Đề xuất kiểm tra khí thải xe máy định kỳ - Cần có lộ trình, cách làm phù hợp
Trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đưa ra lấy ý kiến về việc quy định xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy) khi tham gia giao thông phải được kiểm tra khí thải định kỳ. Đây được xem là biện pháp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm tra khí thải đối với xe máy cần có lộ trình, cách làm phù hợp.
Kiểm soát khí thải để hạn chế ô nhiễm môi trường
Theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, tính đến cuối năm 2021, cả nước có khoảng 70 triệu xe mô tô, xe gắn máy, tập trung nhiều nhất tại các thành phố lớn. Như ở Hà Nội có khoảng 6 triệu xe máy, TP Hồ Chí Minh khoảng 9 triệu xe, trong đó lượng xe đã sử dụng từ 10 năm trở lên chiếm tới gần 68%. Lượng phương tiện gia tăng cũng đồng nghĩa với việc gia tăng khí thải. Đây là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng này, trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất kiểm tra định kỳ khí thải xe máy trên toàn quốc để hạn chế ô nhiễm môi trường do phương tiện giao thông gây ra.
Khí thải từ xe gắn máy cũ nát gây ô nhiễm môi trường nên cần kiểm tra, kiểm soát. |
Đây không phải lần đầu tiên vấn đề kiểm tra khí thải xe máy được đưa ra. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông với mục tiêu kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí do khí thải xe máy tại các thành phố loại đặc biệt, loại 1 và loại 2. Tuy nhiên, đến nay, đề án vẫn chưa thể luật hóa hay thực hiện. Vì vậy, ngay khi Bộ GTVT có đề xuất kiểm tra định kỳ khí thải xe máy, đã có nhiều ý kiến về vấn đề này.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) bày tỏ: “Hiện nay, ô nhiễm môi trường ở những thành phố lớn đang ngày càng nghiêm trọng, nguyên nhân một phần do lượng khí thải từ xe máy cũ nát. Vì vậy, việc kiểm tra khí thải đối với xe máy là hợp lý”. Nếu đề xuất kiểm tra khí thải xe máy trở thành hiện thực thì chủ phương tiện sẽ phải bảo dưỡng xe theo định kỳ, điều này sẽ giúp bảo đảm an toàn hơn khi tham gia giao thông. Đó cũng là lý do để anh Nguyễn Văn Phong, ở quận Đống Đa (Hà Nội), đồng tình với đề xuất này. Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng ủng hộ đề xuất trên, bởi nếu được áp dụng thì đối tượng chịu tác động lớn nhất của quy định này là hàng triệu xe máy cũ đang lưu hành, trong khi chủ các phương tiện này đa phần là lao động nghèo.
Anh Đào Bá Tú ở thị xã Duy Tiên (Hà Nam) cho biết: “Nhà tôi có một chiếc xe máy cũ, buổi sáng, tôi ra chợ đầu mối lấy rau về cho vợ bán, sau đó chạy “xe ôm”. Nếu bây giờ thực hiện kiểm tra khí thải thì có lẽ xe của tôi sẽ không đủ tiêu chuẩn”. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến băn khoăn, nếu tổ chức kiểm tra khí thải toàn bộ xe máy thì liệu có xảy ra tình trạng quá tải hay không. Bởi với số lượng xe máy lớn như hiện nay, nếu mang đi kiểm tra thì con người, máy móc, thời gian để thực hiện là rất khó…
Triển khai thực hiện khoa học, hợp lý
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho biết: “Theo tôi, việc kiểm tra khí thải xe máy định kỳ là hoàn toàn cần thiết, bởi xe máy hiện nay chiếm khoảng 70-80% phương tiện giao thông, lượng khí thải từ xe máy là rất lớn. Tuy nhiên, do xe máy là phương tiện đi lại cũng như mưu sinh của hàng chục triệu người lao động nên chúng ta cần nghiên cứu thực hiện như thế nào cho phù hợp, tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân, tác động đến kinh tế-xã hội. Các cơ quan chức năng có thể triển khai dần dần, làm thử nghiệm ở một vài địa phương, quận, huyện… sau đó nghiên cứu, đánh giá hiệu quả trước khi áp dụng rộng rãi. Cũng có thể bước đầu chỉ tập trung kiểm tra khí thải đối với xe máy có thời gian sử dụng từ 15 năm trở lên, từ đó phân loại, thu hồi những xe máy cũ, không đủ tiêu chuẩn lưu thông”. TS Nguyễn Xuân Thủy cũng đề xuất, đối với xe máy của người lao động nghèo không đủ tiêu chuẩn tiếp tục sử dụng, cần phải thu hồi thì các cơ quan chức năng nghiên cứu hỗ trợ người dân một phần để đổi xe mới, làm tốt điều này thì chính sách mới có thể nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
Theo nhiều chuyên gia, một vấn đề cần đặt ra nữa là dù có đủ con người, cơ sở vật chất để thực hiện kiểm tra khí thải xe máy thì hiện nay vẫn chưa có quy định hay quy chuẩn, tiêu chuẩn để kiểm định. Vì vậy, theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thời gian tới, cần nhanh chóng đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể cho việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Ô nhiễm không khí xuất phát từ khí thải của xe máy cũ, xe không bảo đảm tiêu chuẩn về khí thải đang có xu hướng gia tăng, vì vậy, việc kiểm tra, kiểm soát, hạn chế các phương tiện này lưu thông là cần thiết. Tuy nhiên, cần có lộ trình, phương thức thực hiện khoa học, hợp lý để vừa đạt được mục tiêu, vừa tránh gây phiền phức, tốn kém cho người dân.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/de-xuat-kiem-tra-khi-thai-xe-may-dinh-ky-can-co-lo-trinh-cach-lam-phu-hop-739342
Ý kiến ()