Đề xuất thành lập tổ công nghệ để phòng, chống COVID-19 tại địa phương
Hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, tổ chức ngày 3/8. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Đây là một trong những vấn đề mà Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống COVID-19 trên phạm vi toàn quốc, tổ chức ngày 3/8. Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã nhấn mạnh 3 thông điệp:
Thứ nhất, công nghệ là để phục vụ cuộc sống, giải quyết các vấn đề của xã hội. Vấn đề lớn nhất hiện nay là đẩy lùi dịch COVID-19 trên toàn quốc. Với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu muốn chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã thống nhất cùng triển khai Trung tâm Công nghệ quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.
Vì vậy, ở địa phương, Thứ trưởng đề nghị sở y tế, sở TT&TT nhanh chóng tham mưu, đề xuất với tỉnh ủy, UBND tỉnh, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhanh chóng phân công 1 đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai công nghệ, thành lập tổ công nghệ do sở y tế, sở TT&TT đồng chủ trì. Đặc biệt, nếu có thể thành lập được các tổ công nghệ cộng đồng đến tận phường, xã, để hỗ trợ triển khai với sự tham gia của lực lượng thanh niên và các doanh nghiệp thì sẽ rất hiệu quả.
Thứ hai, công nghệ không bao giờ là lời giải duy nhất. Tự thân công nghệ không thể giải quyết vấn đề. Công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn. Công nghệ cũng giống như mọi công cụ khác, đều có khiếm khuyết, đều có lỗi. Một mặt, chúng ta liên tục sử dụng, liên tục ghi nhận lỗi, liên tục phản ánh lỗi, liên tục cập nhật, sửa lỗi. Mặt khác, chúng ta phổ biến những kinh nghiệm, bài học, kết quả triển khai hiệu quả, để vững tin đi tiếp. Đó là một số kết quả tốt về triển khai nền tảng tiêm chủng, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm và nền tảng hỗ trợ truy vết.
Thứ ba, công nghệ phải có sự bắt buộc, có sự triển khai thống nhất trên toàn quốc. Đây là sự khác biệt cơ bản giữa thời bình và thời chiến. Ở thời bình, chúng ta có thể triển khai theo cách đa dạng ứng dụng, theo hướng liên thông dữ liệu. Nhưng ở thời chiến, chúng ta bắt buộc phải triển khai một số nền tảng thống nhất trên toàn quốc. Vì dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc, người dân ở TPHCM có thể di chuyển đến Bình Dương hoặc ngược lại, nên chúng ta phải có dữ liệu toàn quốc.
Thứ trưởng cũng cho rằng, do dịch bệnh diễn biến rất nhanh, không có thời gian để bàn bạc chuyện liên thông, vì vậy, Trung tâm Công nghệ quốc gia đã phát triển một bộ công cụ để phục vụ phòng, chống dịch. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 78, Bộ Y tế, Bộ TT&TT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể. Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch quốc gia cũng đã biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết, đã gửi đến tất cả các đầu mối. Vì vậy, các sở căn cứ vào văn bản này để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo ở địa phương mình.
“Những nỗ lực triển khai công nghệ sẽ không bao giờ là uổng phí. Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc dùng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó để thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vì một tương lai tốt đẹp hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ý kiến ()