Đề xuất tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách
Ngày 1-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó, nhiều ý kiến đề cập tới việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, hay xây dựng cơ chế chính quyền địa phương đối thoại cùng nhân dân...
Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Tổ chức chính quyền địa phương, vì tên gọi này bảo đảm thống nhất với tên gọi các luật về tổ chức bộ máy của Nhà nước và phù hợp với quy định của Hiến pháp.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương bổ sung quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, bổ sung và làm rõ hơn quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo.
UBTVQH đề nghị chỉnh lý lại bố cục của dự thảo Luật để thể hiện rõ hơn tổ chức chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính và mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND).
Theo đó, dự thảo Luật được bố cục lại gồm tám chương, 141 điều.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật lần này đã bố cục lại các quy định về chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính ứng với từng địa bàn: nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Việc bố cục như vậy thể hiện sự rõ ràng, mạch lạc, phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp, thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng pháp luật.
Đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách
Một số đại biểu như Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) Huỳnh Nghĩa (Đã Nẵng) đề nghị tăng số lượng đại biểu chuyên trách theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nhằm giúp bộ máy HĐND tăng sức mạnh, bảo đảm điều kiện hoạt động.
Từ hoạt động thực tiễn ở địa phương, đại biểu Huỳnh Nghĩa cho biết, số lượng đại biểu chuyên trách là nguyên nhân đầu tiên quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND. Thời gian qua, đại biểu HĐND kiêm nhiệm quá nhiều, nhất là kiêm nhiệm khối chính quyền nên dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, nên hoạt động còn mang tính hình thức, chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Theo tinh thần sửa đổi lần này, Luật điều chỉnh theo hướng tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Nhưng trong dự thảo Luật lần này, số lượng đại biểu chuyên trách không thay đổi. Dự thảo luật trước đây quy định cụ thể tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách các cấp, nhưng nay tại Điều 18 của dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIII quy định, trưởng các ban của HĐND có thể hoạt động chuyên trách. Nếu không sửa đổi thì hoạt động của HĐND cũng giới hạn ở hình thức.
Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị quy định ngay trong Luật tỷ lệ đại biểu HĐND chuyên trách ở các cấp. Cụ thể, tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách phải quy định ít nhất 30% ở cấp tỉnh, 20% ở cấp huyện, 15% ở cấp xã. Luật nên hạn chế thấp nhất đại biểu HĐND là đồng thời là lãnh đạo, cán bộ, công chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND; tăng cường số lượng đại biểu HĐND ở khối Đảng và tổ chức đoàn thể xã hội.
Về các ban của HĐND, cần quy định theo hướng mỗi ban nên có một trưởng ban, hai phó trưởng ban và một uỷ viên hoạt động chuyên trách. Lý do là vì chức năng, nhiệm vụ của mỗi ban tương đương với công việc của một sở, ngành nên trách nhiệm nặng nề, cần phải quy định tăng số lượng mới đáp ứng yêu cầu tương ứng.
Cấp huyện nên quy định mỗi ban có một trưởng ban và một phó trưởng ban hoạt động chuyên trách. Cấp xã quy định mỗi ban có một trưởng ban hoạt động chuyên trách để tham mưu giúp HĐND xã chuẩn bị các nội dung thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời thực hiện tốt chức năng giám sát theo quy định của pháp luật.
“Lực lượng đại biểu chuyên trách tăng cường như trên để đáp ứng điều kiện cần, khắc phục hình thức lâu nay nhằm bảo đảm hoạt động thực quyền của HĐND, mang lại hiệu quả thiết thực”, vị đại biểu của TP Đà Nẵng nói.
Vấn đề phân định thẩm quyền giữa HĐND và Thường trực HĐND tại Điều 102 của dự thảo Luật, cũng có nhiều vướng mắc trong thực tiễn vừa qua. Do đó, cần quy định ngay trong Luật theo hướng những nội dung nào thuộc thẩm quyền của HĐND, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND, và nội dung nào Thường trực HĐND có quyền cho ý kiến để UBND thực hiện kịp thời, nhưng sau đó báo cáo ở kỳ họp của HĐND gần nhất. Có như vậy mới tạo hành lang pháp lý thông thoáng, chặt chẽ, bảo đảm cho HĐND hoạt động thông suốt, hiệu quả, khắc phục tình trạng thường trực HĐND làm thay công việc của HĐND, đồng thời bảo đảm yêu cầu giám sát kịp thời, chặt chẽ các cơ quan dân cử cũng như quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương
Cần cơ chế chính quyền địa phương đối thoại cùng nhân dân
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) góp ý, xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương cần có cơ chế, biện pháp để chính quyền địa phương đối thoại cùng nhân dân, hỏi ý kiến và lắng nghe ý kiến người dân với những trường hợp cần thiết trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương .
Đại biểu Tám nêu rõ, trong thực tế, ở nơi này nơi khác, có những việc làm của chính quyền bị nhân dân và dư luận phản đối hay phê phán. Khi các cơ quan chức năng vào cuộc, chính quyền xem xét lại mới thấy sự bất hợp lý, hoặc chưa đúng nên phải xem xét, điều chỉnh lại. Nếu những vấn đề đó được đối thoại, được lắng nghe ý kiến của dân trước khi triển khai thực hiện, chắc chắn sẽ tốt hơn và sẽ không xảy sự phản đối, không đồng tình của người dân.
Đại biểu của tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị, Điều 124 của dự thảo Luật quy định tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân là chưa đủ. Đề nghị nên bổ sung vào dự thảo luật những quy định về trách nhiệm chính quyền địa phương cần đối thoại và hỏi ý kiến nhân dân. Việc đối thoại không phải triển khai ở tất cả vấn đề hay công việc mà chính quyền làm, mà là đối thoại trong những việc chắc chắn tác động đến lợi ích sát sườn, đến đời sống, tình cảm của người dân, hay những vấn đề liên quan đến cộng đồng, đến đời sống chung của xã hội, quốc gia.
“Đó cũng là thực hiện quyền được biết của người dân, đồng thời quy định trách nhiệm sửa chữa sai lầm khi chính quyền có những quyết định chưa đúng, hay không đúng. Người dân sẽ chia sẻ khi chính quyền đưa ra những quyết định chưa đúng nhưng biết lắng nghe. Và họ cũng sẽ phê phán, trách cứ khi chính quyền cố chấp bảo thủ, bao biện trước những quyết định không đúng hay chưa đúng. Điều này sẽ tổn hại uy tín của chính quyền và tình cảm của nhân dân với chính quyền”, đại biểu này kết luận.
Dự kiến, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được thông qua vào ngày 19-6 tới tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIII.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()