Đề xuất sửa đổi một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp biên tập viên, phóng viên
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình, âm thanh viên, phát thanh viên, kỹ thuật dựng phim, quay phim thuộc chuyên ngành thông tin và truyền thông.
Cụ thể:
– Đối với chức danh Biên tập viên hạng I, Phóng viên hạng I, dự thảo bổ sung quy định “Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên biên tập viên hạng I, phóng viên hạng I” như sau:
Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II hoặc tương đương tối thiểu là 6 năm (đủ 72 tháng). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;
Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II hoặc tương đương đã chủ trì biên tập ít nhất 4 tác phẩm đạt giải thưởng cấp bộ hoặc tương đương trở lên; hoặc chủ trì ít nhất 2 đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành cấp bộ, cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
– Đối với chức danh Biên tập viên hạng II, Phóng viên hạng II, dự thảo bổ sung “Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên biên tập viên hạng II, phóng viên hạng II” như sau:
Có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 9 năm. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng;
Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp biên tập viên hạng III, phóng viên hạng III hoặc tương đương đã chủ trì biên tập ít nhất 2 tác phẩm đạt giải thưởng cấp bộ, cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên; hoặc tham gia viết chuyên đề trong ít nhất 2 đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành từ cấp cơ sở trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu.
– Đối với Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, dự thảo đề xuất: Biên tập viên hạng I và II đều có yêu cầu chung là: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành biên tập viên hoặc có chứng chỉ hành nghề biên tập viên (đối với biên tập viên lĩnh vực xuất bản). Theo quy định hiện nay thì cần có Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh biên tập viên hạng I và hạng II riêng biệt.
Tương tự, đối với phóng viên, dự thảo đề xuất: Phóng viên hạng I và II đều có yêu cầu chung là: Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành phóng viên.
Theo quy định hiện nay thì cần có Chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh phóng viên hạng I và hạng II riêng biệt.
Ý kiến ()