn bao giờ hết, bài học ấy cần được vận dụng sáng tạo, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh ĐĂNG KHOA) |
Những ngày tháng tám lịch sử của 78 mùa thu trước, không khí cách mạng sục sôi khắp mọi miền Tổ quốc. Ngay sau Đại hội Quốc dân tại Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 16/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình
Nắm chắc thời cơ cách mạng đã đến, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc tranh đấu vẫn còn gay go. Không phải Nhật Bản bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do. Chúng ta vẫn phải ra sức phấn đấu. Chỉ có đoàn kết, phấn đấu, nước ta mới được độc lập.
Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, cả dân tộc đã nhất tề đứng lên, lật đổ chế độ thực dân phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, đưa nước ta bước sang một kỷ nguyên mới, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là chiến thắng của khát vọng độc lập, tự do; của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, triệu người như một dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của một đảng cách mạng chỉ với khoảng 5.000 đảng viên.
Ý chí đem sức ta mà tự giải phóng cho ta đã được người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành nung nấu từ khi rời bến Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước, năm 1911. Càng tìm hiểu kỹ các phong trào cách mạng thế giới, Người càng khẳng định: “Muốn tự giải phóng, phải trông vào lực lượng của mình”(1). Vì thế, Người mở lớp huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, chuẩn bị cho việc thành lập Đảng. Người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin vào Việt Nam; lãnh đạo xây dựng các phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng với phương châm “sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”, trong đó cái cốt của nó là công-nông. Công-nông là người chủ cách mạng, là gốc cách mạng. Đó là một quá trình dày công nuôi dưỡng “sức ta” lớn mạnh và khi thời cơ đến thì chớp lấy, hành động mau lẹ, thực hiện bằng được nhiệm vụ giải phóng dân tộc, mang lại tự do cho nhân dân.
Tư tưởng đem sức ta mà tự giải phóng cho ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng triệt để trong mọi hoàn cảnh. Thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược là thắng lợi của ý chí tự lực, tự cường dân tộc. “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc…”.
Tiếp đó, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng quê là một pháo đài diệt Mỹ. Một lần nữa bài học đem sức ta mà tự giải phóng cho ta đã viết lên những trang sử vàng ấy.
Đi lên bằng đôi chân của chính mình
Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay, nhất là gần 40 năm đổi mới, chúng ta luôn nhớ công ơn giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế. Nhưng không dựa vào sức ta là chính thì đất nước không thể giành được những thành tựu như ngày nay.
Sức ta ở đây là sức mạnh được hun đúc hàng nghìn năm lịch sử của một dân tộc anh hùng; sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc anh em chung sống trong một mái nhà hình chữ S; là ý chí và niềm tin của gần 100 triệu người dân Việt Nam đang đoàn kết quanh Đảng để xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Ngày nay, “Sức ta đã mạnh, người ta đã đông”; đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới. Song bên trong sức mạnh ấy đang hiện hữu, tiềm ẩn một số căn bệnh mà bao năm nay, Đảng đã quyết liệt chữa trị nhưng chưa thể đẩy lùi. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại. Đặc biệt là vấn nạn tham nhũng, tiêu cực có lúc, có lĩnh vực tinh vi, có hệ thống và phức tạp hơn,…
Thực trạng đáng buồn ấy đang làm giảm sút uy tín, sức mạnh chiến đấu của Đảng và niềm tin của nhân dân đối với chế độ; là cơ hội cho kẻ địch và các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, kích động chia rẽ nội bộ, làm yếu sức mạnh của Đảng. Trong khi đó, bên cạnh thời cơ và vận hội, đất nước ta vẫn phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức cả ở trong nước và quốc tế, nhiều khi khó lường và phức tạp hơn dự báo.
Để vững bước trên hành trình đổi mới đất nước, một trong những nhân tố có tính quyết định là chúng ta phải tiếp tục đi lên bằng đôi chân của chính mình. Đôi chân ấy có mạnh, mới vững chãi chống chọi được đường trơn vạn dặm mà không sợ vấp ngã. Giải pháp hữu hiệu nhất là Đảng phải không ngừng tự chỉnh đốn, đấu tranh quyết liệt để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân. Đây là con đường đầy gian khó, nhưng ngắn nhất, trực tiếp nhất để củng cố, bồi đắp, nâng lên sức ta – sức mạnh của Đảng, của chế độ, của toàn dân tộc trong điều kiện mới.
Bài học đem sức ta mà tự giải phóng cho ta một lần nữa được phát huy cao độ với nguyên tắc vừa nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, vừa chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sức ta lớn mạnh là cơ hội để đất nước mở cửa hội nhập, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các nước để phát triển kinh tế-xã hội; hội nhập mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của một dân tộc nghìn năm văn hiến.
Nguồn:https://nhandan.vn/dem-suc-ta-ma-tu-giai-phong-cho-ta-post767741.html
Ý kiến ()