Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định kinh tế - xã hội
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng: "Nông dân chưa từng đóng góp một đồng nào vào khối u nợ xấu ngân hàng hay hàng tồn kho". NDĐT – Cùng với việc phân tích làm rõ nguyên nhân và nhìn nhận thẳng thắn vào thực trạng những vấn đề tồn đọng, khó khăn của năm 2012, trong phiên thảo luận ngày 30-10, các đại biểu tập trung đưa ra nhiều nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng phát triển kinh tế và ổn định xã hội trong năm 2013.Đồng tình với những nhìn nhận thẳng thắn vào khuyết điểm như báo cáo về kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội vào ngày đầu tiên của kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cũng đồng thời ủng hộ những mục tiêu mà Chính phủ đưa ra cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội năm 2013.Đề nghị lập Ủy ban Quốc gia tái cơ cấu kinh tếĐại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, năm 2013, mục tiêu Thủ tướng đưa ra tăng trưởng 5,5 GDP và kiềm chế lạm phát khoảng 8% là khả thi. Ông...
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng: “Nông dân chưa từng đóng góp một đồng nào vào khối u nợ xấu ngân hàng hay hàng tồn kho”. |
Đồng tình với những nhìn nhận thẳng thắn vào khuyết điểm như báo cáo về kinh tế – xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội vào ngày đầu tiên của kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cũng đồng thời ủng hộ những mục tiêu mà Chính phủ đưa ra cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội năm 2013.
Đề nghị lập Ủy ban Quốc gia tái cơ cấu kinh tế
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, năm 2013, mục tiêu Thủ tướng đưa ra tăng trưởng 5,5 GDP và kiềm chế lạm phát khoảng 8% là khả thi. Ông ủng hộ Chính phủ trong việc đưa ra mục tiêu này.
Tuy vậy, liên quan đến giải pháp, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, cần rà soát lại xây dựng chương trình ba năm (2013-2015) chứ không làm kế hoạch một năm nữa. “Không thể ăn đong làm từng năm như hiện nay được, mà cần rà soát lại kế hoạch, xây dựng chương trình bao gồm xây dựng các mục tiêu kinh tế vĩ mô, chính sách cân đối nguồn lực cho cả ba năm”.
Đặc biệt, ông đề nghị thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế do Thủ tướng đứng đầu. “Nếu làm lại theo kiểu hiện nay, tôi không tin rằng từng bộ, ngành có thể tái cấu trúc từ ngân hàng cho tới thị trường, cho tới đầu tư và đặc biệt là tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Trần Du Lịch đề xuất hai nhóm giải pháp. Nhóm thứ nhất trong chín nhóm giải pháp mà Thủ tướng đã trình bày, liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất ổn định vĩ mô. Liên quan đến nhóm giải pháp này chính là tiền tệ và tài khóa.
Nhóm thứ hai nhằm kích thích tiêu dùng và bảo đảm đời sống, gồm việc thực hiện lộ trình tăng lương theo cải cách, cắt giảm đầu tư ngân sách xây dựng cơ bản.
Xử lý nợ xấu và hàng tồn kho
Hầu hết các đại biểu, khi đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn, ổn định và phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế, đều coi vấn đề nợ xấu và hàng tồn kho là hai vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết.
Các đại biểu đề nghị Thống đốc ngân hàng quan tâm vấn đề “vòng kim cô” nợ xấu đang làm chết doanh nghiệp. Nhiều đại biểu cho rằng, vấn đề nợ xấu là “nút thắt” cần được tháo gỡ đầu tiên trong quá trình khắc phục khó khăn, ổn định nền kinh tế.
Hiện nay đang có tình trạng nợ xấu dường như trên thị trường đang quay vòng trở lại. Tình trạng doanh nghiệp huy động vốn đã vượt phá trần 9% và cho vay không còn trần 15% như ngân hàng nhà nước muốn.
Tất cả những doanh nghiệp cho rằng muốn vay vốn thì ngoài lãi suất còn nhiều khoản khác, ngân hàng nhà nước cần kiểm tra làm rõ vấn đề này.
“Nếu không phá được cái này thì chúng ta không thể nào xử lý được vốn và tình trạng huy động được vốn nhưng tăng trưởng tín dụng không được, đây là vấn đề chúng ta đẩy doanh nghiệp tiếp tục khó khăn” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng không nên hiểu việc xử lý nợ xấu hiện nay đơn thuần là mua bán nợ. Đại biểu ủng hộ chủ trương của Chính phủ không dùng ngân sách để xử lý nợ. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, với vai trò quản lý của mình, cần tìm ra những giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trả lời những thắc mắc của các đại biểu, buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đề án xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước hoàn thành, và hiện đang ở giai đoạn xin ý kiến Bộ Chính trị do còn liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan khác như Chính phủ, Quốc hội.
“Với tư cách là Thống đốc, tôi không thể hứa gì về việc giải quyết nợ xấu. Tuy nhiên, theo đề án, đến năm 2015, sẽ phấn đấu đưa nợ xấu về mức thông thường, tức là khoảng 3%”, ông Bình khẳng định.
Cũng liên quan vấn đề giải quyết nợ xấu, đại biểu cũng đề nghị có biện pháp bằng tiền tệ, tín dụng để làm ấm dần thị trường bất động sản. Bởi, nếu thị trường bất động sản không ấm dần từng phần thì không giải quyết được nợ xấu. Các đại biểu cũng đưa ra cảnh báo, không được xem thường thị trường vàng trong điều kiện của Việt Nam. Đây là vấn đề củng cố niềm tin cho xã hội.
Cùng với nợ xấu, vấn đề hàng tồn kho cũng được nhiều đại biểu đưa ra phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp tháo gỡ.
Hiện nay, chỉ số hàng tồn kho đến tháng 9 còn 20,4% đã đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn, vừa nợ đọng vốn, vừa phải chịu lãi suất vay.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) cho rằng, để giải quyết hàng tồn kho, cần thực hiện tốt chủ trương người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian qua chủ trương này mới chỉ mang tính khẩu hiệu. Để giải quyết hàng xi măng tồn kho, nhiều địa phương đã chủ động hỗ trợ và ứng trước kế hoạch năm 2013 cho nông dân xây dựng đường giao thông nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Mới đây, giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải đã có thỏa thuận hợp tác tiêu thụ vật liệu xây dựng trong nước phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) đề nghị Chính phủ có giải pháp kích cầu tiêu dùng mở rộng thị trường để giải quyết hàng tồn kho. Theo ông, nên phát hành trái phiếu công trình cho một số công trình trọng điểm quốc gia dân sinh, ưu tiên cho hệ thống giao thông vận tải, ví dụ như đường 1A, từ đó chúng ta mới tiêu thụ được sắt thép, xi măng, vật liệu, hàng tồn kho. Đồng thời các doanh nghiệp cũng phải cố gắng vươn lên tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, thực hiện giảm giá hậu mãi tốt để tiêu thụ được hàng. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tích cực sử dụng sản phẩm của nhau, tích cực tham gia vào cuộc vận động người Việt Nam sử dụng hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam đã sản xuất được, ví dụ vừa qua sắt thép Trung Quốc vào chúng ta rất nhiều, giá lại rẻ hơn ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp sản xuất sắt thép của Việt Nam.
Giải pháp vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn
Trong ngày thảo luận hôm nay, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến những giải pháp kinh tế cho khu vực nông nghiệp nông thôn.
“Chúng ta hình dung xem nếu trong tình hình khó khăn này mà lương thực khan hiếm, mất mùa, đói kém thì đất nước và xã hội sẽ rơi vào tình trạng phức tạp như thế nào? Nông dân Việt Nam làm ra đủ các loại nông sản, chẳng những nuôi sống toàn dân tộc mà còn dư để xuất khẩu. Nhưng những người sản xuất chân chất đó chưa từng đóng góp một đồng nào vào khối u nợ xấu ngân hàng hay hàng tồn kho. Một lần nữa trong lịch sử dân tộc, khi đất nước khó khăn nông dân lại âm thầm làm chỗ dựa vững chắc cho đất nước, cho cách mạng. Ơn nghĩa đó phải được đền đáp xứng đáng, vì đó là đạo lý cao nhất”, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) là người đầu tiên nhắc đến những người nông dân và sứ mệnh của họ trong phần phát biểu vào đầu buổi sáng.
“Tôi thấy đã đến lúc Chính phủ cần phải quan tâm nhiều hơn cho nông dân trong việc hỗ trợ vốn, hỗ trợ giá, bảo đảm đầu ra cho hàng nông sản, vì nông dân hiện nay là lực lượng đông, ngành sản xuất của họ rất thiết thực, bảo đảm đời sống hàng ngày cho mọi người, nhưng họ ít được quan tâm hỗ trợ, họ là những người vất vả nhất nhưng lại là những người nghèo nhất và thiệt thòi nhất”, đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nói.
Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chương trình đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn bằng nhiều hình thức mới. Thời gian qua, việc đầu tư lĩnh vực này người hưởng lợi nhiều nhất là doanh nghiệp chứ không phải nông dân. Đề nghị Chính phủ giao kinh phí này cho các địa phương trực tiếp đầu tư cho nông dân không thông qua các doanh nghiệp, như vậy hiệu quả sẽ cao hơn.
“Tiếp tục tăng mức hỗ trợ, phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng tổng cầu từ khu vực nông thôn, đây là khu vực đông dân cư và đang tiếp nhận thêm dân cư trở về từ các doanh nghiệp bị phá sản”, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) đề xuất.
Theo đại biểu Lâm, cần kiên quyết xử lý các ngân hàng không thực hiện cho vay ưu đãi theo Nghị định của Chính phủ đã ban hành như Nghị định 41 cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) đề xuất Chính phủ quan tâm đến quản lý chặt chẽ giá cả đầu vào đối với vật tư nông nghiệp, đến khâu chế biến, tiêu thụ nông sản để người nông dân không rơi vào tình trạng càng tích cực sản xuất càng khó khăn vất vả và chật vật trong mưu sinh. Có chính sách khôi phục và phát triển bền vững ngành chăn nuôi để chủ động nguồn thực phẩm trong nước và tăng cường xuất khẩu. Sửa đổi chính sách thủ tục tín dụng vốn vay ưu đãi để nông dân dễ dàng tiếp cận vốn đầu tư cho cơ giới hóa nông nghiệp và khoa học kỹ thuật để sản xuất hàng hóa, cánh đồng mẫu lớn, khắc phục tình trạng thiếu lao động ở nông thôn hiện nay. Tiếp tục đầu tư có địa chỉ để hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (Đồng Tháp) cho rằng, thời gian qua chúng ta đang đứng ở vị trí hàng đầu về xuất khẩu lúa gạo trên thế giới. Nhưng đời sống của người trồng lúa vẫn bấp bênh, cơ cực. Đã đến lúc cần có cái nhìn mới, không chỉ đánh giá tăng trưởng nông nghiệp qua quy mô sản xuất, kim ngạch xuất khẩu mà phải hướng đến mức lợi nhuận của người nông dân qua từng mùa vụ sản xuất.
Từ năm 2010 đến nay, đầu tư bình quân toàn xã hội cho nông nghiệp chưa đến 3% GDP. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp cũng chỉ khoảng 1,4% GDP. Nhiều năm liền nông nghiệp liên tục tăng trưởng giảm. Giai đoạn 1995-2005, nông nghiệp tăng trưởng 4%, đến nay giảm xuống chỉ còn khoảng 2,48%. Với tiến độ như vậy, dự báo đến năm 2020, nông nghiệp đất nước sẽ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm.
Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đề nghị phải có một chiến lược đầu tư dài hạn, năm sau cao hơn năm trước và phải cân đối giữa các vùng miền. Trước mắt, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn năm 2013 phải cao hơn năm 2012. Cần ưu tiên tăng vốn Nhà nước và thu hút nguồn vốn xã hội cho đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()