Đề xuất dự án PPP được tăng tối đa vốn ngân sách Nhà nước lên 70%
Theo nhận định của nhiều đại biểu Quốc hội, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã giải quyết được các vấn đề vướng mắc do chính các quy định pháp luật chưa phù hợp thực tế. Các đại biểu đề xuất, phần góp vốn ngân sách Nhà nước trong các dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP) có thể tăng tỷ lệ lên tối đa 70% là phù hợp thực tiễn…
Các đại biểu Quốc hội đề xuất, phần góp vốn ngân sách Nhà nước trong các dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP) có thể tăng tỷ lệ lên tối đa 70%. |
Dù đã giải quyết được nhiều vấn đề vướng mắc nảy sinh do các quy định còn bất cập, chưa phù hợp thực tế, nhưng dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù này chỉ giới hạn cho một số dự án mà chưa nghiên cứu, xem xét tổng thể, toàn diện hết các dự án đang cần tháo gỡ bởi chính các quy định pháp luật chưa phù hợp. Quốc hội không thể giải quyết từng dự án, do đó cần điều chỉnh phạm vi để Chính phủ có cơ sở để tháo gỡ các vướng mắc.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: “Không nên giới hạn danh mục các dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, điều đó sẽ tạo ra cơ chế “xin-cho”. Theo tôi cần xây dựng khung tiêu chí để hướng tới việc phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ các khó khăn chung cho địa phương, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, miền biên giới, nơi phên dậu Tổ quốc, liên quan đến an ninh quốc phòng nhưng điều kiện tiếp cận giao thông còn khó khăn. Những khu vực này cần được áp dụng cơ chế ưu tiên, có chính sách thu hút nhà đầu tư, ngân hàng để huy động tối đa nguồn lực xã hội nhằm giảm áp lực cho nguồn vốn ngân sách nhà nước hiện nay”.
Không nên giới hạn danh mục các dự án được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, điều đó sẽ tạo ra cơ chế “xin-cho”. Cần xây dựng khung tiêu chí để hướng tới việc phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ các khó khăn chung cho địa phương, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, miền biên giới, nơi phên dậu Tổ quốc, điều kiện tiếp cận giao thông khó khăn. Cần áp dụng cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư, ngân hàng để huy động tối đa nguồn lực xã hội nhằm giảm áp lực cho nguồn vốn ngân sách.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, đó là những dự án giao thông có chi phí đầu tư cao, lưu lượng hiện tại thấp, thời gian hoàn vốn kéo dài 20-30 năm, kém hấp dẫn nhà đầu tư nhưng rất cần được xây dựng tuyến đường cao tốc để đột phá phát triển.
Thời gian qua, Luật PPP đã ban hành nhưng ít dự án, mô hình nào được triển khai, không hấp dẫn nhà đầu tư do giới hạn vốn ngân sách nhà nước tối đa 50%. Thực tế cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2016-2021 chỉ có các dự án vốn ngân sách nhà nước từ khoảng 55-65% mới lựa chọn được nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre trong phiên thảo luận về vấn đề này của Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ đã rất kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề xuất Quốc hội thông qua cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về phần góp vốn Ngân sách Nhà nước trong các dự án PPP, có thể tăng tỷ lệ lên tối đa 70% là rất phù hợp thực tiễn, nhất là các vùng còn khó khăn, đô thị lớn, chi phí giải phóng mặt bằng, nền hạ đường chiếm tổng mức đầu tư lớn.
Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vừa qua Chính phủ đã có các Nghị quyết đặc thù nhưng chưa tháo gỡ được tận gốc các vướng mắc. |
Về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vừa qua Chính phủ đã có các Nghị quyết đặc thù nhưng chưa tháo gỡ được tận gốc các vướng mắc. Thực tế, dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 đến nay, sau 10 tháng khởi công nhưng vẫn chưa xong việc cấp mỏ cho nhà thầu. Lý do là nhà thầu phải thực hiện quá nhiều thủ tục pháp lý đáng lẽ thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn lập dự án.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc kiến nghị, việc này nên giao cho chủ đầu tư thực hiện thủ tục đánh giá tác động môi trường, giao địa phương giải phóng mặt bằng bàn giao nhà đầu tư/nhà thầu thi công ngay sau khi khởi công.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cũng đề nghị các địa phương có dự án đáp ứng tiêu chí theo điều 3 của dự thảo Nghị quyết mà chưa đưa vào danh mục dự án cũng nên cho đề xuất để bảo đảm triển khai trong thời gian tới không còn vướng mắc và Quốc hội nên giao thẩm quyền cho Chính phủ quyết định khi thông qua Nghị quyết này.
Về thời gian thực hiện, Nghị quyết đặc thù cho 5 nhóm chính sách (kể cả nguồn tăng thu) nên được thực hiện đồng nhất trong Nghị quyết cho giai đoạn 2023-2025, phù hợp kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia.
Ý kiến ()