Đề xuất BHYT chi trả thuốc mới điều trị viêm gan C
Viêm gan đã và đang trở thành nguyên nhân đứng thứ ba gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Trong đó, viêm gan B phải điều trị suốt đời, còn viêm gan C đã có thuốc mới điều trị nhưng chi phí rất cao.
Bệnh nhân điều trị viêm gan tại bệnh viện Bạch Mai. |
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao nhất trong khu vực và đây là nguyên nhân chính dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Ước tính, Việt Nam có 10 triệu trường hợp nhiễm viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Viêm gan đã trở thành nguyên nhân đứng thứ ba hàng đầu gây tử vong và là gánh nặng bệnh tật rất lớn tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục Trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, ở nước ta, cứ 100 người thì có 20 người mắc viêm gan B và 4 người mắc viêm gan C. Tỷ lệ này gấp khoảng 40 lần so với tổng số người nhiễm HIV.
Đối với viêm gan B, có tỷ lệ người nhiễm rất cao trong cộng đồng (chiếm 10-15%), bệnh tiến triển rất nhanh tới suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan,.. Đây là gánh nặng cho ngành y tế và người bệnh vì bệnh này cần phải theo dõi và điều trị suốt đời.
Trong khi đó, bệnh viêm gan C diễn biến thầm lặng, có tới 90% người nhiễm viêm gan C không biết về tình trạng nhiễm virus của bản thân. Viêm gan C chưa có vaccine phòng bệnh nhưng gần đây với sự ra đời của các thuốc kháng virus tác động trực tiếp (DAAs) điều trị viêm gan C với phác đồ đơn giản, thời gian điều trị rút ngắn với tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao (trên 95%) đã đem lại sự sống cho nhiều người bệnh.
Tuy nhiên, chi phí cho điều trị viêm gan C khá cao và chưa được BHYT chi trả, do đó hầu hết (90%) bệnh nhân chưa được tiếp cận điều trị. Chính vì vậy, PGS, TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đề nghị Bộ Y tế đẩy nhanh việc cấp đăng ký lưu hành thuốc ở Việt Nam, đưa thuốc mới điều trị viêm gan C vào danh mục được BHYT chi trả với tỷ lệ chi trả hợp lý để hàng trăm nghìn người bệnh có cơ hội được chữa khỏi bệnh.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Trọng Khoa, cũng thừa nhận, công tác điều trị bệnh này là một gánh nặng vì việc tiếp cận với xét nghiệm chẩn đoán còn khó khăn do không phải cơ sở y tế nào cũng có thể làm xét nghiệm chẩn đoán. Mặt khác, thuốc điều trị viêm gan B, C còn đắt nên không phải ai cũng đủ điều kiện tiếp cận.
Vì vậy, mới đây, trong cuộc họp Hội đồng xét duyệt thuốc và xác nhận cho phép lưu hành một số loại thuốc mới tại Việt Nam, Bộ Y tế đã làm việc với các hãng, công ty dược lớn để thương lượng quyền sản xuất thuốc mới chữa viêm gan C tại Việt Nam với giá thành rẻ so với giá thành sản xuất tại các nước khác. Trước mắt, đây sẽ là cơ hội để người bệnh được tiếp cận thuốc mới, ông Khoa cho biết.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()