Đề xuất 3 giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị 3 giai đoạn của chương trình phục hồi kinh tế trong và sau dịch. Giai đoạn 1 (đến quý 1/2022), Giai đoạn 2 (đến hết 2023), Giai đoạn 3 (sau 2023).
Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế-xã hội diễn ra sáng 27/9, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã bày tỏ nhiều quan điểm chuyên sâu, độc lập, nhiều góc nhìn mang tính xây dựng để phát triển kinh tế-xã hội chất lượng, bền vững.
Tiếp tục phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả
Đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022, Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng kể từ đầu năm 2021 trở lại đây, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường.
Các tổ chức quốc tế đã có những đánh giá lạc quan, dù còn khá thận trọng về đà phục hồi kinh tế trong năm 2021. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 7/2021 dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 ở mức 6%.
Dù vậy, các nghiên cứu và thảo luận chính sách đều nhận định đà phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng của ba nhóm rủi ro chính. Đó là dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kể cả ở những quốc gia đã làm chủ công nghệ vaccine, tham gia chuỗi cung ứng vaccine hay có tỷ lệ tiêm vaccine cao (như Mỹ, Ấn Độ, Anh…).
Cạnh tranh địa chính trị diễn ra rất phức tạp. Ngoài ra là nhóm rủi ro liên quan đến ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát và rủi ro nợ.
Về bối cảnh trong nước, diễn biến dịch COVID-19 kéo dài, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến nay, khiến Chính phủ và những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại.
Đến nay, dù diễn biến dịch còn phức tạp, nhưng công tác phòng chống dịch đã có những chuyển biến cơ bản, đặc biệt là về công tác ngoại giao vaccine và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng cho người dân.
Chính phủ vẫn hướng tới “mục tiêu kép,” song cũng lắng nghe, cân nhắc với tinh thần cầu thị hơn với những đề xuất mới, như đề xuất cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp duy trì sản xuất trong điều kiện bảo đảm phòng chống dịch, đề xuất cho phép doanh nghiệp chủ động nhập vaccine…
Nhờ đó, Chính phủ và nhiều ngành, địa phương đã có điều kiện để cân nhắc tích cực hơn các kịch bản, lộ trình, biện pháp mở cửa trở lại nền kinh tế, hướng tới phục hồi, phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Những kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong những tháng đầu năm còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra từ đầu năm, song cũng có những nét tích cực. Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, CPI bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm tăng trưởng tới 21,8% so với cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch COVID-19. Ở bên ngoài, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, về giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/8/2021, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước chỉ bằng 41,7% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí,.. chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế còn khó khăn.
Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 vừa đi vào thực hiện song cũng gặp phải vấn đề phát sinh và đã có những đề xuất sửa đổi điều kiện, mở rộng đối tượng hỗ trợ…
Qua tham vấn sâu rộng với các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố là: khả năng kiểm soát dịch; tiến độ giải ngân đầu tư công; khả năng bảo đảm phục hồi sản xuất; khả năng bắt nhịp thực hiện một chương trình sâu rộng về phục hồi và phát triển kinh tế, khả năng tận dụng cơ hội từ đà phục hồi của kinh tế thế giới.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đề xuất ưu tiên tiếp tục phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, cùng với đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine; sớm xây dựng, thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi, phát triển kinh tế trong và sau dịch COVID-19.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế. Giai đoạn 1 (đến quý 1/2022): ưu tiên phòng, chống dịch COVID-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2 (đến hết 2023): sau khi kiểm soát dịch COVID-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 3 (sau 2023): Bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
Ngoài ra, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt theo các kịch bản để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt thông tin kịp thời về các thị trường, sản phẩm còn dư địa khai thác trong bối cảnh đại dịch cũng như khả năng đáp ứng các FTA quan trọng (như CPTPP, EVFTA); nghiên cứu, khuyến khích các mô hình kinh tế mới ở thị trường trong nước để tạo thêm không gian kinh tế trong nước; đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành.
Tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh Quốc hội cần phát huy công tác xây dựng luật để bảo đảm kịp thời, chất lượng, giảm chồng chéo, qua đó củng cố khung pháp lý cho các hoạt động sản xuất-kinh doanh, kể cả các hoạt động kinh tế mới.
Quốc hội cần thường xuyên lắng nghe tiếng nói của cử tri ở các địa phương trong cả nước; tăng cường công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề đối với những lĩnh vực cử tri đặc biệt quan tâm; đồng hành cùng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân, huy động hợp lý, hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Quốc hội cần tiếp tục đồng hành, đề ra những yêu cầu đối với Chính phủ để thực hiện hiệu quả hơn nữa các FTA trong bối cảnh mới.
Thúc đẩy quá trình phục hồi
Với tham luận “COVID-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang,” đại diện Ngân hàng Thế giới đã đề xuất 4 bài học để thúc đẩy quá trình phục hồi và giúp Việt Nam đi vào trạng thái bình thường mới.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới, tiêm chủng (đồng thời với xét nghiệm) có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát đại dịch để giảm thiểu thiệt hại về kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn cần có những hạn chế đi lại nhưng phải thông minh hơn; tìm điểm cân bằng phù hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tăng cường trợ giúp xã hội để ngăn chặn tình trạng kiệt quệ tài chính ở các nhóm dễ bị tổn thương, hạn chế gia tăng bất bình đẳng.
Đại diện Ngân hàng Thế giới lưu ý tốc độ phục hồi tương quan chặt chẽ với quy mô của các chương trình tiêm chủng, nhưng xét nghiệm vẫn là biện pháp quan trọng để ngăn chặn đại dịch. Bởi, các quốc gia có chương trình tiêm chủng tích cực hơn dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2021.
Việc hạn chế di chuyển một cách thông minh sẽ giúp cân bằng mối quan tâm về an toàn và kinh tế. Điều này có nghĩa vẫn cần duy trì một số hạn chế di chuyển vì mọi người đều có thể làm lây mắc COVID-19 ngay cả khi đã được tiêm chủng nhưng cách ly có mục tiêu để hiệu quả nhất về chi phí đồng thời giám sát chặt chẽ, chia sẻ thông tin để điều chỉnh các biện pháp hạn chế di chuyển.
Đặc biệt, Việt Nam cần tăng cường khả năng phục hồi thông qua một hệ thống trợ giúp xã hội mạnh mẽ và linh hoạt. Để làm được điều này cần phân bổ thêm vốn cho các chương trình trợ giúp xã hội; xây dựng một cơ quan đăng ký xã hội quy mô lớn và áp dụng kỹ thuật số, để nhanh chóng xác định những người dễ bị tổn thương; mở rộng quy mô thanh toán điện tử, để tiếp cận một cách hiệu quả những người thụ hưởng đã được xác định./.
Ý kiến ()