Đề xuất quy định mới về trường đào tạo, bồi dưỡng
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện thì một số nội dung quy định tại Nghị định số 125/2011/NĐ-CP không còn phù hợp như: Hệ thống tổ chức của các trường đào tạo, bồi dưỡng còn cồng kềnh, manh mún, phân tán, chồng chéo, thiếu tính quy hoạch trong xây dựng hệ thống; chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động còn nhiều bất cập; chồng chéo thực hiện nhiệm vụ giữa các trường đào tạo, bồi dưỡng ở Trung ương và địa phương. Cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các trường chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng; quản trị nội bộ còn yếu kém. Tổ chức bộ máy bên trong của các trường đào tạo, bồi dưỡng chưa phù hợp, thiếu sự đồng bộ…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập và để thực hiện những yêu cầu mới đặt ra, việc xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 125/2011/NĐ-CP là thực sự cần thiết.
Quy định rõ vị trí pháp lý của trường đào tạo, bồi dưỡng
Dự thảo nêu rõ, trường đào tạo, bồi dưỡng là cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành và Nghị định này, cụ thể như sau:
Trường của cơ quan nhà nước hoạt động theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy định của Nghị định này, trực thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
Trường của tổ chức chính trị trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; Tỉnh ủy, Thành ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Huyện ủy, Quận ủy, Thành ủy, Thị ủy và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trường của tổ chức chính trị-xã hội trực thuộc cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị-xã hội.
Trường của lực lượng vũ trang nhân dân hoạt động theo quy định của lực lượng vũ trang nhân dân và theo quy định của Nghị định này, trực thuộc các cấp quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nằm trong tổ chức, biên chế của Quân đội nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam.
Nhiệm vụ và quyền hạn của trường đào tạo, bồi dưỡng
Về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, Trường có nhiệm vụ gồm: Tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý và hướng dẫn thực hiện; tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo chương trình do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý và hướng dẫn thực hiện; tổ chức bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức theo chương trình do Bộ Nội vụ quản lý và hướng dẫn thực hiện…
Về đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, dự thảo quy định: Các trường đào tạo, bồi dưỡng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, có chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học do cơ quan có thẩm quyền giao trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn liên quan tới hoạt động đào tạo và bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở giáo dục đại học, trong đó đối tượng đào tạo là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang; phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của trường đào tạo, bồi dưỡng.
Cơ cấu tổ chức của trường đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội phải phù hợp với cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập, theo quy định của pháp luật có liên quan, trong đó bao gồm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng (hoặc giám đốc, phó giám đốc); Hội đồng khoa học và đào tạo; Khoa, bộ môn, phòng chức năng; đơn vị phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Ý kiến ()