Đề xuất quy định chuẩn năng lực người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đang dự thảo Thông tư quy định chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ và tự xây dựng kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng đạt chuẩn. Ảnh minh họa |
Dự thảo Thông tư này quy định chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp (bao gồm hiệu trưởng trường cao đẳng, hiệu trưởng trường trung cấp, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp) và hướng dẫn sử dụng chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo dự thảo, mục đích ban hành quy định chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp để người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ và tự xây dựng kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục nghề nghiệp và hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Dự thảo Thông tư nêu rõ 4 tiêu chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
Tiêu chuẩn 1-Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ các tiêu chuẩn đối với chức danh hiệu trưởng trường cao đẳng, hiệu trưởng trường trung cấp, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; thường xuyên học tập, rèn luyện để nâng cao năng lực bản thân đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Tiêu chuẩn 2-Năng lực điều hành, lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp:Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực điều hành cơ sở giáo dục nghề nghiệp phù hợp với môi trường giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiện đại; thích ứng với xu thế phát triển trong tương lai.
Tiêu chuẩn 3- Năng lực quản trị cơ sở giáo dục nghề nghiệp:Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực thiết lập cơ cấu, tổ chức; năng lực quản trị tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính, tài sản, cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phù hợp với sứ mạng, tầm nhìn, chức năng, nhiệm vụ và chiến lược phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tiêu chuẩn 4- Năng lực tạo lập, hợp tác, phát triển các mối quan hệ xã hội:Người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp có năng lực, kỹ năng đàm phán, hợp tác phát triển mối quan hệ với đối tác, nhà tài trợ, đơn vị truyền thông; chia sẻ giá trị, thực hiện trách nhiệm xã hội.
Dự thảo cũng đề xuất quy trình đánh giá, xếp loại kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn.
Theo đó, người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự đánh giá theo chuẩn.
Phó hiệu trưởng/Phó giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp chủ trì, tổ chức lấy ý kiến đánh giá mức độ đạt chuẩn người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hội đồng quản trị hoặc thành viên sở hữu cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục thực hiện đánh giá mức độ đạt chuẩn của người đứng đầu trên cơ sở kết quả tự đánh giá của người đứng đầu, ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, đại diện người học và kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp; thực hiện thông báo kết quả đánh giá mức độ đạt chuẩn năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến người đứng đầu và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảonày trên Cổng TTTĐT của Bộ.
Ý kiến ()