Đề xuất giải pháp nhanh chóng, hiệu quả hỗ trợ người lao động tự do
Lao động tự do được xác định là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khi một số địa phương đã triển khai hỗ trợ thì cũng có nhiều địa phương mới đang ở bước xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ.
Địa phương quyết liệt, địa phương chưa…
Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1,5 triệu đồng/người/lần hoặc 50 nghìn đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Chính vì thế, trong Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, không có hướng dẫn cho nhóm đối tượng nêu trên.
Trong khi nhiều địa phương chưa triển khai Quyết định 23, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) TP Hồ Chí Minh, Lê Minh Tấn cho biết, ngày 25/6, HĐND thành phố đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch Covid-19, với tổng kinh phí 886 tỷ đồng để hỗ trợ sáu nhóm đối tượng. Đến ngày 13/7, đã có 46% số lao động tự do được nhận mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày (từ ngày 31/5 đến 29/6). Dự kiến hết ngày 15/7 chi trả hỗ trợ toàn bộ cho 260 nghìn lao động tự do.
Đồng thời, TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do, trong hai tuần thành phố phải giãn cách để chống dịch, với mức 50 nghìn đồng/người/ngày, trong 15 ngày. Các cơ quan chức năng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản các thủ tục, làm nhanh nhất để người dân, doanh nghiệp, tiểu thương nhanh chóng nhận được tiền hỗ trợ. Thậm chí có nhóm đối tượng, người lao động, người dân không phải làm bất cứ thủ tục gì, các cơ quan chức năng chủ động lo thủ tục để chuyển tiền cho người dân, người lao động sớm nhất…
Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Đồng Nai, Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, đối với lao động tự do, UBND tỉnh ban hành riêng Quyết định 2379/QĐ-UBND để triển khai thực hiện, trong đó có nhiều chính sách cụ thể cho lao động tự do. Đồng Nai dự kiến dành 45 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 30 nghìn lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng/người và thực hiện chi trả một lần. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu dự kiến hơn 125 nghìn người được hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 345 tỷ đồng.
Với nhóm lao động tự do, tỉnh xác định mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người, nếu tiếp tục mất việc được thêm một triệu đồng/người, song không quá 3,5 triệu đồng/người. Tỉnh hỗ trợ cho 3.500 người bán vé số, với mức 750 nghìn đồng mỗi người, tổng kinh phí 3,2 tỷ đồng từ nguồn của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh. Ngày 15/7, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu triển khai chính sách hỗ trợ này trên toàn địa bàn. Một số tỉnh, thành phố khác, như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng cũng đã có kế hoạch hỗ trợ nhóm đối tượng lao động tự do.
Bên cạnh nhiều địa phương đang triển khai nhanh chóng, thì tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm sáu tháng cuối năm lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo hình thức trực tuyến của Bộ LĐ-TB và XH (ngày 14/7), Sở LĐ-TB và XH Hà Nội đã bị “nhắc nhở” vì triển khai chậm khi đề nghị có hướng dẫn chi tiết hơn.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB và XH Hà Nội, Bạch Liên Hương, qua việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng năm 2020, Sở LĐ-TB và XH Hà Nội đã rút ra bài học sâu sắc: “Phải rõ tiêu chí, rõ đối tượng, thì nguồn lực hỗ trợ mới đến đúng người cần trợ giúp”. Đối với nhóm lao động tự do, đối tượng ưu tiên đề xuất hỗ trợ là người lao động làm công việc tự do, bị ảnh hưởng về việc làm tại những địa bàn phải cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 theo quyết định của các cơ quan có thẩm quyền.
Cùng với đó là những người làm các công việc không có giao kết hợp đồng lao động tại những địa điểm, lĩnh vực có thời gian dài phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố và các địa phương. Người được hỗ trợ là người có hoàn cảnh khó khăn, không phải tất cả lao động tự do đều được hỗ trợ… Theo Giám đốc Bạch Liên Hương, có thể cùng là lao động tự do, nhưng người lao động ở địa bàn này sẽ nhận được mức hỗ trợ cao hơn địa bàn khác; địa phương này có nhiều lao động được hỗ trợ hơn các địa phương khác. Tiêu chí, điều kiện xác định đối tượng thụ hưởng ở các địa phương có thể cũng khác nhau…
Để không xảy ra tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm
Theo Bộ trưởng LĐ-TB và XH Đào Ngọc Dung, lao động tự do là nhóm bị ảnh hưởng nhất do dịch Covid-19, bởi công việc không ổn định, thiếu tích lũy, cho nên cần hỗ trợ nhất. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng khó triển khai nhất vì họ di chuyển thường xuyên.
Rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ của Nghị quyết số 42, trong Nghị quyết số 68, đối với nhóm đối tượng này chỉ đưa ra mức sàn hỗ trợ thấp nhất, việc hỗ trợ giao cho địa phương căn cứ vào thực tế để xây dựng. Tránh tình trạng “một tiền gà, ba tiền thóc”, người dân phải chạy đi, chạy lại, tiền xăng dầu còn hơn tiền hỗ trợ và thêm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Phó Giám đốc quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam Phạm Quang Tú cho rằng, Nghị quyết số 68 quy định căn cứ vào tình hình thực tế địa phương để ban hành chính sách hỗ trợ người lao động tự do, có điểm tích cực là tạo sự chủ động của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, việc thiếu các quy định và hướng dẫn rõ ràng về chính sách cũng như trách nhiệm thực thi sẽ dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các địa phương đối với nhóm lao động tự do di cư. Mức độ thực hiện sẽ rất khác nhau giữa các tỉnh, thành phố. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận chính sách hỗ trợ, dẫn đến nguy cơ không thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra là bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Tổng cục Thống kê, số lao động có việc làm phi chính thức trong năm 2020 là 20,3 triệu người trong tổng số 48,8 triệu người trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, trong gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42 năm 2020, nhóm lao động tự do, như: bán hàng rong, xe ôm không có hợp đồng lao động, bị mất việc làm, chỉ hỗ trợ được hơn một triệu người, với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhiều người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không nhận được hỗ trợ, trong khi họ lại là những người lao động có thu nhập thấp, bấp bênh, gia đình thường không có khoản tiết kiệm – dự phòng và không có bảo hiểm xã hội hay chưa thuộc nhóm hưởng chính sách an sinh xã hội và nhiều người là lao động di cư.
Đánh giá của Tổ chức Oxfam cũng cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng năm 2020 thiếu hiệu quả là do thiếu quy định rõ ràng về trách nhiệm thực thi của các bộ, ngành và các địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Nguyên nhân thứ hai là, việc quy định quá chặt chẽ và thiếu tính khả thi về các tiêu chí, thủ tục hỗ trợ, gây ra nhiều rào cản đối với người lao động khi tiếp cận với gói hỗ trợ.
Chính quyền địa phương chưa khảo sát đầy đủ, bỏ sót nhiều người lao động tự do đang gặp khó khăn. Các kênh thông tin về chính sách hỗ trợ đến đối tượng là lao động tự do vẫn còn chưa phù hợp và hiệu quả khiến tỷ lệ lao động tự do biết về gói hỗ trợ này còn rất hạn chế.
Với thực tế nêu trên, để chính sách hỗ trợ người lao động tự do gặp khó khăn do đại dịch đạt hiệu quả, Tổ chức Oxfam đề xuất một số kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định, hoặc giao cho Bộ LĐ-TB và XH ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP đối với nhóm lao động tự do: trong đó quy định trách nhiệm thực thi chính sách của các bộ, ngành và các địa phương.
Đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố mở rộng hỗ trợ tất cả các nhóm việc làm khác nhau của người lao động tự do và dựa trên một tiêu chí duy nhất đó là, bị giảm hoặc mất việc làm do tác động của dịch Covid-19. Đề nghị UBND tỉnh, thành phố đơn giản hóa quy trình, thủ tục và quy định thời gian thực hiện kịp thời, hiệu quả…
Đối với lao động tự do không phải là người lao động di cư, Tổ chức Oxfam đề xuất Chính phủ hỗ trợ ngân sách thực hiện đối với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, và các tỉnh đang gặp khó khăn theo như quy định chung của Nghị quyết số 68. Đối với nhóm đối tượng lao động tự do di cư (từ địa phương này sang địa phương khác làm việc), Chính phủ hỗ trợ 100% từ ngân sách trung ương để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa nơi có lao động đi và nơi có lao động đến.
Ý kiến ()