Đề xuất tăng 1,25-2 lần mức hỗ trợ sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra mức hỗ trợ phục hồi sau thiên tai, dịch bệnh được quy định từ năm 2017 trong khi giá thị trường hiện nay đã biến đổi rất nhiều nên không còn phù hợp.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, theo báo cáo của các địa phương, tổng kinh phí đã hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất là 5.210 tỷ đồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính sách hỗ trợ đã góp phần giúp người dân vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh có một phần kinh phí để khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống. Tuy nhiên, Nghị định khi áp dụng đã phát sinh những tồn tại, bất cập. Do đó, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thông đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP để trình Chính phủ.
Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, mức hỗ trợ quy định từ năm 2017 trong khi giá thị trường hiện nay đã biến đổi rất nhiều, do vậy mức hỗ trợ trong nghị định là thấp và không phù hợp với thời điểm hiện tại. Ngoài ra, chưa có quy định về chế độ hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia thống kê, xác nhận thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra rằng mức hỗ trợ với dịch bệnh là cố định trong khi giá thị trường luôn biến động gây khó khăn khi xảy ra dịch. Nếu mức hỗ trợ cao hơn so với giá thị trường có thể xuất hiện tình trạng người chăn nuôi không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch làm dịch bệnh lây lan để nhận hỗ trợ. Nếu mức hỗ trợ quá thấp so với giá thị trường có thể xảy ra tình trạng giấu dịch, bán chạy gia súc, gia cầm bệnh làm lây lan dịch.
Theo dự thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với cây trồng, cây trồng lâm nghiệp; nuôi thuỷ, hải sản; sản xuất muối… bị ảnh hưởng về thiên tai, dịch bệnh cho phù hợp với kinh phí để khôi phục sản xuất hiện nay. Mức hỗ trợ tăng gấp 1,25-2 lần so với quy định hiện hành, bên cạnh đó mức hỗ trợ cũng xác định phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, vậy nuôi.
Chẳng hạn đối với cây lúa nếu như quy định hiện hành chỉ phân hai mức hỗ trợ theo tỷ lệ thiệt hại từ 30-70% và trên 70% thì dự thảo đề xuát quy định hỗ trợ theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Diện tích lúa thuần sau gieo trồng từ 1-10 ngày bị thiệt hại trên 70% hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; sau gieo trồng từ trên 10-45 ngày bị thiệt hại trên 70% hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; sau gieo cấy trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70% hỗ trợ 8 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30%-70% hỗ trợ 4 triệu đồng/ha…
Trong các nhóm được điều chỉnh tăng mức hỗ trợ, diện tích nuôi thuỷ, hải sản bị thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh có mức tăng cao hơn cả, tăng từ 1,5-2 lần so với quy định hiện hành.
Riêng đối với nhóm nuôi gia súc, gia cầm bị thiệt hại do thiên tai và thiệt hại do dịch bệnh thì mức hỗ trợ giữ nguyên so với quy định hiện hành.
Dự thảo cũng bổ sung mức hỗ trợ hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia công tác thống kê, xác nhận thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và người tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
Theo đó, người trực tiếp tham gia thống kê, xác nhận thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch để thực hiện tiêu hủy gia súc, gia cầm, thủy sản (kể cả gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật bắt buộc phải tiêu hủy), phun hóa chất khử trùng tiêu độc và phục vụ tại các chốt kiểm dịch được hỗ trợ 150.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 300.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.
Người trực tiếp tham gia tiêm phòng vaccine với mức bình quân cho một lần tiêm là 2.900 đồng/con lợn; 4.800 đồng/con trâu, bò; 350 đồng/con gia cầm. Trường hợp mức bồi dưỡng theo lần tiêm dưới 200.000 đồng/người/ngày thì được thanh toán bằng mức 180.000 đồng/người/ngày.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định các doanh nghiệp bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ thông qua cơ chế, chính sách về thuế và các chính sách khác.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ-CP sẽ lấy ý kiến đến hết ngày 16/7./.
Ý kiến ()