Đề xuất sáng kiến thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong gìn giữ hòa bình
Các thành viên Liên hợp quốc nói chung, các quốc gia Đông Nam Á nói riêng đều đang nỗ lực gia tăng một cách bền vững sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Sáng 26/11, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến với chủ đề “Vai trò của phụ nữ và phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động gìn giữ hòa bình.”
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam kiêm Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị.
Cùng dự có các đoàn đại biểu thuộc 15 quốc gia và các tổ chức quốc tế tại các điểm cầu.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đồng chủ trì các phiên thảo luận.
Hướng tới kỷ niệm 20 năm ngày ban hành Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về Phụ nữ, hòa bình và an ninh, Hội nghị được tổ chức nhằm tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với các vấn đề về phụ nữ, hòa bình, an ninh cũng như tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò kép là Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.
Là hoạt động tiền đề hướng đến Hội nghị về Phụ nữ với các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc dự kiến tổ chức tại Việt Nam theo hình thức trực tiếp vào năm 2021, Hội nghị trực tuyến lần này là cơ hội tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia về vai trò của phụ nữ và ứng phó với dịch COVID-19; tiếp tục duy trì động lực, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia; nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến nhấn mạnh các thành viên Liên hợp quốc nói chung, các quốc gia Đông Nam Á nói riêng đều đang nỗ lực gia tăng một cách bền vững sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Trong 5 năm qua, con số tổng thể và tỷ lệ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình các nước Đông Nam Á đều tăng lên. Indonesia, Campuchia và Malaysia hiện là các nước có số lượng nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cao nhất ở khu vực, trong khi Việt Nam và Campuchia đang là hai nước cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ khi xét đến tỷ lệ gia tăng tương đối về quân nhân nữ tham gia.
Việt Nam chính thức tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2014.
Tháng 1/2018, Việt Nam cử nữ sỹ quan đầu tiên tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc làm sỹ quan tham mưu tác chiến ở Phái bộ tại Nam Sudan.
Tháng 10/2018, Việt Nam triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đến phái bộ UNMISS tại Bentiu, Nam Sudan, trong đó có 10 nữ quân nhân trên tổng số 63 cán bộ, nhân viên y, bác sỹ, chiếm gần 16%, tỷ lệ nữ cao hơn mức kêu gọi của Liên hợp quốc.
Tháng 11/2019, Việt Nam triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 và tiếp tục duy trì bảo đảm tỷ lệ nữ quân nhân tham gia như trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (10/63 quân nhân).
Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam hiện đang duy trì số lượng 3 nữ sỹ quan tham gia trên tổng số 16 quân nhân, chiếm gần 19% và cũng cao hơn nhiều so với mức kêu gọi của Liên hợp quốc.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, phát biểu tại hội nghị.
Các nữ quân nhân của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, khả năng hoàn thành nhiệm vụ và là điểm sáng trong nhiều hoạt động của Liên hợp quốc tại các phái bộ thực địa, nhất là trong công tác đối ngoại nhân dân.
“Việt Nam nhận thức rằng, để có sự tham gia bền vững của phụ nữ trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của Liên hợp quốc, chúng tôi sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, vừa là những khó khăn của riêng Việt Nam, song cũng gồm nhiều khó khăn mang tính hệ thống mà không chỉ các nước Đông Nam Á, mà còn cả các nước cử quân khác trên thế giới đều phải đối diện,” Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến khẳng định.
Trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục có chủ trương duy trì, xem xét khả năng nâng cao hơn nữa tỷ lệ nữ tham gia vào hoạt động này; nhất là việc nữ quân nhân nộp hồ sơ để ứng thi vào làm việc tại các vị trí cao hơn tại trụ sở Liên hợp quốc và sở chỉ huy phái bộ.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan liên quan chủ động nghiên cứu để tiếp tục quan tâm bảo đảm tốt hơn các chính sách đãi ngộ, trọng dụng để hỗ trợ phụ nữ yên tâm tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình với hiệu quả công việc ngày càng chất lượng hơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận, đóng góp ý kiến xoay quanh một số chủ đề chính: Vai trò của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện và gây nguy hiểm tại các phái bộ; vấn đề phòng, chống dịch COVID-19 tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thực tiễn từ Phái bộ UNMISS (Nam Sudan); đề xuất sáng kiến quốc tế nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình./.
Ý kiến ()