Ðề xuất tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm
Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý người vi phạm.
Vi phạm nặng, xử nhẹ
Theo Tổng cục Ðường bộ Việt Nam (ÐBVN), trong gần hai năm thực hiện NÐ46, lực lượng công an đã xử lý hơn bảy triệu trường hợp vi phạm trong lĩnh vực đường bộ, phạt tiền hơn 4.600 tỷ đồng, tước gần 600 nghìn giấy phép lái xe và tạm giữ khoảng 100 nghìn phương tiện; lĩnh vực đường sắt xử phạt gần 3.000 trường hợp, phạt tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Lực lượng thanh tra giao thông cũng thực hiện hơn 15 nghìn cuộc thanh tra; gần 200 nghìn cuộc kiểm tra, phát hiện hơn 240 nghìn vụ vi phạm, xử phạt hơn 500 tỷ đồng, tạm giữ 1.420 ô-tô. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục ÐBVN) Hoàng Hồng Hạnh đánh giá, vi phạm trên đường cao tốc đang có dấu hiệu gia tăng, nhất là tình trạng lùi xe, đỗ xe, đón trả khách trên đường cao tốc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) và đã có vụ việc bị khởi tố. Tình trạng sử dụng rượu bia, ma túy khi điều khiển phương tiện cũng tăng cao thời gian qua, gây ra một số vụ TNGT nghiêm trọng. Tuy nhiên, mức xử phạt cao nhất bằng tiền đối với cá nhân trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng, thấp hơn so với mức phạt tiền của đường sắt, đường thủy nội địa trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm đường bộ có phần phức tạp, nguy hiểm hơn. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cán bộ thực thi công vụ hạn chế về nghiệp vụ, không nắm vững các quy định liên quan và chưa làm tròn trách nhiệm công vụ trong quá trình giải quyết, xử lý vi phạm; để xảy ra một số vụ sai sót, tiêu cực. Ðồng thời, cũng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính, thiếu cơ chế chia sẻ và cung cấp thông tin các đối tượng vi phạm, cho nên rất khó xác định trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm để xử phạt tăng nặng. Cá biệt, nhiều hành vi vi phạm trong thực tế chưa thể xử lý vì thiếu phương tiện kỹ thuật, như mức độ khí thải, âm lượng còi, tiếng ồn,… hay hành vi “độ” đèn chiếu sáng trước xe ô-tô gây mất an toàn đối với xe đi ngược chiều vẫn chưa được quy định trong nghị định xử phạt.
Theo Thiếu tướng Lê Xuân Ðức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an (C08), một số hành vi như vi phạm nồng độ cồn, điều khiển xe khi trong cơ thể có chất ma túy, xe đi ngược chiều trên đường cao tốc,… có tính chất, mức độ nguy hiểm, khả năng gây TNGT với hậu quả rất nghiêm trọng nhưng quy định hình thức xử phạt bổ sung gồm tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ bốn đến sáu tháng hoặc 22 đến 24 tháng là chưa đủ sức răn đe. Một bất cập khác là quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu xử phạt vi phạm phải có người làm chứng ký biên bản là không cần thiết, đồng thời gây bức xúc cho lái xe khi phải chờ đợi hoàn tất thủ tục. Vào ban ngày, tìm người làm chứng còn dễ dàng, nhưng về đêm, lực lượng chức năng không thể tìm được người làm chứng để ký biên bản. Chưa kể thủ tục giải quyết các phương tiện bị tạm giữ, nếu chủ xe, người vi phạm không đến nhận, chưa có cách xử lý nhanh gọn, vì thế số lượng phương tiện bị tồn đọng lớn, gây lãng phí xã hội, tăng áp lực đối với cơ quan thực thi công vụ.
Tăng nặng đến mức nào?
Theo nhận định của C08, Bộ Công an, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, hầu hết có lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, như vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều,… Từ thực trạng nêu trên, đã đến lúc cần nâng cao mức xử phạt, đa dạng hình thức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm để tăng sức răn đe, hạn chế lỗi trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Ðơn cử, hành vi điều khiển mô-tô rú ga, nẹt pô trong đô thị, khu đông dân cư, hiện chỉ xử phạt ở mức 100 đến 200 nghìn đồng, trong khi đây là hành vi vi phạm mang tính cố ý gây rối trật tự công cộng, gây bức xúc trong nhân dân, do đó cần tăng mức phạt và bổ sung hình thức tạm giữ phương tiện.
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng ÐBVN Nguyễn Văn Huyện, hiện nay, số lượng hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành rất ít, thậm chí nhiều trường hợp thanh tra viên không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính mà do Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải, thủ trưởng cơ quan quản lý đường bộ thực hiện. Do đó, cần bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ cho Ðội trưởng nghiệp vụ Thanh tra Sở Giao thông vận tải, cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực hay các đơn vị thuộc Cục Ðường sắt Việt Nam. Ðại diện các cơ quan nhà nước cũng kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên 80 triệu đồng đối với cá nhân; tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, có thể tước bằng lái vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm.
Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh nhận định, nếu chỉ sửa đổi NÐ46 mà không sửa đổi các luật, nghị định khác liên quan thì hiệu quả sẽ không cao. Ðồng thời, cần tập trung các giải pháp khác như tuyên truyền, còn giải pháp đánh nặng vào túi tiền người vi phạm chỉ là thứ yếu. Ngoài ra, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, cũng cần nghiên cứu quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép theo thủ tục hành chính để bảo đảm tính khả thi hoặc cho phép người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm được tạm giữ xe để ngăn chặn hành vi có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc Tổng cục ÐBVN đưa ra các giải pháp để ngăn chặn và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, trong đó có đề xuất tăng nặng chế tài xử phạt là cần thiết nhưng phải đánh giá toàn diện ở nhiều khía cạnh. Với tình hình kinh tế – xã hội hiện nay, mức xử phạt vi phạm giao thông là tương đối phù hợp. Cơ quan chức năng cần xem xét, tăng chế tài đối với một số hành vi sử dụng các chất kích thích như lái xe sử dụng ma túy, rượu bia vượt quy định, phải tạm giữ phương tiện và lái xe luôn để ngăn chặn TNGT. Không nên chỉ điều chỉnh tăng mức xử phạt mà cần có biện pháp nâng cao trách nhiệm của người thực thi công vụ như lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông,… Ngoài ra, Nhà nước cần đầu tư về trang thiết bị, chế độ cho người thực thi công vụ, trong đó ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính, tăng cường xử phạt giao thông qua ca-mê-ra. Nếu chỉ chăm chú tìm cách tăng mức phạt thì việc “cưa đôi” sẽ diễn ra nhiều hơn và khó kiểm soát. Cần xác định việc tăng mức phạt không phải “cây gậy thần kỳ”, nghiên cứu kỹ kinh nghiệm quốc tế, điểm nào phù hợp Việt Nam và được đánh giá giúp kéo giảm TNGT, nâng cao ý thức người dân mới lựa chọn để đưa vào sửa đổi NÐ46.
Theo Nhandan
Ý kiến ()