Đề xuất nâng mức hỗ trợ để tăng bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Hiện mới có hơn 95% học sinh, sinh tham gia bảo hiểm y tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang đề xuất nâng mức hỗ trợ để tăng bao phủ đối tượng học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Có thể nâng mức hỗ trợ để tăng độ bao phủ
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý Thu – Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, cơ quan này đã báo cáo, đề xuất Bộ Y tế, trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước (NSNN) với nhóm đối tương học sinh, sinh viên (HSSV) lên mức 50% nhằm giảm gánh nặng cho gia đình HSSV, bảo đảm công bằng với các nhóm khác. Thí dụ, hiện nay, nhóm tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) theo hộ gia đình được giảm trừ là người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (LCS), người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt là 70%, 60%, 50% người thứ nhất, từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Còn theo TS Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cơ quan này cũng đang phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn này.
TS Nguyễn Nho Huy nhấn mạnh, việc một bộ phận HSSV chưa đóng BHYT, theo thống kê, phần lớn là các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, một phần nhỏ là HSSV nhận thức chưa đúng, chây ỳ, cố tình không đóng BHYT bắt buộc.
Dự kiến, đối với các trường hợp chây ỳ, sẽ có những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp và có thể sử dụng các chế tài mạnh hơn nữa.
Đối với đối tượng HSSV khó khăn, ngành giáo dục – đào tạo đang có đề xuất kiến nghị Chính phủ tăng từ mức hỗ trợ 30% lên 50%. Đồng thời,
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang đề nghị với các UBND tỉnh đưa ngân sách hỗ trợ HSSV vào ngân sách chi thường xuyên.
Bên cạnh sự hỗ trợ từ NSNN, các cá nhân, tổ chức hảo tâm cũng có thể hỗ trợ HSSV có hoàn cảnh khó khăn thông qua các quỹ học bổng của trường.
Kiểm soát mã số BHXH khi cấp thẻ BHYT học sinh, sinh viên
Cũng theo bà Đinh Mai Hạnh, BHXH Việt Nam đã tiến hành cấp mã số BHXH và hoàn thiện dữ liệu cấp mã số BHXH đối với người tham gia BHXH, BHYT trong cơ sở dữ liệu ngành BHXH. Mỗi người tham gia BHXH, BHYT đã được cấp một mã số định danh – mã số BHXH duy nhất ghi nhận quá trình tham gia BHXH, BHYT và các chính sách, chế độ được hưởng của người tham gia.
Mã số này gồm 10 chữ số, có hai số đầu là mã tỉnh, còn lại là các số tự nhiên. Mã số này được đồng bộ với 10 số cuối trên thẻ BHYT. Đối với HSSV, thẻ BHYT được cấp với mã thẻ là HS một chữ số là mã quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh hai chữ số là mã tỉnh 10 chữ số là mã số BHXH.
Thông tin thẻ BHYT được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành BHXH cũng như cổng thông tin Giám định BHYT của BHXH Việt Nam, kết nối thông tin tới tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) có ký Hợp đồng KCB với cơ quan BHXH trên toàn quốc.
Khi đi KCB, người tham gia BHYT chỉ cần xuất trình thẻ BHYT để cơ sở KCB tra cứu trên dữ liệu về giá trị của thẻ, cơ quan BHXH quản lý dữ liệu KCB của người tham gia BHYT.
Trước đó, ngày 19-11-2018, BHXH Việt Nam đã có tờ trình gửi Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự thảo Quyết định cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử. Đến nay, dự thảo văn bản này được Văn phòng Chính phủ tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành và tổng hợp, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành theo thẩm quyền.
Trong khi chờ ban hành quyết định, BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng các dự thảo văn bản quy định của Ngành về mẫu và quy trình cấp thẻ BHYT điện tử để triển khai được ngay khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Hiện nay, BHXH Việt Nam cũng đã hoàn thiện cơ sở dữ liệu điện tử về đối tượng tham gia để cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH duy nhất. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT đã thực hiện việc tra cứu thông tin về dữ liệu thẻ BHYT thông qua mã số BHXH và mã vạch BHYT trên Cổng thông tin Giám định BHYT của BHXH Việt Nam (trong đó có thông tin thời hạn sử dụng thẻ BHYT).
Đồng thời, người tham gia có thể dễ dàng tự tra cứu thông tin dữ liệu về quá trình tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam tại địa chỉ: http://www.baohiemxahoi.gov.vn.
Thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai thêm các tiện ích, mở rộng chức năng tra cứu trên ứng dụng điện tử đối với thẻ BHYT để tạo thuận lợi hơn nữa cho người tham gia trong quá trình sử dụng và bảo đảm phù hợp với điều kiện, năng lực thực hiện của ngành trong từng giai đoạn.
Thêm vào đó, HSSV thuộc đối tượng tham gia BHYT quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17-10-2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định cơ sở giáo dục có trách nhiệm lập danh sách tham gia BHYT của đối tượng HSSV. Như vậy HSSV đóng tiền BHYT cho nhà trường nơi mình theo học sẽ thuận tiện hơn trong việc quản lý và gia hạn giá trị sử dụng của thẻ BHYT.
Tới nay, BHXH hỗ trợ gia hạn thẻ BHYT cho đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình và đối tượng tham gia BHXH tự nguyện qua Cổng dịch vụ công quốc gia.
* Mức đóng BHYT hằng tháng của HSSV bằng 4,5% mức LCS hiện được áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng.
NSNN hỗ trợ 30% mức đóng, đối tượng đóng 70% còn lại.
HSSV có thể lựa chọn phương thức đóng BHYT như sau:
– Cho 3 tháng: Mức đóng là 201.150 đồng (Nhà nước hỗ trợ 60.345 đồng, HSSV chỉ phải đóng 140.805 đồng);
– Cho 6 tháng: Mức đóng là 402.300 đồng (Nhà nước hỗ trợ 120.690 đồng, HSSV chỉ phải đóng 281.610 đồng);
– Cho 9 tháng: Mức đóng là 603.450 đồng (Nhà nước hỗ trợ 181.035 đồng, HSSV chỉ phải đóng 422.415 đồng);
– Cho 12 tháng: Mức đóng là 804.600 đồng (Nhà nước hỗ trợ 241.380 đồng, HSSV chỉ phải đóng 563.220 đồng).
Khi đã tham gia BHYT cho cả năm học 2020-2021 (12 tháng) nếu Nhà nước có điều chỉnh mức LCS, HSSV và NSNN sẽ không phải đóng bổ sung phần chênh lệch do điều chỉnh mức tiền LCS đối với thời gian đã đóng BHYT.
Ý kiến ()