Đề xuất thiết thực của Việt Nam về an ninh biển
Nhận lời mời của Thủ tướng Ấn Độ, nước Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về “Tăng cường An ninh biển: Một lĩnh vực hợp tác quốc tế”.
Nhiều chuyên gia, học giả, truyền thông các nước đã đánh giá cao sáng kiến về an ninh biển của Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại Phiên thảo luận; bày tỏ sự ủng hộ đối với những đề xuất thiết thực của Việt Nam nhằm ứng phó hiệu quả các thách thức chung.
Dư luận báo chí và giới chuyên gia Nga đã có những đánh giá tích cực đối với ba đề xuất của Việt Nam. Trao đổi với TTXVN, chuyên gia phân tích Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO) đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và tiềm năng hợp tác Việt – Nga trong bảo đảm an ninh hàng hải. Theo chuyên gia Nga, Việt Nam đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng, những thách thức đối với an ninh hàng hải ngày nay đòi hỏi cách ứng phó mang tính tập thể và toàn cầu.
Bài viết “Ba bước đi mang lại hòa bình trên biển” của Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ “Ý tưởng Á – Âu” Grigory Trofimchuk đăng trên báo điện tử hàng đầu Infox.ru của Nga nhận định, thông qua ba đề xuất quan trọng của mình, “Việt Nam không chỉ một lần nữa nhắc nhở thế giới về những nguy cơ của tranh chấp lãnh thổ và trách nhiệm chung trước những hậu quả có thể xảy ra, mà còn cho dư luận quốc tế thấy rõ những luận điểm cụ thể nhằm tăng cường các nỗ lực quốc tế”. Chuyên gia Grigory Trofimchuk bày tỏ tin tưởng các đề xuất của Việt Nam sẽ trở thành sự khởi đầu mới cho việc đạt được hòa bình lâu dài ở Biển Đông. Báo “Luận chứng và sự kiện” đăng bài viết với tiêu đề “Ba luận điểm về hàng hải của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế”, trong đó khẳng định vấn đề an ninh, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông đã trở thành vấn đề chung của cả khu vực và toàn cầu. Bài viết cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Việt Nam rất đáng quan tâm, với ba đề xuất quan trọng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, thống nhất hành động nhằm ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh hàng hải.
Tiến sĩ James Rogers, đồng sáng lập và là Giám đốc Nghiên cứu Hội đồng Địa chiến lược có trụ sở tại Luân Đôn (Anh) cho rằng, ba đề xuất của Việt Nam có ý nghĩa không chỉ đối với các nước trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Đánh giá cao đề xuất thiết lập một mạng lưới các cơ chế, sáng kiến về an ninh biển ở khu vực Biển Đông, Tiến sĩ Rogers cho rằng, đề xuất này cần được ủng hộ không chỉ tại LHQ mà còn tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt liên quan Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông đồng tình rằng, mọi chính sách hoặc đề xuất liên quan an ninh ở Biển Đông và quyền hàng hải cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam, vốn có vị trí địa lý quan trọng, đối với an ninh ở Biển Đông.
Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về chính sách đối ngoại của Việt Nam và châu Á – Thái Bình Dương tại Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc) đánh giá cao bài phát biểu sâu sắc của Thủ tướng Việt Nam nhằm góp phần giải quyết các thách thức an ninh biển, nhất là cộng đồng quốc tế cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của biển và những nguy cơ đe dọa an ninh biển. Tiến sĩ Jan Hornat, chuyên gia về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Đại học Tổng hợp Charles cho rằng, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia góp phần bảo đảm an ninh biển. Điều này giúp nâng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là duy trì trật tự trên vùng biển quốc tế dựa trên UNCLOS. Nhà báo Alex Svamberg, chuyên gia bình luận các vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương của báo Tin tức Séc nhận định, bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện Việt Nam mong muốn giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và thông qua giải pháp đa phương nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Đây là cách tiếp cận được cộng đồng quốc tế ủng hộ.
Sau phiên thảo luận mở do Thủ tướng Ấn Độ, nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an LHQ, chủ trì, Ấn Độ cho rằng, ba đề xuất mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra đã góp phần tạo nên sự thành công lớn cho sự kiện này. Đại sứ T.S.Tirumurti, Trưởng phái đoàn Ấn Độ tại LHQ cho biết, các đề xuất của Việt Nam liên quan vấn đề an ninh biển có trọng tâm là kêu gọi tăng cường hơn nữa hợp tác quốc tế. Đó cũng là mục tiêu tối cao mà Ấn Độ muốn nhắm tới. Với bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào cuộc thảo luận mở của Hội đồng Bảo an. Theo Tiến sĩ Pankaj Jha, giảng viên Trường đại học Jindal, Ấn Độ, trong lần tham dự phiên thảo luận mở này, Thủ tướng Việt Nam đã giúp nâng cao nhận thức về việc phải bảo vệ đại dương và nguồn tài nguyên biển. Đối với các tranh chấp, Việt Nam đưa ra các giải pháp phổ quát, đề cao vai trò của LHQ, tổ chức khu vực. Đó là các cơ chế làm việc rất toàn diện, nhất là khi kết hợp với UNCLOS 1982.
Ý kiến ()