Ðể vốn cho vay của ngân hàng đến với hộ nông dân
Nhờ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Sơn (Phú Thọ), gia đình anh Hà Công Quế ở xã Văn Luông đã chuyển đổi mô hình kinh tế, mỗi năm thu lãi 60 đến 80 triệu đồng. ( Ảnh: Trần Việt (TTXVN) )Hoạt động tín dụng ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở nước ta.Thời gian qua, việc cho vay vốn đến hộ nông dân đạt được nhiều kết quả, đáng kể nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây được coi là bước đột phá tạo sức bật mới cho hộ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường này và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ.Kỳ I: Giải pháp giúp nông dân làm giàuCho hộ nông dân vay vốnViệc cho vay vốn đến hộ nông dân đã được các tổ chức...
|
Thời gian qua, việc cho vay vốn đến hộ nông dân đạt được nhiều kết quả, đáng kể nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12-4-2010 về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây được coi là bước đột phá tạo sức bật mới cho hộ nông dân vay vốn để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, để mở rộng thị trường này và nâng cao hiệu quả vốn đầu tư vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tháo gỡ.
Kỳ I: Giải pháp giúp nông dân làm giàu
Cho hộ nông dân vay vốn
Việc cho vay vốn đến hộ nông dân đã được các tổ chức tín dụng cho vay từ khi nền kinh tế nước ta bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường (1987-1988), khởi xướng là từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NN & PTNT) với mạng lưới 2.300 chi nhánh và các phòng giao dịch đóng vai trò chủ đạo, chủ lực, tiếp đến là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), và hơn 1.000 các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội làm dịch vụ tài chính, các tổ vay vốn tiết kiệm… đã tạo thành một kênh huy động vốn và cho vay tại chỗ để cung ứng vốn đến hộ nông dân với phương châm cạnh tranh bình đẳng. Chỉ tính riêng hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số dư nợ cho vay vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối năm 2010 đạt 282.863 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 68,2% với hơn 10 triệu hộ nông dân được vay vốn; mức dư nợ bình quân ở một huyện vùng đồng bằng sông Hồng từ 450 đến 500 tỷ đồng, các hộ nông dân đều trả nợ sòng phẳng, ít có nợ xấu.
Vốn vay đã tập trung cho các hộ thâm canh tăng vụ ở những vùng có tỷ suất hàng hóa cao, như vùng lúa đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy kinh tế trang trại chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản thực phẩm. Cụ thể là cho vay trồng, thu mua và chế biến cà-phê năm 2010 xuất khẩu được hơn một triệu tấn đạt giá trị 1,7 tỷ USD, cho vay mở rộng diện tích nuôi trồng thủy hải sản, dư nợ ngành thủy sản 17.395 tỷ đồng đã giúp các DN thu mua, chế biến xuất khẩu tổng sản lựợng đạt 5,1 triệu tấn, trong đó, sản lượng cá nước ngọt 1,9 triệu tấn; cá tra, cá ba sa gần 1,5 triệu tấn, tôm nuôi 460 nghìn tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu 4,7 tỷ USD. Đối tượng ngân hàng cho vay chủ yếu là các hộ gia đình và các DN kinh doanh chế biến, nuôi trồng thủy sản tạo việc làm cho hàng triệu lao động, trong khi các DN và hộ kinh doanh khó khăn về vốn thì ngân hàng đã mạnh dạn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để thay đổi phương thức sản xuất chuyển từ hình thức nuôi cá bè sang nuôi hầm với quy mô lớn theo hướng tập trung để có năng suất và sản lượng cao hơn, đồng thời loại bỏ dần những ao hồ có diện tích nhỏ, kém hiệu quả. Vì thế, các hộ nuôi cá tra ngày càng nhiều hơn vì chi phí thấp, thời gian đầu tư ngắn và lại dễ tiêu thụ hơn. Cho vay mở rộng làng nghề dư nợ 8.761 tỷ đồng đã thu hút hơn 12 triệu lao động vào hơn 3.000 làng nghề, năm 2010, giá trị xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngoài việc thu hút lao động có tay nghề cao còn tăng thêm giá trị hàng hóa xuất khẩu.
Đối với các hộ nghèo, ngân hàng cho vay hỗ trợ theo lãi suất thấp với 35.258 hộ được vay với doanh số cho vay là 1.125 tỷ đồng, tập trung ở các huyện vùng miền núi, trong đó, vốn cho trồng rừng 14,327 tỷ đồng, cho sản xuất nông nghiệp 782,127 tỷ đồng; xây dựng cơ sở chế biến 20,174 tỷ đồng, đã góp phần thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo và giúp các hộ nghèo từng bước tiếp cận với kinh tế thị trường, đưa các dịch vụ về nông thôn, tăng nhanh tốc độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái.
Những năm trước đây, kinh tế hộ chưa phát triển mức vốn xin vay thấp, chỉ khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng/hộ để mua cây giống, con giống, phục vụ trồng trọt và chăn nuôi cho gia đình. Nhưng đến thời điểm hiện nay, do kinh tế thị trường phát triển, giá cả các loại hàng hóa đã tăng lên, nên nhu cầu vốn xin vay cũng tăng lên, thấp nhất ở vùng miền núi từ 3 đến 4 triệu đồng/hộ, vùng đồng bằng từ 7 đến 8 triệu đồng/hộ, cá biệt nhiều hộ vay đến hơn 10 triệu đồng. Kinh tế hộ hiện nay là vừa sản xuất, vừa kinh doanh buôn bán và giải quyết cho nhu cầu ngắn hạn của cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đối tượng cho vay vốn trung dài hạn là những máy móc thiết bị phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi, chế biến. Có hộ vay lớn hơn 10 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi hoặc mua sắm các công cụ máy móc phục vụ trực tiếp sản xuất. Đối tượng này thường là những hộ phát triển thêm nghề phụ, hộ làm kinh tế trang trại đang đầu tư mở rộng sản xuất, thu hút thêm lao động hoặc những hộ làm kinh doanh ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, buôn bán… Những năm vừa qua, cơ chế tín dụng thông thoáng hơn, thủ tục cho vay từng bước được cải tiến theo hướng đơn giản nên nhiều hộ nông dân không có tài sản thế chấp nhưng cũng được Ngân hàng xem xét cho vay tín chấp, thậm chí đối với các hộ ở vùng đặc biệt khó khăn đã được vay vốn lên đến 100 triệu đồng, đây là cơ hội để các ngân hàng thương mại mở rộng đầu tư tín dụng, giúp nông dân làm giàu, khai thác được tiềm năng kinh tế tự nhiên của mỗi vùng.
Gỡ vướng cho vốn vay
Thực tế những năm qua, đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân rủi ro nhiều do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, thiên tai mất mùa thường xảy ra làm thiệt hại không nhỏ về tài sản của nhân dân, trong đó có vốn của các tổ chức tín dụng cho vay. Nhiều hộ nông dân rất khó khăn trong việc trả nợ vay ngân hàng. Tuy Nhà nước đã có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ nông dân khi gặp thiên tai mất mùa và được kéo dài thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi tiền vay, nhưng nhiều nơi xử lý chưa kịp thời, làm người dân chưa yên tâm sản xuất. Mặt khác, tiến độ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn ở nhiều vùng còn chậm, ruộng đất phân tán, manh mún, cơ sở hạ tầng nông thôn còn nghèo, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất hàng hóa.
Kinh tế hộ nông dân nước ta chủ yếu làm nghề trồng lúa kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm để tận dụng các sản phẩm phụ nên sản xuất thường nhỏ lẻ, phân tán, năng suất lao động thấp, trình độ tập quán lạc hậu, canh tác giản đơn, thu nhập thấp, sản xuất chủ yếu là tự cung tự cấp, chưa phải là sản xuất hàng hóa, nên nhu cầu vay vốn không nhiều. Do trình độ văn hóa thấp nên nhiều hộ nông dân muốn vay vốn ngân hàng nhưng họ rất ngại làm hồ sơ thủ tục xin vay, có những nơi cán bộ ngân hàng phải phải viết hộ dự án, sau đó cho họ chép lại để hoàn chỉnh bộ hồ sơ xin vay. Như vậy không bảo đảm tính pháp lý, có những hộ ngại làm thủ tục vay vốn ngân hàng nên đành đi vay ngoài, mặc dù lãi suất cao hơn.
Mặt khác, giá cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng ngày càng leo thang, khó kiểm soát, người nông dân làm ra sản phẩm bị thua thiệt. Những nguyên nhân trên đã ảnh hưởng hiệu quả đầu tư vốn, thu hồi nợ khó khăn. Một điều đáng chú ý nữa là kinh tế hộ nông dân phát triển tổng hợp, ngoài nguồn thu về trồng trọt, chăn nuôi, họ còn có nguồn thu khác như thu về dịch vụ lấy ngắn để nuôi dài, nên khi trả nợ không nhất thiết họ lấy nguồn thu từ đối tượng cho vay đưa lại, mà họ có thể có nguồn thu khác, miễn là họ có tín nhiệm với ngân hàng.
Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho kinh tế hộ và các doanh nghiệp trên địa bàn để chủ động sản xuất mùa vụ, Hiện nay, mặc dù đã có nguồn vốn cho vay của NHCSXH và các Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của nông dân. Tệ nạn 'cò tín dụng', cho vay nặng lãi vẫn tồn tại ở một số nơi, làm ảnh hưởng đời sống kinh tế xã hội ở nông thôn.
Hiện nay, lãi suất của Ngân hàng NN và PTNT là: 14,5%/ năm đối với ngắn hạn và 15 – 16% /năm đối với trung, dài hạn; đối với NHTM cổ phần ngắn hạn từ 14,5% đến 15%/ năm, trung, dài hạn từ 16% đến 17%/năm. So với giá trị sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra thì lãi suất cho vay này còn quá cao, vì lợi nhuận của cây trồng, vật nuôi đưa lại còn thấp, nhất là có thời điểm giá nông sản lại xuống, người nông dân bỏ vốn đầu tư chỉ biết lấy công làm lãi, nhiều hộ trồng lúa kết hợp chăn nuôi lời lãi không được là bao.
Tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm làm ảnh hưởng mở rộng cho vay vốn của ngân hàng, đến nay, ở nông thôn vẫn còn 23,3% diện tích đất chuyên dùng chưa được cấp giấy chứng nhận. Vốn cho vay các trang trại nuôi dê, lợn, gia cầm, thủy sản đều giảm do dịch bệnh, giá thức ăn và giá dịch vụ đầu vào tăng cao, trong khi đó giá bán sản phẩm tăng chậm nên có những trang trại phải thu hẹp quy mô sản xuất do kinh doanh lỗ. Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm lúa, cá tra, cá ba sa là sản phẩm chủ lực, vốn của Ngân hàng NN & PTNT đầu tư vào sản phẩm này chiếm tỷ trọng khá lớn, nhưng những năm vừa qua, cả người nuôi cá và DN chế biến xuất khẩu phải đối mặt nhiều thách thức, giá bán cá tra giảm, trong khi giá thức ăn liên tục tăng từ bốn đến năm lần, nên nhiều nơi đã treo ao, lợi nhuận không còn hấp dẫn như những năm trước nữa. Vì vậy, việc mở rộng cho vay của ngân hàng đang bị hạn chế. Đối với sản phẩm lúa, giá phân bón tăng cao, thương lái mua thóc gạo giá thấp làm người trồng lúa rất thiệt thòi.
Để nền nông nghiệp phát triển bền vững và bảo đảm an ninh lương thực thì phải có nhiều nguồn vốn đầu tư, nhưng hiện nay, tỷ trọng vốn đầu tư tín dụng của các ngân hàng cho nông nghiệp, nông thôn còn thấp. Ngay như trên địa bàn Hà Nội mới chiếm 6,1% trên tổng dư nợ, nhiều ngân hàng cổ phần chưa chú ý mở rộng mạng lưới, thị trường về nông thôn. Đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn cũng chưa nhiều trong hơn mười năm chỉ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 2,3% FDI của cả nước. Nguồn vốn thiếu sẽ khó có thể thúc đẩy được lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()