Đề xuất thí điểm ba gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt
Ảnh minh họa
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thực hiện thí điểm gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn linh hoạt (dưới đây gọi tắt là Đề án).
Trên cơ sở đánh giá tình hình bối cảnh trong nước và quốc tế, quan điểm, mục tiêu xây dựng gói bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ngắn hạn linh hoạt; Đề án đề xuất ba gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt với các nội dung cụ thể.
Bổ sung chế độ thai sản
Gói BHXH này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất). Gói được bổ sung thêm quyền lợi về thai sản khi người lao động sinh con với điều kiện người lao động đã đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH một lần.
Ưu điểm của gói này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động đang trong độ tuổi sinh đẻ, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, nhược điểm của gói này là khó cân đối về tài chính, cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Lý do là, quy định người lao động đóng không khả thi và không bảo đảm sự tham gia lâu dài, bền vững do có thể phát sinh lựa chọn ngược. Có thể người lao động khi chuẩn bị mang thai mới tham gia. Sau khi sinh con hưởng chế độ, họ sẽ không tiếp tục tham gia BHXH.
Bổ sung chế độ ốm đau
Được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất), gói BHXH này bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi người lao động gặp rủi ro ốm đau, tối đa 30 ngày trong một năm, với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.
Điểm cộng về chính sách với gói BHXH này là có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có nhiều nguy cơ gặp rủi ro ốm đau, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện.
Về điểm trừ, gói này cũng cần đến sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước do quy định người lao động đóng là không khả thi. Mức độ thu hút phụ thuộc rất lớn vào mức trợ cấp được hưởng và mức độ thuận tiện trong thủ tục, hồ sơ giải quyết hưởng chế độ.
Bổ sung chế độ trợ cấp gia đình/trẻ em
Vẫn thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất), gói BHXH này bổ sung thêm quyền lợi được hưởng khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện có con dưới sáu tuổi. Sẽ có trợ cấp hằng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ sáu tuổi, với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH một lần.
Gói BHXH này có thể thu hút sự tham gia của nhóm người lao động có con dưới sáu tuổi, đáp ứng được một phần nhu cầu trước mắt, gia tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện. Tuy vậy, vẫn cần sự đóng góp thêm của người lao động (1,5%) và sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Bởi quy định tỷ lệ đóng 1,5% khó bảo đảm khả năng cân đối do tỷ lệ đóng này được Tổ chức Lao động quốc tế tính toán trên giả định tham gia của phần lớn những người thuộc đối tượng.
Qua tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, về cơ bản, các ý kiến tham gia đều cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt nhằm mở rộng đối tượng tham gia, để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.
Bên cạnh đó, các ý kiến tham gia đều cho rằng cần phải đánh giá tác động cụ thể, toàn diện hơn; dự báo được cụ thể số người tham gia, số người thụ hưởng và tính toán được số kinh phí cần bảo đảm để chi trả khi bổ sung thêm các chế độ.
* Sau 11 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, tính đến cuối năm 2018, cả nước có 270 nghìn người tham gia, chiếm khoảng 1,8% tổng số người tham gia BHXH, tương đương với khoảng 0,55% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi. Kết quả này khá khiêm tốn so với kỳ vọng khi chính sách được ban hành.
Chế độ BHXH tự nguyện hiện nay thiếu hấp dẫn có thể do chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất. Theo đó, đề nghị Nhà nước xem xét, bổ sung các chế độ ngắn hạn để tăng tính hấp dẫn của chính sách.
Theo Nhandan
Ý kiến ()