Đề xuất lắp báo cháy tự động với nhà ở riêng lẻ, hộ sản xuất, kinh doanh
Từ kinh nghiệm về công tác tổ chức chữa cháy đối với 3 vụ cháy gần đây, Phòng PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội nêu đề xuất cần có việc tuyên truyền, vận động người dân lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ sản xuất, kinh doanh.
Thượng Tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội cho biết, cả 3 vụ cháy gần đây tại địa bàn Hà Nội đều gây thiệt hại nghiêm trọng về người – Ảnh: VGP/GH
Đề xuất cần quy định lắp báo cháy với nhà ở riêng lẻ, hộ sản xuất, kinh doanh
Sáng 9/8, tại hội nghị sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Hà Nội năm 2023, Công an TP. Hà Nội đã báo cáo rút kinh nghiệm về công tác tổ chức chữa cháy đối với 3 vụ cháy gần đây: Vụ cháy tại cửa hàng xe máy điện Ánh Dương, xã An Khánh (huyện Hoài Đức), vụ cháy tại ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa), vụ cháy tại 24A Thành Công (quận Hà Đông).
Theo Thượng Tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP. Hà Nội, cả 3 vụ cháy nêu trên đều gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Cụ thể, vụ cháy nhà dân tại quận Hà Đông gây thiệt hại 4 người chết; vụ cháy tại ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa gây thiệt hại 3 người chết; vụ cháy tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức gây thiệt hại 3 người chết, hầu hết tài sản đều ám khói, hư hỏng…
Về nguyên nhân cháy, vụ cháy tại cửa hàng xe máy điện 24A Thành Công (quận Hà Đông là do chập điện trên trần giả bằng nhựa tầng 1 sau đó cháy lan trên tầng trên; vụ cháy tại ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa) sơ bộ do chập điện tại phòng chứa hàng hóa phía trước dẫn đến cháy; vụ cháy tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức) xác định do chập điện tại khu vực kinh doanh, trưng bày xe máy điện, xe đạp điện ở tầng 1 gây cháy.
Thời điểm xảy ra cháy đều từ nửa đêm về sáng, vào thời điểm này người dân đều đang ngủ nên không phát hiện từ ban đầu, khi phát hiện đã cháy lớn, tất cả các vụ đều do người dân xung quanh phát hiện và báo cháy, lúc đó đã cháy lớn nên thiệt hại nghiêm trọng. Cả 3 công trình đều có lối thoát nạn thứ 2 tại các tầng ra ban công hoặc có cửa ra tum, tại An Khánh (Hoài Đức) có cửa thoát nạn là cửa sổ, tuy nhiên khi cháy đều không thoát nạn được, điều này liên quan đến phát hiện cháy chậm. Cả 3 công trình này người dân đã có tham gia tập huấn về PCCC.
Thời gian tiếp cận của lực lượng PCCC với 3 vụ cháy đều nhanh, do thời điểm báo cháy vào sáng sớm chưa ảnh hưởng bởi giao thông, việc chữa cháy theo đúng phương án chữa cháy với nhà ống; có 2/3 công trình đã được ký cam kết về PCCC với UBND phường.
Qua 3 vụ việc, đề xuất liên quan đến giải pháp phòng ngừa, Thượng Tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng PCCC và Cứu nạn cứu hộ nêu đề xuất, các vụ cháy đều xảy ra sáng sớm do vậy viện phát hiện cháy sớm hạn chế do đó cần có việc tuyên truyền, vận động người dân lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ và các hộ sản xuất, kinh doanh; đồng thời về lâu dài trong các quy định cần có việc lắp đặt báo cháy tự động với nhà ở riêng lẻ, hộ sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, Công an TP. Hà Nội đề xuất công an các quận, huyện, thị xã tuyên truyền để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ bởi thực tế 3 vụ việc nêu trên phòng ngủ đều có thể mở lối thoát khẩn cấp…
Nhiều khó khăn khi tiếp cận chữa cháy nhà ở trong các ngõ nhỏ
Tại hội nghị, Công an quận Đống Đa chia sẻ về giải pháp PCCC các hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở trong ngõ nhỏ, ngách nhỏ. Theo đó, vụ cháy tại ngõ Thổ Quan là vụ cháy là điển hình trong địa hình ngõ nhỏ. Đặc điểm của quận hầu hết nhà ở nằm trong ngách, ngõ nhỏ với khoảng 200 ngõ nhỏ và hàng nghìn ngách nhỏ. Khó khăn của lực lượng PCCC là khó tiếp cận các nhà trong ngõ, ngách sâu với đặc điểm điển hình là nhà ống. Như vụ cháy nhà ở ngõ Thổ Quan là nhà ống kiên cố tầng 1, các tầng trên khó tiếp cận và cao hơn nhà bên cạnh…
Công an quận Đống Đa nêu ý kiến cán bộ chiến sỹ phải luôn được rèn luyện kỹ thuật đối với đặc điểm địa hình; đồng thời, đề xuất được trang bị thêm thiết bị thở, cách ly, thiết bị phá dỡ cứu nạn cứu hộ… để chữa cháy hiệu quả hơn trong các công trình ngõ sâu.
Về nội dung này, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nêu đề nghị các cấp chính quyền các quận, huyện, thị xã quan tâm đầu tư trụ nước, bể nước trong khu dân cư để bảo đảm nguồn nước lưu thông hiệu quả; quan tâm trang thiết bị cho lực lượng PCCC; Công an các quận, huyện, thị xã tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền các mô hình PCCC như các Tổ liên gia an toàn PCCC, các điểm chữa cháy công cộng cần phải ở nơi dễ nhìn, có hộp trang bị đủ phương tiện PCCC công công…
Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, Công an Thành phố cần tham mưu cho UBND Thành phố về việc tuyên truyền, vận động người dân lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, trước mắt là các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh để phát hiện cháy sớm.
Ý kiến ()