Ðể vải Thanh Hà là mùa "quả ngọt"
Vải Thanh Hà đang mùa đậu quả. Đặc sản vải thiều Thanh Hà đã nổi tiếng cả trăm năm, đây là giống cây quý đặc biệt phù hợp thổ nhưỡng vùng Thanh Hà (Hải Dương). Quả vải trồng ở đây cho vị ngọt thơm không nơi nào có được.Người Thanh Hà từng ví cây vải- cây vàng, nhưng dường như đó đã là câu chuyện của quá khứ. Làm sao để mùa vải thật sự là mùa "quả ngọt" đang là nỗi trăn trở của chính quyền và người dân vùng quê vải.Câu chuyện cây vải tổVề thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, ai cũng sẽ được nghe người dân nơi đây kể về cây vải Tổ. Câu chuyện về cụ Hoàng Văn Cơm, sinh năm 1848, làm nghề buôn hoa quả ở làng Thúy Lâm, giao thương với lái buôn người Hoa ở Hải Phòng và mang về giống vải quý. Cây vải cụ trồng nay vẫn toả bóng sum suê và là cây vải tổ. Từ cây vải tổ, cụ đã nhân giống cho bà con trong vùng và để ngày nay, người Thanh Hà có giống cây cho bao mùa quả ngọt. Hơn một trăm năm qua,...
Vải Thanh Hà đang mùa đậu quả. |
Người Thanh Hà từng ví cây vải- cây vàng, nhưng dường như đó đã là câu chuyện của quá khứ. Làm sao để mùa vải thật sự là mùa “quả ngọt” đang là nỗi trăn trở của chính quyền và người dân vùng quê vải.
Câu chuyện cây vải tổ
Về thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, ai cũng sẽ được nghe người dân nơi đây kể về cây vải Tổ. Câu chuyện về cụ Hoàng Văn Cơm, sinh năm 1848, làm nghề buôn hoa quả ở làng Thúy Lâm, giao thương với lái buôn người Hoa ở Hải Phòng và mang về giống vải quý. Cây vải cụ trồng nay vẫn toả bóng sum suê và là cây vải tổ. Từ cây vải tổ, cụ đã nhângiống cho bà con trong vùng và để ngày nay, người Thanh Hà có giống cây cho bao mùa quả ngọt. Hơn một trăm năm qua, cây vải đã trở thành biểu tượng tinh thần, mang những nét đặc trưng văn hóa nông nghiệp làng quê Thanh Hà, và là nguồn lợi kinh tế chủ yếu của hầu hết nông dân nơi đây. Ông Đỗ Văn Điều, người làng Thúy Lâm, cả đời gắn bó với nghề trồng vải, không chỉ nắm vững kỹ thuật trồng vải mà ông luôn coi cây vải như một “ân nhân” đã thay đổi cuộc sống của người dân quê ông. Nhớ lại thời “đỉnh cao” của vải, ông kể: “Hơn chục năm trước, mỗi gốc vải cho thu hoạch trung bình khoảng một tấn quả, giá dao động khoảng 12.000 -13.000 đồng/kg, trong khi giá vàng khoảng 5 triệu đồng/cây, mỗi gốc vải cho trên dưới hai cây vàng, người dân ví cây vải – cây vàng là vì thế. Từ vải thiều, người dân xây nhà cửa, mua sắm xe cộ, thiết bị sinh hoạt, đường giao thông nông thôn được bê-tông hóa, làng xã thay đổi trông thấy… Nhưng mấy năm nay, vải mất giá, thu hoạch hơn chục gốc vải mới mua được một chỉ vàng. Nhiều người chán, bỏ vải trồng cây khác. Không được chăm sóc, vải cỗi nhiều. Nghĩ mà xót xa. Cây vải không chỉ nuôi mình mà đã trở thành một phần khó thay thế trong đời sống tinh thần của người dân Thanh Hà”.
Giống như ông Điều, nhiều người Thanh Hà luôn tự hào là quê hương vải thiều, dù hiện nay cây vải không cho hiệu quả kinh tế cao như trước, nhưng vẫn là cây nông nghiệp chủ yếu ở Thanh Hà, và phần lớn họ vẫn muốn gìn giữ món quà quý mang bản sắc quê mình. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Thanh Sơn Trần Mạnh Tuân, cho biết, Thanh Sơn có 480 ha đất trồng vải trên tổng số hơn 645 ha đất tự nhiên, vụ vừa qua thu hoạch hơn 3.000 tấn, giá 3.000 đồng/kg, doanh thu từ vải ước khoảng 9 tỷ đồng/8.200 nhânkhẩu. Gia đình anh có hơn 1,2 mẫu trồng vải, vụ vừa qua cho thu hoạch khoảng 20 triệu đồng. Mà mỗi năm vải chỉ có một vụ, bởi thế, nếu trông vào vải bây giờ, chắc người dân bỏ làng đi làm ăn nơi khác hết… Nhưng cũng như ông Điều, anh vẫn muốn gắn bó, gìn giữ, chăm sóc và chờ đến ngày vải thiều lại lên ngôi.
Khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý Thanh Hà
Xuất phát từ chất lượng đặc thù của sản phẩm được kết tinh từ yếu tố tự nhiên và con người, năm 2007, sản phẩm vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định nguồn gốc xuất xứ, tính chất, chất lượng đặc thù của đặc sản vải thiều Thanh Hà. Và chỉ vải thiều trồng tại Thanh Hà mới được phép sử dụng chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Thanh Hà. Tiêu chuẩn hình thức, quả vải thiều khi chín có màu đỏ tươi, vỏ giãn đều làm cho bề mặt phẳng; cùi vải dày, mầu trắng trong, giòn, vị thanh mát, không chua, chát, có vị thơm dịu nhẹ; bảo đảm thành phần sinh hóa như độ bris, đường tổng số, đường khử, độ chua, hàm lượng nước, hàm lượng vi-ta-min C…, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng.
Bí thư Huyện ủy Lê Thanh Bình là người gốc Thanh Hà. Sinh ra, lớn lên cùng cây vải nên anh rất tâm huyết với việc giữ gìn, phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà. Đây không chỉ là thương hiệu nông sản của riêng Thanh Hà mà là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế. Đồng chí bí thư luôn trăn trở làm sao nâng cao vị trí vải thiều Thanh Hà trong thói quen tiêu dùng của người nội trợ trong nước cũng như ngoài nước. Anh cho biết, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà là cơ sở nền tảng để xây dựng và phát triển thương hiệu. Vì thế, cần có sự chọn lọc kỹ càng trên nhiều yếu tố từ thổ nhưỡng tự nhiên đến trình độ canh tác của người dân để quy hoạch vùng trồng vải thích hợp, cho chất lượng và năng suất cao nhất, không để tình trạng phát triển ồ ạt như nhiều năm trước, ảnh hưởng thương hiệu đặc sản vải Thanh Hà. Huyện ủy chủ trương là giữ những vùng đất phù hợp nhất với cây vải và phá bỏ vải ở những vùng cho chất lượng thấp, chuyển sang trồng những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như quất, ổi… Thanh Hà duy trì gần 5.000 ha trồng vải, trong đó vải sớm chiếm khoảng 1.300 ha. Ngoài việc tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vải, Huyện ủy chỉ đạo các ban, ngành hướng dẫn, vận động người dân không thu hoạch sớm khi vải chưa thật sự đạt chất lượng tốt nhất đối với vải trà chính vụ, để bán giá cao, kiếm lời trước mắt, vì như vậy tuy tranh thủ thời điểm đầu mùa, được giá, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng, thương hiệu và uy tín sản phẩm vải Thanh Hà.
Để từng bước đưa chỉ dẫn địa lý vào khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả, Sở Khoa học và Côngnghệ Hải Dương đã phối hợp UBND huyện Thanh Hà triển khai thực hiện Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Thanh Hà cho sản phẩm vải thiều của tỉnh Hải Dương”; xây dựng hệ thống văn bản và côngcụ quản lý chỉ dẫn địa lý về đánh giá trao quyền và thu hồi quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; về tem, nhãn, bao bì sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; Quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; về kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý… hình thành lối tư duy mới với cả nhà quản lý và người nông dân trong sản xuất vải, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu vải Thanh Hà, ghi điểm cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ.
Tìm “đầu ra” cho sản phẩm
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng cùng những hộ trồng vải ở Thanh Hà đã luôn nỗ lựctìm thị trường tiêu thụ vải thiều. Với loại vải sớm, gần như 100% sản lượng được tiêu thụ quả tươi, tại thị trường trong nước như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng… Vải thiều chính vụ, tiêu thụ tươi khoảng 60-70% sản lượng, còn lại đưa vào sấy khô, chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường trong nước, một số lượng không nhiều xuất sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Côngthương Hải Dương) đã giới thiệu đặc sản vải thiều tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. UBND huyện Thanh Hà và Hiệp hội Sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà đã tiến hành khảo sát thị trường, giới thiệu sản phẩm tại Côn Minh (Trung Quốc), Thái-lan; sang vùng vải Linh Sơn (Trung Quốc) học hỏi kinh nghiệm tổ chức hội chợ hàng hóa, tham khảo chất lượng vải… Qua hoạt động quảng bá, vải thiều Thanh Hà được khách hàng trong nước và ngoài nước đánh giá cao do vị thơm, ngon hơn hẳn.
Câu hỏi đặt ra vì sao tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu? Vì sao giá vải tại gốc lại quá thấp, khiến người trồng vải rất thiệt thòi? Tìm hiểu nguyên nhân , chúng tôi được biết, ngoài số lượng vải được bán theo các hợp đồng với các nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu, các siêu thị và nhà phân phối, thì phần lớn vải vẫn do các tư thương về thu gom vải của các hộ nông dân, để mang đi tiêu thụ. Do chưa có thói quen hợp tác cùng phát triển, nên cả người bán và người mua đều có tâm lý ép giá nhau: mất mùa thì người bán ép người mua, được mùa người mua ép lại, thế nên mới có nghịch lý “được mùa, mất giá”. Và thiệt thòi bao giờ cũng thuộc về người nông dân.
Về thị trường xuất khẩu, Bí thư Huyện ủy Lê Thanh Bình cho biết, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt sử dụng phân bón hóa học, nước tưới và thuốc bảo vệ thực vật có vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy, sinh trưởng và phát triển của cây vải, tuy nhiên việc phun thuốc không chọn lọc làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm, không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, kể từ ngày 1-7-2010, năm loại trái cây của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: nhãn, vải, chuối, thanh long và dưa hấu phải đăng ký xuất xứ hàng hóa nông sản (chỉ dẫn địa lý) và chất lượng sản phẩm (tiêu chuẩn VietGap và GlobleGap). Bởi vậy, để bảo vệ, phát triển nét văn hoá truyền thống của Thanh Hà, đồng thời giải quyết những tồn tại trong sản xuất vải, UBND huyện Thanh Hà đã phê duyệt dự án “Xây dựng, phát triển mô hình sản xuất vải thiều Thanh Hà bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGap” từ cuối năm 2011. Mục tiêu là nhằm tạo ra vùng sản xuất vải thiều hàng hóa chất lượng cao, mang lại hiệu quả cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường canh tác. Theo đó, bắt đầu từ đầu năm 2012, xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình VietGap và chứng nhận chất lượng VietGap cho 100 ha vải tại ba xã Thanh Sơn, Thanh Khê, Thanh Thủy.
Thanh Hà thời điểm này bạt ngàn vải đang mùa đậu quả. Vải được trồng san sát từ mảnh vườn nhà ra đến đồng ruộng. Vải đã qua thời kỳ “quả mây” báo hiệu một mùa thu lớn. Với nỗ lựccủa cấp ủy, chính quyền và người nông dân, bằng những giải pháp cụ thể, quyết liệt, Thanh Hà đang chờ đón một vụ mùa bội thu quả ngọt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()