Để VAMC tiếp tục hoạt động hiệu quả
Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ra đời được coi là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý của nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động thời gian qua của VMAC đã bộc lộ một số hạn chế, và cần có sự điều chỉnh sớm để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Quyết liệt xử lý và giải quyết nợ xấu
Là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, cơ chế tài chính và tiền lương theo cơ chế của Doanh nghiệp Nhà nước hạng đặc biệt, hoạt động theo nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận; công khai, minh bạch; hạn chế rủi ro và chi phí trong xử lý nợ xấu.
Được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC đang từng bước đóng góp vào xử lý nợ xấu và sự phát triển kinh tế đất nước.
Chính thức mua nợ xấu từ 1-10-2013 đến 31-12-2013, VAMC đã mua gần 39.000 tỷ đồng dư nợ gốc, vượt kế hoạch 35.000 tỷ đồng được giao. Riêng sáu tháng đầu năm 2014, VAMC đã mua được 11.414 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng (TCTD). Nếu tính từ khi mua nợ ngày 11-10-2013 đến ngày 1-7-2014, tổng nợ xấu đã mua của các TCTD là 50.721 tỷ đồng.
Sau khi mua, VAMC đang thực hiện tổng hợp, phân loại và xây dựng danh mục các khoản nợ để có thể chào bán ra thị trường trong nước và quốc tế trong thời gian tới. VAMC đã làm việc với nhiều tổ chức quốc tế có nhu cầu mua bán nợ tại Việt Nam và đã ký kết hợp đồng với hai công ty Cushman Wakefield và Alvarez & Marsal (là hai trong số ít những Công ty tư nhân tư vấn bất động sản lớn nhất thế giới, chuyên nghiệp về các dịch vụ quản lí và xử lý tài sản, đặc biệt bất động sản) để khảo sát thị trường mua bán nợ. VAMC thậm chí đã lên danh mục 10 tài sản bảo đảm với tổng giá trị là 7.800 tỷ đồng, gồm các dự án chung cư, cao ốc văn phòng, khu công nghiệp… tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để nhà đầu tư ngoại tham khảo và lựa chọn.
Tính đến thời điểm này, VAMC đã bán và thu hồi được nợ là 996 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VAMC đã tổ chức cơ cấu các khoản nợ của các TCTD gồm 112 khách hàng với số tiền là 9.071 tỷ đồng. Mục tiêu đến hết 2014, VAMC phải xử lý được 2.500 tỷ tiền nợ và có thể mua được khoảng 70.000 đến 100.000 tỷ đồng nợ xấu.
Cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý
Tuy nhiên, đang xuất hiện một số vấn đề trong hoạt động của VAMC, nổi bật là quy mô mua nợ chưa đủ lớn so với thực tế khối lượng nợ cần xử lý; nợ mua xong chưa/chậm bán lại; cơ chế và giá mua còn nhiều bất cập; tiến trình xử lý nợ xấu có vẻ như đang chậm lại… Những động thái này được giải thích bởi một loạt lý do, như khi mua nợ, VAMC bị hạn chế trong quyết định mua nợ vì lệ thuộc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt thời gian và phương án phát hành trái phiếu đặc biệt cho VAMC; mua nợ chỉ bằng trái phiếu đặc biệt-giấy nợ thì khó mua được nợ.
Mặt khác, khi bán nợ, VAMC chưa được toàn quyền bán lại nợ và tài sản bất động sản (BĐS) bảo đảm đã mua theo giá thị trường khi chúng bị xuống giá sơ với ban đầu; việc mua vào một chiều, chỉ mua vào mà không bán ra, hoặc bán ra ít với quy mô nhỏ, tại thị trường trong nước chưa phát triển thị trường thứ cấp và chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường mua bán nợ xấu như hiện nay sẽ khiến khó tăng quy mô hoạt động của VAMC.
Vấn đề định giá nợ và tài sản bảo đảm còn khó khăn do chưa có công ty định giá mua bán nợ và do thị trường BĐS thiếu thanh khoản trong khi đa số tài sản bảo đảm bằng BĐS. Nếu VAMC mua nợ theo giá thấp thì các TCTD không muốn bán nợ, vì sợ bị thiệt hay bị sức ép giảm tổng tài sản danh nghĩa, từ đó giảm vị thế trên thị trường và mất điểm với đối tác hay cổ đông. Nếu VAMC mua cao, thậm chí mua theo giá trị sổ sách khoản nợ, thì không đúng cơ chế thị trường và dễ bị lỗ hoặc không thể bán lại cho các nguời mua thứ cấp…
Bên cạnh đó, việc mua-bán nợ của VAMC còn bị hạn chế bởi quy định trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ xấu cho VAMC. Theo đó, để bán được nợ xấu, TCTD phải trích lập mỗi năm 20% để sau năm năm đạt đến 100% dự phòng rủi ro… Đây là quy định có tác dụng “trấn an” VAMC khi mua nợ, nhưng chế tài xử lý cho bảo đảm quy định này chưa rõ. Trên thực tế, bản thân TCTD phải bán nợ xấu thường không đủ khả năng hay không muốn mất vốn, đọng vốn, giảm lãi khi trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu đã bán theo quy định.
Ngoài ra ,do sự tập trung cao tín dụng ngân hàng trong cơ cấu vốn đầu tư xã hội và nợ xấu vào lĩnh vực bất động sản (kể cả vốn xây dựng các khu đô thị, các công trình giao thông bằng hình thức BOT), nên sự khai thông thị trường mua bán nợ xấu của VAMC còn tuỳ thuộc vào sự khởi sắc của thị trường BĐS vốn bị méo mó do đầu cơ và lợi ích nhóm kéo dài…
Những giải pháp tháo gỡ các vấn đề trên cần được đề cập từ nhiều góc độ, theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, đặc biệt là cơ chế và phương pháp định giá bán mua-bán nợ và tài sản bảo đảm theo hướng tăng tính mở, minh bạch, rõ ràng và thị trường cao hơn, cho phép phát triển thị trường mua bán nợ Việt Nam với sự tham gia ngày càng rộng rãi và thuận lợi hơn của các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài phù hợp thông lệ và xu hướng phát triển thị trường tài chính quốc tế, bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia, ngăn chặn lạm dụng.
Có thể xem xét, cân nhắc thành lập và phát triển các công ty định giá tài sản và hệ số tín nhiệm doanh nghiệp độc lập, chuyên nghiệp, có năng lực, uy tín chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao để hỗ trợ các giao dịch về BĐS và giá dự án khi mua bán các khoản nợ của VMAC và các giao dịch M&A khác trên thị trường tài chính và thị trường BĐS trong nước
Cùng với đó, tăng quy mô vốn điều lệ và tỷ lệ “tiền tươi”, cũng như đa dạng hóa phương thức và giá cả mua-bán nợ nhằm tăng năng lực và sự linh hoạt trong thương lượng mua-bán nợ và tài sản bảo đảm nợ của VMAC.
Bên cạnh đó, cần phát triển thông tin trên thị trường tài chính và công bố ở trang thông tin của VAMC về bản thân món nợ và quy trình, trách nhiệm, chế tài mua-bán, cơ chế thu hồi nợ liên quan, góp phần thúc đẩy các giao dịch lành mạnh và giảm thiểu các tin đồn hay đầu cơ và kiểm soát lợi ích nhóm, cũng như các hiện tượng trục lợi tiêu cực khác trên thị truờng mua-bán nợ.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()