Để tuyên truyền pháp luật hiệu quả
(LSO) – Pháp luật có vai trò quan trọng trong xã hội, vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân.
Hằng năm, Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố ban hành kế hoạch, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác này được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm gắn với những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh, được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, bằng nhiều nội dung và hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền miệng; qua các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn và phát hành tài liệu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tọa đàm…
Trong năm 2018, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 17.412 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 788.936 lượt người tham dự. Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức được 11.519 hội nghị, các cuộc họp thôn, khu, khối phố tuyên truyền, phổ biến pháp luật với trên 1 triệu lượt người tham dự.
Cán bộ Sở Tư pháp phổ biến giáo dục pháp luật tại thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia
Ông Hoàng Minh Quyền, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bình Gia cho biết: Để công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả, chúng tôi đã thực hiện phương châm “hướng về cơ sở”, chú trọng tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật tại xã, thôn, bản để đông đảo nhân dân được tiếp cận với thông tin pháp luật kịp thời. Đồng thời phòng phối hợp với Hội Luật gia tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho đồng bào tại các xã khó khăn.
Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã tham mưu cho hội đồng tổ chức các hội nghị cấp tỉnh để tuyên truyền các nội dung pháp luật mới, đồng thời phối hợp với phòng tư pháp các huyện tập huấn báo cáo viên pháp luật, hòa giải viên thôn, bản. Hiện nay, toàn tỉnh có 88 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 249 báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên cấp xã có 2.510 và hơn 270 cộng tác viên ở thôn, khối phố. Đội ngũ này là lực lượng chính để PBGDPL trong cộng đồng dân cư.
Thông qua công tác tuyên truyền PBGDPL, các bộ luật, luật mới được Quốc hội thông qua và các lĩnh vực pháp luật được nhân dân quan tâm như: Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tiếp cận thông tin, Bộ Luật Hình sự năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Phòng chống mua bán người, Luật Hòa giải ở cơ sở…được thông tin rộng rãi đến công dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp cán bộ và nhân dân.
Bên cạnh mặt tích cực, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại hạn chế, khó khăn. Việc chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL chưa được thường xuyên, triển khai phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành ở một số đơn vị, địa phương còn chậm và thụ động; nội dung và hình thức PBGDPL chưa thực sự đa dạng, linh hoạt, chưa phù hợp với trình độ, nhu cầu của đối tượng được tuyên truyền. Một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa có thói quen chủ động tìm hiểu pháp luật. Việc quản lý, khai thác tủ sách pháp luật chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn một số tủ sách pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị, đặc biệt là tại cấp xã bố trí và quản lý chưa thực sự thuận lợi để người dân tiếp cận, khai thác.
Trước diễn biến phức tạp của các tệ nạn xã hội, tội phạm, trong thời gian tới đòi hỏi công tác PBGDPL phải nâng cao hiệu quả; tiếp tục kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp, đổi mới phương thức tổ chức thực hiện, hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở; tuyên truyền kịp thời, thường xuyên nội dung pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
Ý kiến ()