Ðể xe buýt trở thành phương tiện chính trong giao thông đô thị
Từ nay đến năm 2020, TP Hà Nội xác định vận tải hành khách công cộng sẽ là loại hình phương tiện chính trong giao thông đô thị, góp phần hạn chế phương tiện cá nhân và giảm ùn tắc giao thông.Hiện nay, khi các loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại đang trong quá trình chuẩn bị về cơ sở hạ tầng thì thành phố chủ trương tập trung củng cố, phát triển hệ thống xe buýt hiện có, nhằm thu hút và tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng cho người dân.Hệ thống xe buýt của Hà Nội hiện có 71 tuyến, với 1.200 xe; sản lượng vận chuyển đạt khoảng 413 triệu lượt khách/năm. Về sản lượng vận chuyển đã tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2000, một kết quả phát triển ấn tượng. Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển bằng xe buýt mới chỉ đáp ứng khoảng 9% nhu cầu đi lại của nhân dân. Điều đáng nói là năng suất vận chuyểncủa xe buýt đã tiệm cận mức cao nhất và khó có thể nâng hơn nữa. Nguyên nhân là do chất lượng dịch vụ còn...
Hiện nay, khi các loại hình vận tải hành khách công cộng hiện đại đang trong quá trình chuẩn bị về cơ sở hạ tầng thì thành phố chủ trương tập trung củng cố, phát triển hệ thống xe buýt hiện có, nhằm thu hút và tạo thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng cho người dân.
Hệ thống xe buýt của Hà Nội hiện có 71 tuyến, với 1.200 xe; sản lượng vận chuyển đạt khoảng 413 triệu lượt khách/năm. Về sản lượng vận chuyển đã tăng gấp 40 lần so với thời điểm năm 2000, một kết quả phát triển ấn tượng. Tuy nhiên, dịch vụ vận chuyển bằng xe buýt mới chỉ đáp ứng khoảng 9% nhu cầu đi lại của nhân dân. Điều đáng nói là năng suất vận chuyển
của xe buýt đã tiệm cận mức cao nhất và khó có thể nâng hơn nữa. Nguyên nhân là do chất lượng dịch vụ còn hạn chế và hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập. Vì vậy, dù được quan tâm phát triển mạnh về mạng lưới nhưng hệ thống xe buýt vẫn chưa thể là loại hình phương tiện giao thông chính ở đô thị, chưa có khả năng thay thế phương tiện cá nhân.
Việc vận hành dày đặc các tuyến xe buýt với tần suất cao trên nhiều tuyến đường chính ở trung tâm thành phố, trong điều kiện đường sá chưa đáp ứng kịp nhu cầu và số lượng phương tiện cá nhân quá lớn, đã gây ra cảnh ùn tắc và tai nạn giao thông. Nhiều khi do mật độ phương tiện quá đông, nhất là trong thời gian cao điểm, xe buýt không thể vào được điểm đỗ để đón, trả khách đã dẫn tới hiện tượng bỏ tuyến, bỏ chuyến, từ chối khách… Chất lượng dịch vụ vì thế không được bảo đảm, giảm uy tín đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ và thiếu sức thu hút với khách hàng tiềm năng. Trong khi tại khu vực nội thành mạng lưới tuyến đã khá dày, thì khu vực từ vành đai ba trở ra tới ngoại thành, mạng lưới tuyến rất ít, mặc dù nhu cầu sử dụng phương tiện công cộng khu vực này ngày càng tăng. Nhiều người dân cho biết, hằng ngày phải đi khá xa để vào nội thành làm việc, không bảo đảm sức khỏe, cho nên mong được sử dụng dịch vụ xe buýt, bởi sự thuận tiện và chi phí rẻ nhưng chưa được đáp ứng… Thực tế nói trên cho thấy, mạng lưới xe buýt đang tồn tại những bất cập và có sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nội thành và ngoại thành.
Trước thực trạng này, thành phố xác định cần tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển bằng xe buýt, nhằm nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu và thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, sẽ có 101 tuyến xe buýt (trong đó có ba tuyến xe buýt nhanh – BRT), sản lượng vận chuyển đạt hơn 2,7 triệu hành khách/ngày; đáp ứng khoảng 20% tổng nhu cầu đi lại trên toàn thành phố… Để đạt mục tiêu đó, trước mắt thành phố cần củng cố và mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt; nâng cấp và phát triển hạ tầng xe buýt, đưa các mô hình hạ tầng tiên tiến đồng bộ với hệ thống điểm vào hoạt động… nhằm tăng cường năng lực vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tiến hành điều chỉnh các tuyến có sản lượng thấp (dưới năm triệu hành khách/năm) theo hướng đưa lộ trình tuyến qua các khu vực có khả năng thu hút hành khách cao hơn hoặc theo yêu cầu tổ chức giao thông để tránh các điểm ùn tắc. Lấy vành đai 3 làm giới hạn, tạm thời hạn chế mở mới tuyến khu vực trong vành đai 3; mở mới các tuyến ngoài vành đai 3, tập trung chủ yếu khu vực các huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Các tuyến mở mới kết nối nội thành với các trung tâm quận, huyện, các cụm dân cư, khu – cụm công nghiệp mới phát triển chưa có vận tải hành khách công cộng, kết nối giữa các trung tâm quận, huyện, thị xã với nhau. Trong đó có tổ chức các làn đường dành riêng cho xe buýt trên các trục đường có mặt cắt ngang từ sáu làn xe trở lên và nhu cầu sử dụng ở mức đạt tuần suất từ 60 xe buýt/giờ/hướng trở lên. Đoàn phương tiện cũng được bổ sung và thay mới, hướng tới hình thành đoàn phương tiện đạt tiêu chuẩn buýt đô thị thân thiện môi trường. Hiện đại hóa công nghệ quản lý; áp dụng công nghệ thông tin trong giám sát, điều hành; đổi mới hệ thống vé linh hoạt, đa dạng, tiên tiến với giá vé hợp lý bảo đảm hấp dẫn và thuận lợi cho người sử dụng, thuận tiện cho kiểm soát, quản lý doanh thu. Nâng cao tay nghề, ý thức trách nhiệm và chuyên môn dịch vụ cho đội ngũ lái xe, phụ lái, nhân viên dịch vụ. Nghiên cứu áp dụng mô hình các tuyến buýt có trợ giá đưa đón học sinh, sinh viên và các tuyến buýt trợ giá theo đơn đặt hàng…
Thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, trong tháng 6 vừa qua, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) – đơn vị chủ lực trong hệ thống vận tải hành khách công cộng đã đưa 52 xe buýt mới vào hoạt động trên các tuyến 32 (Giáp Bát – Nhổn) và tuyến 39 (Công viên Nghĩa Đô – Văn Điển). Đồng thời, trên tuyến 39, tiến hành thay mới tất cả 19 xe đã cũ, sức chứa mỗi xe 60 chỗ và trên tuyến 32 thay mới 33 xe, sức chứa mỗi xe 90 chỗ. Trước đó, trên các tuyến: 05, 13 và 23, 34, Tổng công ty cũng đã thay mới toàn bộ phương tiện (52 xe). Sau khi thực hiện việc thay mới phương tiện, toàn mạng lưới xe buýt của Transerco hiện không còn xe quá mười năm tuổi hoạt động. Tất cả các xe đều được trang bị thiết bị giám sát hành trình để tiện cho công tác quản lý, điều hành và xử lý các lỗi vi phạm về tiêu chí chất lượng phục vụ.
Đơn vị đã điều chỉnh, kéo dài lộ trình bảy tuyến xe buýt phục vụ nhân dân các huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Hơn 5.000 lái xe và nhân viên bán vé đã được đào tạo, nâng cao nghiệp vụ. Vé xe buýt thông minh (Smart card) với các ưu thế chống làm giả, chống thất thu ngân sách, tiện dụng cho khách và giúp cơ quan nhà nước thuận tiện trong quản lý đã được thí điểm thành công trên tuyến buýt 32 (Giáp Bát – Nhổn) và hiện đang được xây dựng kế hoạch để áp dụng trên toàn mạng lưới… Thông qua những hoạt động này, chất lượng dịch vụ xe buýt bắt đầu có những chuyển biến tích cực, khôi phục sự tin cậy của khách hàng, góp phần mở rộng nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải xe buýt.
Với chủ trương tập trung phát triển dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cùng những hoạt động đã và đang triển khai, mong rằng xe buýt sớm trở thành phương tiện vận tải chiếm ưu thế, góp phần hạn chế và tiến tới giảm đáng kể phương tiện cá nhân, xây dựng hình ảnh giao thông đô thị văn minh, hiện đại, an toàn và kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()