Đề xuất của Việt Nam là khởi đầu mới cho hòa bình lâu dài ở Biển Đông
Theo chuyên gia Nga, Việt Nam một lần nữa nhắc nhở thế giới về những nguy cơ của tranh chấp lãnh thổ và trách nhiệm chung trước những hậu quả có thể xảy ra.
Trong tuần qua, dư luận báo chí và giới chuyên gia Nga đã có những đánh giá tích cực đối với ba đề xuất được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại phiên thảo luận mở cấp cao trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh biển.
Báo điện tử hàng đầu Infox.ru ngày 12/8 đăng bài viết với tiêu đề “Ba bước đi mang lại hòa bình trên biển” của Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ “Ý tưởng Á-Âu” Grigory Trofimchuk.
Theo tác giả, thông qua ba đề xuất quan trọng của mình liên quan đến an ninh hàng hải toàn cầu, “Việt Nam không chỉ một lần nữa nhắc nhở thế giới về những nguy cơ của tranh chấp lãnh thổ và trách nhiệm chung trước những hậu quả có thể xảy ra, mà còn cho dư luận quốc tế thấy rõ những luận điểm cụ thể nhằm tăng cường các nỗ lực quốc tế.”
Chuyên gia Grigory Trofimchuk cho rằng những đề xuất của Thủ tướng Việt Nam cũng có ý nghĩa quan trọng đối với Nga, khi xét tình hình tại các khu vực biển gần lãnh thổ nước này cũng đang trở nên phức tạp hơn.
Tác giả bày tỏ tin tưởng các đề xuất của Việt Nam sẽ trở thành sự khởi đầu mới cho việc đạt được hòa bình lâu dài ở Biển Đông, ngăn chặn những diễn biến tiêu cực có thể xảy ra trên biển, do đó rất cần nhân rộng cách tiếp cận này ở các khu vực nóng khác trên thế giới.
Đánh giá về ứng xử có trách nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế, chuyên gia Grigory Trofimchuk nói: “Việt Nam thường xuyên thể hiện sự tích cực và năng động trong hoạt động của mình, đóng góp vào việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình và tham gia vào tất cả các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN, cũng như giữa ASEAN và các đối tác nhằm giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông; đồng thời thúc đẩy đối thoại một cách chuyên nghiệp và thiết lập sự hợp tác đa phương.”
Cùng ngày, báo Luận chứng và sự kiện đăng bài viết với tiêu đề “Ba luận điểm về hàng hải của Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế.”
Bài phân tích đưa ra một số nội dung đáng chú ý. Một là phiên thảo luận về vấn đề an ninh biển lần đầu tiên được tổ chức ở cấp cao như vậy cho thấy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày càng quan tâm đến vấn đề nói trên. Sự quan tâm này mang tính khách quan vì các điểm nóng xung đột, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống đều có xu hướng gia tăng trên các biển và đại dương, song các quốc gia chưa tìm được giải pháp hữu hiệu.
Thứ hai, những đề xuất liên quan vấn đề an ninh hàng hải của các nước châu Á, nhất là những nước ven bờ chịu ảnh hưởng nặng nề từ các mối đe dọa và xung đột nói trên, được Liên hợp quốc đặc biệt quan tâm. Lý do vì số lượng các vụ cướp biển và chặn bắt tàu thuyền được ghi nhận ở châu Á tăng gấp hai lần, trong khi tình hình tại các Eo biển Malacca, Eo biển Singapore và khu vực Biển Đông diễn biến phức tạp.
Theo bài báo, vấn đề an ninh, ổn định và tự do hàng hải ở Biển Đông đã trở thành vấn đề chung của cả khu vực và toàn cầu. Trong bối cảnh đó, phát biểu của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính là rất đáng quan tâm, với ba đề xuất quan trọng nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, thống nhất hành động nhằm ứng phó kịp thời và hiệu quả với các thách thức an ninh hàng hải.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Nga, chuyên gia phân tích Valeria Vershinina thuộc Trung tâm ASEAN, Học viện Ngoại giao Moskva (MGIMO) đánh giá cao cách tiếp cận của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề an ninh khu vực và tiềm năng hợp tác Việt-Nga trong đảm bảo an ninh hàng hải.
Theo chuyên gia Nga, sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong một sự kiện tầm cỡ như này chứng tỏ niềm tin ở mức độ cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng những thách thức đối với an ninh hàng hải ngày nay, cả những thách thức truyền thống và phi truyền thống, đòi hỏi cách ứng phó thực sự mang tính tập thể và toàn cầu.
Chuyên gia phân tích Valeria Vershinina khẳng định cách tiếp cận của Việt Nam trong vấn đề an ninh biển là hoàn toàn đúng đắn và có sự trùng hợp với quan điểm chính thức của Nga. Đó là cần kết hợp các nỗ lực chung để đạt được tiến bộ theo hướng này, với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, các cấu trúc khu vực như ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), đồng thời duy trì vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc./.
Ý kiến ()