Để Việt Nam vào siêu đại học toàn cầu
Không chỉ có giáo dục Việt Nam đang gặp phải những bất cập, bị báo chí trong nước kêu ca phàn nàn, mà ngay cả những nước được xem là văn minh nhất thế giới như nước Mỹ cũng đang vấp phải cuộc khủng hoảng trầm trọng trong giáo dục.
|
Thí sinh vào thi ĐH. Ảnh: Hương Giang |
Hãy nghe Bill Gates, người Mỹ đã thành danh phát biểu: “Các trường của chúng ta được thiết kế cách đây 50 năm và chúng đã đáp ứng những nhu cầu nhất định của thời đại ấy. Những nếu như chúng ta không thiết kế lại những trường học đó để đáp ứng những nhu cầu của thế kỷ XXI, chúng ta sẽ đánh hỏng cuộc đời của hàng triệu người Mỹ mỗi năm……….Trong số những học sinh tốt nghiệp trung học hằng năm ở Mỹ, chỉ 1/3 có đủ các kỹ năng cần thiết để có thể tiếp tục theo học các trường đại học hay bắt đầu làm việc”.
Một vài số liệu cụ thể về giáo dục đại học trên thế giới:
* 80 triệu sinh viên hiện đang theo học tại 8 nghìn trường đại học trên thế giới, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp không đáp ứng được công việc
* Trường học tăng không kịp so với nhu cầu người học. 30 triệu người có đủ khả năng vào đại học nhưng họ không thể tìm được trường thích hợp.
* Theo xu hướng hiện nay, số lượng sinh viên đại học sẽ tăng ít nhất 80 triệu người trong thập niên tới. Để phục vụ số lượng sinh viên đó, mỗi tuần thế giới sẽ phải thành lập một trường đại học, đây là điều viễn tưởng.
Nguyên nhân khủng hoảng
– Hầu hết các hệ thống nhà trường trên thế giới đang đầu tư nhiều tiền vào phát triển ICT trong giáo dục, nhưng lại đặt nó lên trên một lớp học của thế kỷ 18: bảng đen, phấn trắng, số người học cố định trong lớp…
– Với sự tiến bộ phi thường của ICT, khối lượng thông tin và tri thức đang tăng theo hàm mũ. Nếu trước kia có thể sử dụng thời gian 4, 5 năm đại học để trang bị một vốn tri thức về một nghề nghiệp cao cấp nào đó cho một sinh viên để anh ta sử dụng hầu như trong cả cuộc đời hành nghề của mình, thì ngày nay điều đó là hoang tưởng.
Như vậy, một mặt khoa học công nghệ ICT thúc đẩy xã hội phát triển nhưng đồng thời nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho các trường đại học trên thế giới luôn luôn “lỡ nhịp”, chương trình và nội dung học không bắt kịp với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ. Hệ thống giáo dục truyền thống, luôn dạy cho người học một thế giới không còn tồn tại.
“Tương kế tựu kế”
Trong tương lai gần thì toàn bộ thông tin của thế giới được đưa vào những chiếc máy tính có kích thước nhỏ như máy iPod của Apple.
Bảng điện tử tương tác sẽ thay thế bảng đen, giáo án có thể truyền qua Internet tới các lớp học để sử dụng trên các bảng điện tử và trên các máy tính cá nhân ở nhà của học sinh.
Nhờ phương tiện này, người học có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời nhanh hơn bất cứ giáo sư nào và lúc này tri thức cơ bản không phải là những sự kiện biệt lập cần phải ghi nhớ.
Học để biến kiến thức thành tri thức là phần cốt lõi của phương pháp học mới, đó còn được gọi là cách học tư duy, học cách sáng tạo. Do vậy mô hình các trường đại học và cách dạy học của thế kỷ XXI sẽ hoàn toàn khác với thế kỷ XX và chỉ khi có một cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn cách dạy học cũ, hệ thống giáo dục mới vượt qua cuộc khủng hoảng như đã phân tích ở phần đầu.
Xây dựng mô hình đại học toàn cầu
Peter Drucker, nhà tư tưởng, nhà quản lý được kính trọng nhất của thế kỷ XX đã đưa ra nhận định: “”Ba mươi năm nữa, các khuôn viên đại học sẽ chỉ còn là di tích. Chúng ta phải bắt đầu giảng bài cho các lớp học ở bên ngoài các trường đại học, qua vệ tinh và video hai chiều, với chi phí thấp nhất.”.
Như vậy, thay cho những ngôi trường đắt tiền nằm tại địa điểm cố định với thời gian học tập cố định là mạng học tập ảo toàn cầu – địa điểm học tập ở bất cứ nơi nào và bất kỳ thời gian nào, và học giờ đây không chỉ là những năm tháng tại trường phổ thông và đại học – học nghĩa là học tập suốt đời: học để sống.
Kỷ nguyên của bảng đen và nghe giảng thụ động cuối cùng cũng phải chấm dứt sau 3 thế kỷ tồn tại để nhường chỗ cho trường học với bảng điện tử và chia sẻ giáo án toàn cầu.
Lúc đó thời gian đến trường sẽ chỉ chiếm không quá một phần năm quỹ thời gian trong ngày. Học sinh dành thời gian nhiều gấp bốn lần cho những mối quan tâm xoay quanh thế giới công nghệ tương tác.
Nhờ điện thoại thông minh, trang web cá nhân, dịch vụ nhắn tin tức thời, Skype, YouTube. . . những người trẻ tuổi ở khắp nơi trên thế giới có thể biết được tức thời những gì đang xảy ra với những người khác tại bất cứ nơi đâu.
Như vậy, thay vì xây dựng nhiều trường đại học để đáp ứng nhu cầu học của nhiều người, thì đại học ảo trên mạng sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng trường học.
|
Ảnh: Hương Giang |
Bài học cho giáo dục Việt Nam
Trong mấy năm gần đây, cũng như các nước trên thế giới, số trường đại học ở Việt Nam đang tăng lên chóng mặt nhằm giải quyết nhu cầu của người học.
Chính phủ Việt Nam đang có chủ trương chuyển các trường đại học ở Trung tâm TP Hồ Chí Minh và Hà Nội ra ngoại thành nhằm giải quyết vấn đề giao thông đô thị.
Đây là những bài toán kinh tế mang tầm vĩ mô, tuy nhiên nếu xét theo các quan điểm phát triển của khoa học công nghệ thì vấn đề tăng số trường đại học và chuyển các trường đại học ra ngoại thành không khả thi.
Cách đây 20 năm, Đại học Sư phạm Hà Nội thuộc ngoại thành, nhưng ngày nay đã thuộc trung tâm thành phố, tình trạng ách tắc giao thông vẫn xảy ra như cơm bữa.
Nếu chuyển các trường ra ngoại thành thì 20 năm sau, việc xây dựng cơ sở vật chất của trường chưa hoàn thành thì địa điểm đó của trường cũng sẽ trở nên ách tắc giao thông, bài toàn đó thật sự không tối ưu.
Như vậy thay vì chạy theo việc di chuyển trường một cách cơ học, Việt Nam cần nhanh chóng “đi tắt đón đầu”, hội nhập với thế giới, từng bước tham gia Siêu Đại học Toàn cầu.
Khi đó một sinh viên ngồi ở Nghệ An vẫn có thể tham gia học ở Đại học trung tâm Hà Nội và Việt Nam cũng không cần thiết phải gia tăng số lượng các trường đại học không đạt chuẩn như hiện nay.
Cuộc sống vốn phong phú hơn những điều chúng ta tưởng, giáo dục Việt Nam nếu không được xây dựng trên nền tảng khoa học vững chắc sẽ phải trả một giá đắt.
Ý kiến ()