Đề xuất ưu tiên quỹ đất để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ
Tại phiên thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” tại Kỳ họp thứ tám, vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang được nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
Tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam chiều 28-10, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: Đất quốc phòng không phải chỗ nào cũng trả được, nhưng chỗ nào là quỹ đất quốc phòng không còn sử dụng cho mục đích quốc phòng mà giao cho địa phương để quy hoạch thành khu dân cư thì “đề nghị ưu tiên cho Quân đội”. Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng làm rõ thêm: Luật Đất đai quy định rõ, địa phương có 2 nguồn quỹ đất để xây nhà ở xã hội, trong đó có 1 nguồn quỹ là đất quốc phòng không còn mục đích sử dụng thì bàn giao cho địa phương để xây nhà ở xã hội. Đề xuất chuyển giao đất này cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây nhà xã hội cho cán bộ, chiến sĩ. |
Đề xuất Bộ Quốc phòng làm cơ quan chủ quản triển khai nhà ở xã hội cho Quân đội phù hợp với nhu cầu
Nêu ý kiến, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội, đại biểu Quốc hội Đoàn TP Hà Nội dẫn Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư, trong đó yêu cầu nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt cho biết, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh tại các địa phương, hiện nay có một phần quỹ đất quốc phòng không còn sử dụng cho mục đích quốc phòng, Bộ Quốc phòng chuyển giao cho địa phương quản lý để UBND các cấp đưa vào kế hoạch phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang theo kế hoạch.
Tuy nhiên, điều này dẫn đến việc phụ thuộc vào kế hoạch phát triển nhà của các địa phương trong khi nhu cầu nhà ở của cán bộ Quân đội hiện nay rất lớn. “Toàn quân có khoảng 70.000 các đồng chí đang công tác, sinh sống trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố. Riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội có khoảng 20.000 đồng chí có nhu cầu về nhà ở nên việc triển khai thực hiện chính sách nhà ở cho cán bộ Quân đội đã và đang gặp rất nhiều khó khăn”, đại biểu nêu thực tế.
Đồng chí Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho biết, Bộ Quốc phòng có các cơ quan chuyên môn về đầu tư, xây dựng, quản lý doanh nghiệp và các doanh nghiệp quốc phòng có chức năng ngành nghề xây dựng công trình đủ năng lực để quản lý và triển khai thực hiện các dự án về nhà ở, như Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị Bộ Quốc phòng; Binh đoàn 11; Binh đoàn 12 - Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn; Tổng công ty 789; Tổng công ty 319 và một số doanh nghiệp xây dựng khác.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào nghị quyết Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Quốc phòng làm cơ quan chủ quản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư để triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội phù hợp với nhu cầu của Bộ Quốc phòng.
“Như vậy, sẽ góp phần giảm bớt khó khăn, áp lực cho chính quyền địa phương phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm phù hợp, thống nhất về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại Luật Nhà ở năm 2023, tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và chủ động triển khai thực hiện khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của một phần cán bộ lực lượng vũ trang hiện nay”, đại biểu nói.
Giao Quân đội, Công an xây nhà cho lực lượng vũ trang: Không mâu thuẫn với Luật Nhà ở
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, Luật Nhà ở năm 2023 đã giao cho công đoàn làm nhà cho công nhân, vì vậy, đại biểu cũng kiến nghị nên giao cho Quân đội, Công an xây nhà cho lực lượng vũ trang.
Theo đại biểu Dương Khắc Mai, lực lượng vũ trang có nguồn lực, có kỷ luật và trách nhiệm rất cao nên sẽ thực hiện rất nhanh.
Đồng tình với đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết, hiện nay lực lượng vũ trang bàn giao đất cho địa phương để làm các dự án và và ngược lại, lực lượng vũ trang cũng đang rất cần nhu cầu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ.
Do đó, đại biểu cho rằng, với những phần đất đã bàn giao cho địa phương để làm nhà xã hội, làm nhà công vụ, đề nghị giao cho Quân đội, Công an đứng ra làm trực tiếp cho cán bộ, chiến sĩ.
“Chúng ta cần có giải pháp đề nghị với các địa phương là nên ưu tiên giao lại quỹ đất để Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai các dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang. Nội dung này cũng không mâu thuẫn với Luật Nhà ở vừa thông qua; tôi chỉ đề nghị thay đổi phương pháp làm: Cũng là đất đó nếu để địa phương làm cũng được, nhưng nếu được thì địa phương ưu tiên bố trí và để cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đứng ra làm, chủ trì triển khai”, đại biểu Trịnh Xuân An phân tích thêm.
Đại biểu làm rõ thêm: "Chủ trì triển khai tức là chủ đầu tư lập kế hoạch, phê duyệt, lựa chọn nhà đầu tư, còn những việc khác vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, không thể làm trái Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Một trong những nhiệm vụ lớn của Quân đội có 3 chức năng đã rõ gồm: Đội quân chiến đấu, đội quân lao động, sản xuất và đội quân công tác. Các doanh nghiệp Quân đội nếu muốn tham gia làm cũng phải bình đẳng và phải làm theo quy định của pháp luật".
Ý kiến ()