Đề xuất chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã tổ chức Hội thảo đề tài cấp Nhà nước KHCN - 33.09/11-15 “Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đề xuất phương hướng và giải pháp chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện”.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khẳng định: Thực tế đã chứng minh hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là rất nặng nề đối với môi trường và sức khỏe con người. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách về xử lý các khu vực còn lưu lượng dioxin cao; ban hành chế độ chính sách đối với người bị nhiễm chất độc hóa học; thúc đẩy công tác chăm sóc nạn nhân và hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý; cho phép thành lập và đào tạo điều kiện cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin hoạt động, phát triển.
Đặc biệt, từ năm 2000, Nhà nước đã có chính sách riêng cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và dần hình thành các chính sách độc lập, cơ bản, hệ thống đối với nạn nhân chất độc da cam, với những chính sách bảo trợ xã hội như trợ cấp kinh phí đào tạo, học nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất…
Hội thảo thu hút nhiều đại biểu đại diện cho các Bộ, Ban, ngành và Hội Nạn nhân chất |
Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam còn nhiều hạn chế, bất cập về cả nội dung văn bản lẫn quá trình tổ chức thực hiện. Trong đó, các đại biểu cho rằng, các chính sách này mới chỉ giải quyết được một phần, số hồ sơ tồn đọng còn nhiều; mức trợ cấp còn thấp; đời sống của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin còn rất nhiều khó khăn, nhất là những người bị bệnh nặng. Nhiều nạn nhân còn nằm ngoài diện thụ hưởng chính sách.
Đặc biệt, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách còn thiếu chặt chẽ, việc thực hiện triển khai Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH đang nảy sinh một số vướng mắc (giải mã đơn vị, mất giấy tờ, bệnh án…) trong khi chờ đợi, nhiều nạn nhân đã chết vì phần lớn đã 60 – 70 tuổi. Bên cạnh đó, chính sách đối với những đối tượng chủ yếu (là những người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ) mới chỉ chính thức có từ năm 2000. Hơn 10 năm qua, chính sách, chế độ đối với đối tượng này bộc lộ nhiều vấn đề bất hợp lý, chưa có đầy đủ căn cứ khoa học và tính thực tiễn, gây bức xúc dư luận.
Đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, chúng ta cũng chưa xác định được nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị nhiễm chất độc hóa học mắc bệnh gì, tật gì, con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật như thế nào. Tiêu chí xác định nạn nhân chất độc hóa học đến nay vẫn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, kết quả tổng điều tra xác định nạn nhân chất độc hóa học theo Quyết định số 74/1998/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 1998 – 1999 chưa phản ánh đúng số người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Theo báo cáo này, cả nước có 96.257 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tuy nhiên trên thực tế con số này cao hơn nhiều, với khoảng 236.000 người.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu, ông Tạ Vân Thiều, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều chính sách đối với người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Những chính sách, chế độ ưu đãi đã thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với những người đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tuổi thanh xuân của mình cho cho đất nước. Tuy nhiên, xét tính hiệu quả của những chính sách này trong những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, ông Thiều cho rằng chúng ta chưa có chính sách hợp lý – một kế hoạch toàn diện, có hiệu quả xã hội tốt nhất khắc phục hậu quả nặng nề về môi trường, sức khỏe, đời sống tâm lý, tình cảm của các thế hệ người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam. Nhiều chính sách đối với người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin còn thiếu tính khoa học, tính pháp lý và cả tính thực tiễn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác thực hiện chính sách |
Từ thực trạng trên, hội thảo đã đi đến thống nhất cần khẩn trương đánh giá và đưa ra những đề xuất nhằm điều chỉnh, bổ sung những chính sách đối với nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, cần khẩn trương hoàn hiện chính sách đối với những người bị nhiễm chất độc hóa học, đặc biệt là những người tham gia kháng chiến. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành bổ sung danh mục các loại bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học, tránh tình trạng người bị bệnh do phơi nhiễm nhưng không được xem xét giải quyết chính sách. Việc khám, giám định để xác định bệnh tật, dị tật, dị dạng liên quan đến chất độc da cam/dioxin cần phải được đầu tư, bổ sung các trang thiết bị hiện đại… từ đó xác định chính xác người bị nhiễm chất độc hóa học, đảm bảo công bằng cho các đối tượng. Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục dị dạng, dị tật của con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, tạo cơ sở pháp lý để ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn lập hồ sơ ban đầu ở cấp xã, phường, thị trấn xác nhận đủ điều kiện lập hồ sơ báo cáo cấp trên thẩm định. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động yêu cầu Chính phủ Mỹ hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề tẩy độc môi trường và trợ cấp cho những người Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()