Đề xuất nhiều chính sách giảm nghèo
Chiều 23-4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững chủ trì hội nghị trực tuyến về báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2013 và nhiệm vụ, giải pháp, các định hướng sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo năm 2014-2015.
Theo báo cáo của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 9,6% (năm 2012). Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 chưa vững chắc,chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hằng năm còn cao, bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 hộ tái nghèo và phát sinh nghèo mới so với tổng số hộ thoát nghèo. Sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo đang trở thành yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo. Sự chồng chéo về chính sách tuy không chồng chéo về nguồn lực nhưng dẫn tới sự dàn trải, phân tán nguồn lực đầu tư trong khi khả năng bố trí ngân sách nhà nước còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của các công trình, chính sách, các địa phương, cơ sở không chủ động được việc bố trí nguồn vốn theo nhu cầu…
Thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2014 và định hướng giảm nghèo đến năm 2015, phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo cả nước từ 7,8% năm 2013 xuống còn 5,8 đến 6% vào cuối năm 2014; riêng tỷ lệ nghèo ở các huyện thuộc diện 30a giảm bình quân 4%/năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 34,2% năm 2014). Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 5% theo chuẩn nghèo hiện hành, tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo còn dưới 30%…
Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận về những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân cũng như bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo tại địa phương và đưa ra các đề xuất trong việc thiết kế chính sách giảm nghèo trong thời gian tới.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Giảm nghèo bền vững là mục tiêu lâu dài gắn liền với quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, do đó cần kiên trì thực hiện mục tiêu đề ra trong cả hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện. Phó Thủ tướng yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo cần bảo đảm sự thống nhất, có lồng ghép, lấy mục tiêu giảm nghèo làm trung tâm. Phân loại các nhóm đối tượng nghèo và có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các nhóm này; giảm dần chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không”, tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo. Việc xây dựng, banhành chính sách hỗ trợ mới cần theo hướng mở rộng đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tình trạng tái nghèo… Tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo; rà soát, loại bỏ các chính sách, chế độ chồng chéo, không hiệu quả để bảo đảm tính hiệu quả của chính sách và tính khả thi trong bố trí nguồn lực thực hiện. Các địa phương phải cụ thể hóa mục tiêu chương trình giảm nghèo vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm của địa phương. Nhân rộng các mô hình, điển hình làm tốt về giảm nghèo để phấn đấu, các nơi học tập lẫn nhau, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện…
* Ngày 23-4, tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) đã nghe dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012 của Ủy ban Thường vụ QH.
Đây là chương trình giám sát thực hiện tại nhiều bộ, ngành có liên quan, tổ chức đoàn giám sát đến 15 tỉnh, thành phố và trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đối tượng người nghèo ở 30 thôn, ấp, bản tại nhiều địa phương.
Trình bày báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng cho biết: Từ năm 1993 đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta đi qua bốn giai đoạn chính. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là chính sách giảm nghèo vừa là mục đích, vừa là yêu cầu, là chỉ tiêu gắn với phát triển kinh tế -xã hội (KT-XH) toàn diện, góp phần bảo đảm an sinh và công bằng xã hội. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhìn chung, ở cấp quốc gia, thành tựu có thể thấy rõ ở cả chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế.
Cho ý kiến bổ sung vào báo cáo thẩm tra, các đại biểu cho rằng nguyên nhân của những hạn chế trong chính sách giảm nghèo là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp trách nhiệm giữa các bộ, ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn phân tán, thiếu liên kết, chưa lồng ghép được các chính sách. Việc huy động các nguồn lực gặp khó khăn là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác giảm nghèo. Một số địa phương vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức từ cấp ủy đảng, chính quyền là nguyên nhân hạn chế trong công tác giảm nghèo…
Trên cơ sở Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 – 2012, nhiều ý kiến đề nghị QH ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2015 -2020”; kiến nghị Chính phủ khẩn trương rà soát các văn bản liên quan đến chính sách, pháp luật giảm nghèo, tập trung, sắp xếp hợp lý theo hướng giảm số lượng văn bản, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp, phân định trách nhiệm rõ ràng, bảo đảm cân đối nguồn lực cho các chính sách.
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 -2012” sẽ được trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét cho ý kiến trước khi trình QH tại kỳ họp thứ 7 tới. Chiều qua, các thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của QH đã đóng góp ý kiến về dự thảo ý kiến của Ủy ban về tình hình KT-XH sáu tháng đầu năm và đến cuối năm 2014; dự thảo báo cáo hoạt động giữa hai kỳ họp; cho ý kiến thẩm tra các dự án luật trình tại kỳ họp thứ 7, QH khóa XIII.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()