Đề xuất bổ sung nhiều chính sách để người dân được hưởng lợi từ bảo hiểm y tế
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế lần này tập trung điều chỉnh 4 chính sách. Tuy nhiên, trong khi chờ những chính sách được bổ sung, đại diện Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên đi tầm soát bệnh sớm, phát hiện và điều trị sớm, đồng thời giảm sử dụng các yếu tố nguy cơ cao dẫn tới các bệnh ung thư như hút thuốc lá, rượu bia, ăn uống không khoa học…
Khắc phục nhiều bất cập nảy sinh
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới về dân số và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nhu cầu điều trị ngày càng tăng và khuynh hướng điều trị đòi hỏi theo xu hướng tiên tiến để bảo đảm quyền bình đẳng mọi người dân trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Mọi người dân được bình đẳng về trách nhiệm tham gia và quyền lợi được hưởng trong khám bệnh chữa bệnh bảo hiểm y tế và tiếp cận các dịch vụ có liên quan.
Trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi, bổ sung tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao, cập nhật, pháp điển hóa một số nội dung đã được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.
Nhận định về vấn đề này, Vụ trưởng Trần Thị Trang nhấn mạnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế được thông qua sẽ góp phần bảo đảm người dân được tham gia theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Mở rộng thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế
Liên quan đến điều chỉnh phạm vi quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế Trần Thị Trang cho biết, dự thảo Luật lần này mở rộng thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại một số cơ sở y tế trong trường hợp đúng tuyến hoặc người dân tự đến khám, chữa bệnh.
Ví dụ, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không có quy định Trung tâm y tế huyện khám, chữa bệnh ngoại trú nên nhiều người dân khám, chữa bệnh tại các cơ sở được thông tuyến tại Trung tâm y tế huyện không được bảo hiểm y tế chi trả. Vì vậy, dự thảo lần này sẽ cập nhật các Trung tâm y tế huyện có chức năng khám chữa bệnh ngoại trú, có các phòng khám đa khoa khám chữa bệnh ngoại trú, để người dân khi đến đây cũng được hưởng bảo hiểm y tế 100%.
Bà Trần Thị Trang cho biết, phạm vi quyền lợi của bệnh nhân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được mở rộng: Một số bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao, hiện nay người dân vẫn phải lấy giấy chuyển trong năm theo trình tự từ dưới lên cơ sở điều trị ở tuyến trên. Nhưng dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung sẽ có danh sách các bệnh phải lên tuyến trên điều trị mà không cần giấy chuyển tuyến, vừa thuận tiện cho người dân, vừa tiết kiệm chi phí do không phải khám, chữa bệnh trùng lặp ở tuyến dưới và tuyến trên.
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi bổ sung đề xuất quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh và có mức hưởng theo quy định với các bệnh nhân đã được cơ sở khám, chữa bệnh chẩn đoán một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ Y tế…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành đã bộc lộ nhiều vướng mắc, cấp bách cần sửa đổi, bổ sung để người dân tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, tốt nhất. Thứ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu Ban soạn thảo dự luật chú ý vấn đề thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân khi do điều kiện khách quan khiến bệnh viện không đủ thuốc, vật tư y tế, nếu không bệnh nhân có thể tử vong, nhưng phải đúng chỉ định, không lạm dụng. Đặc biệt chú ý thanh toán bảo hiểm y tế với những bệnh mới nổi, cấp bách mà hiện chưa có quy định, như đã từng gặp trong đại dịch Covid-19.
Ý kiến ()