Đề xuất gói hỗ trợ đặc biệt để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp
Các đại biểu khái quát bức tranh kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch, đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển bền vững.
Tiếp tục chương trình Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, sáng 5/12, sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Diễn đàn bắt đầu phiên họp toàn thể với chủ đề “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.”
Các đại biểu đã khái quát bức tranh kinh tế của các nước trên thế giới trong bối cảnh đại dịch, đồng thời đưa ra những đề xuất, khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển bền vững.
Chia gói hỗ trợ thành 3 giai đoạn
Trong bài đề dẫn “Một số gợi ý chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,” Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia thay mặt Nhóm Nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, dịch COVID-19 tác động nặng nề đến kinh tế, xã hội của Việt Nam, đặc biệt trong năm 2021. Nếu không có các chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt, Việt Nam sẽ bị lỡ nhịp, lỡ cơ hội và tụt hậu.
Với bối cảnh hiện tại, ông Lực cảnh báo, nếu không có các chương trình, gói hỗ trợ kích thích tài khóa, tiền tệ đặc biệt, kinh tế Việt Nam dự báo năm 2022 chỉ tăng trưởng ở mức 4-4,5%.
Từ kinh nghiệm quốc tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực nêu rõ có hai bài học rất quan trọng. Cụ thể, khoảng 98% các nước coi dịch bệnh là đặc hữu; thực hiện đa mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững trong tương lai. Về gói hỗ trợ, các nước dùng cả chính sách tài khóa và tiền tệ. Tính đến hết tháng 10/2021, bình quân các gói hỗ trợ toàn cầu vào khoảng 16,4% GDP, trong đó gói tài khóa chiếm 10,2% GDP.
Kinh nghiệm quốc tế về mục tiêu các gói hỗ trợ cơ bản giống nhau, song có 2 điểm cần đáng lưu ý. Đó là tập trung mạnh vào đầu tư hạ tầng y tế và cho phép bảo lãnh của Chính phủ với các khoản vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về chính sách tài khóa, ông Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa ở mức tương đối khả quan do mấy năm qua đã củng cố tương đối tốt, được quốc tế đánh giá là rất vững chãi và thuận lợi, tuy nhiên, phải có chính sách kiểm soát theo hướng bền vững về tài khóa. Về tiền tệ, dư địa có nhưng ít hơn bởi lãi suất đã giảm tương đối thấp trong khi xu thế thế giới bắt đầu tăng; áp lực lạm phát tăng lên, nợ xấu cũng tăng.
Để triển khai các gói hỗ trợ này, Tiến sỹ Cấn Văn Lực lưu ý cần bảo đảm chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu; khả thi, triển khai nhanh gọn và hiệu quả; phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ cũng như với các chính sách kinh tế-xã hội khác để tạo tính tổng lực.
Về phạm vi hỗ trợ, ưu tiên nâng cao năng lực y tế; tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân cả về nghĩa vụ tài chính và tiếp cận vốn, an sinh xã hội. Đối tượng hỗ trợ chủ yếu là lao động và người sử dụng lao động. Thời gian hỗ trợ trong hai năm (2022-2023).
Liên quan đến điều kiện, tiêu chí hỗ trợ, ông Lực cho rằng, đó phải là những doanh nghiệp, tổ chức có khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng; còn thiếu một số điều kiện nhưng phải có khả năng phục hồi; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chưa thể thay thế như giáo dục, y tế; thuộc những lĩnh vực, dự án mà Quốc hội, Chính phủ ưu tiên hướng đến thời gian tới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực, có thể phân chia gói hỗ trợ thành 3 giai đoạn khác nhau, gồm “kích hoạt, thúc đẩy và chốt chương trình” (vào cuối năm 2023).
Phân tích chi tiết gói hỗ trợ, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng nên tiếp tục giảm thuế VAT từ 1-2%; bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp này; có gói hỗ trợ lãi suất… Gói hỗ trợ tài khóa vào khoảng 389.200 tỷ đồng, tương đương 4,79% GDP.
Về chính sách tiền tệ, cần tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành, đồng thời sử dụng một loạt công cụ khác để tiếp tục giảm lãi suất 0,5-1%; cho vay tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở quy mô 65.000 tỷ đồng; giá trị cấp bù lãi suất ước tính 6.100 tỷ đồng.
Về chính sách an sinh xã hội, Tiến sỹ Cấn Văn Lực đề xuất có thêm 2 gói chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc vào khoảng 6.000 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề vào khoảng 6.800 tỷ đồng với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 13.000 tỷ đồng. Ngoài ra, xem xét giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp… với khoảng 38.000 tỷ đồng.
“Tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844.000 tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445.000 tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP. Gói hỗ trợ này sẽ đủ sức hấp thụ trong thời gian tới,” Tiến sỹ Cấn Văn Lực khẳng định.
Ưu tiên giải pháp ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Với tham luận “Phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý chính sách với Việt Nam,” ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết sự phục hồi kinh tế ở châu Á là không đồng đều. Khu vực Đông Á tiếp tục là điểm sáng, dự báo gần đạt được mức tăng trưởng trước đại dịch vào năm sau. Trong khi đó, khu vực Nam Á suy giảm mạnh năm 2020, dự báo sẽ phục hồi vào năm 2021.
Khu vực Đông Nam Á ít suy giảm nhưng lại chịu tác động mạnh nhất bởi làn sóng bùng phát dịch trong năm 2021, dự báo tốc độ phục hồi chậm so với Đông Á, Trung Á và Nam Á.
“Năm 2020, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng dương cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh tới tăng trưởng và dự báo kinh tế Việt Nam sẽ giảm sâu vào năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế trung hạn và dài hạn vẫn tích cực,” ông Nguyễn Minh Cường nhận định.
Về thách thức và rủi ro, Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết tốc độ tiêm chủng nhanh ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đã hạn chế được lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, COVID-19 vẫn là mối đe doạ với phục hồi kinh tế, đặc biệt là với chủng mới Omicron. Kinh tế khu vực phục hồi nhưng không đồng đều. Các nền kinh tế khống chế thành công dịch bệnh và có độ phủ vaccine cao sẽ tận dụng được các cơ hội của phục hồi kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, biến động giá nhiên liệu, nguyên vật liệu thế giới và khả năng “siết” lại các chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế phát triển sẽ là những rủi ro cho phục hồi kinh tế của châu Á.
Đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường cho biết do khủng hoảng kinh tế-xã hội xuất phát từ đại dịch COVID-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế-tài chính, nên các giải pháp chuyên môn về y tế mang tính chất quyết định và chủ yếu. Chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn, phối hợp với chính sách tiền tệ nhằm tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023.
Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, siết chặt kỷ cương chính sách tài khóa.
Đối với các gói hỗ trợ phục hồi của Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường đề nghị cần ưu tiên các giải pháp ngắn hạn hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế về y tế và phục hồi kinh tế./.
Ý kiến ()