Học tập lý luận chính trị (LLCT) là chế độ quy định của Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Hiện nay, việc học tập, nâng cao trình độ LLCT được thực hiện gắn với việc tiêu chuẩn hóa cán bộ, đảng viên ở các cấp. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện là nơi trang bị kiến thức cả về phương diện lý luận và thực tiễn cho cán bộ huyện và cơ sở. Hệ thống này ở Bắc Ninh đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết để ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.Từ nhu cầu học tập của cán bộ, đảng viên Thực tế cho thấy, việc học tập LLCT, nâng cao trình độ của đội ngũ đảng viên, cán bộ chủ chốt ở cơ sở là nhân tố quyết định nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Từ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của huyện Tiên Du, năm năm qua với 263 loại hình lớp do TTBDCT huyện mở có gần 40 nghìn lượt học viên theo học. Trong đó, có bảy lớp sơ cấp LLCT, sáu lớp bồi dưỡng cấp ủy và bí...
Học tập lý luận chính trị (LLCT) là chế độ quy định của Đảng đối với cán bộ, đảng viên. Hiện nay, việc học tập, nâng cao trình độ LLCT được thực hiện gắn với việc tiêu chuẩn hóa cán bộ, đảng viên ở các cấp. Các trung tâm bồi dưỡng chính trị (TTBDCT) cấp huyện là nơi trang bị kiến thức cả về phương diện lý luận và thực tiễn cho cán bộ huyện và cơ sở. Hệ thống này ở Bắc Ninh đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết để ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ.
Từ nhu cầu học tập của cán bộ, đảng viên
Thực tế cho thấy, việc học tập LLCT, nâng cao trình độ của đội ngũ đảng viên, cán bộ chủ chốt ở cơ sở là nhân tố quyết định nâng cao hiệu lực lãnh đạo, quản lý ở địa phương. Từ kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của huyện Tiên Du, năm năm qua với 263 loại hình lớp do TTBDCT huyện mở có gần 40 nghìn lượt học viên theo học. Trong đó, có bảy lớp sơ cấp LLCT, sáu lớp bồi dưỡng cấp ủy và bí thư chi bộ. Trung tâm cũng phối hợp Trường Chính trị của tỉnh mở ba lớp Trung cấp lý luận cho 220 học viên là trưởng, phó các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện. Đồng chí Nguyễn Văn Triển, Giám đốc Trung tâm bộc bạch: Trung tâm vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu học tập, nâng cao trình độ LLCT của đội ngũ cán bộ cơ sở trên địa bàn. Đảng viên trẻ Trần Thị Thiết là cán bộ tư pháp xã Hiên Vân, đã hoàn thành khóa học sơ cấp LLCT tại TTBDCT huyện. Các đồng chí lãnh đạo xã tâm đắc kể: Qua khóa đào tạo và việc nghiên cứu tài liệu định hướng, đồng chí này đã tham mưu với Đảng ủy, UBND xã nhiều nội dung công tác tư pháp theo hướng đổi mới, cải cách hành chính tại địa phương.
Trung tâm BDCT huyện Thuận Thành từ năm 2008 đến nay hoạt động nền nếp, đạt hiệu quả. Bình quân mỗi năm Trung tâm mở được 27 – 30 lớp các loại hình luôn có trên dưới hai nghìn học viên tham gia. Được biết, công tác bồi dưỡng LLCT cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Thuận Thành là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thành công đề án của Huyện ủy “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên”. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tặng, Phó Giám đốc Trung tâm khái quát: Sự chỉ đạo, quan tâm đầu tư kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp của Trung tâm với các ban, ngành, đoàn thể của huyện trong việc tổ chức các lớp học theo kế hoạch cùng đội ngũ giáo viên chuyên và không chuyên trách là những nguyên nhân cơ bản tạo nên hiệu quả hoạt động của Trung tâm.
Khảo sát, kiểm chứng về nhận định trên, chúng tôi về Đảng bộ xã Ninh Xá có 14 chi bộ với hơn ba trăm đảng viên. Đồng chí Nguyễn Văn Hiển, Bí thư Đảng ủy xã nêu lại một thực tế: Vào năm 2005 trở về trước có giai đoạn trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chủ chốt của Đảng bộ chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cấp ủy viên, còn hơn 80% chưa đạt tiêu chuẩn đào tạo. Từ thực tế đó, Đảng ủy có nghị quyết chuyên đề về chuẩn hóa cán bộ đề ra chương trình phối hợp TTBDCT huyện trong giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên. Từ đó đến nay có 145 cán bộ của xã đã hoàn thành chương trình sơ cấp chính trị. Gần 100% số cán bộ xã đạt trình độ trung cấp chuyên ngành trở lên. Đây là nhân tố quan trọng để nâng cao trình độ lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ, bảo đảm 20 năm liền Đảng bộ đạt trong sạch, vững mạnh.
Những năm qua, Bắc Ninh đã cố gắng xây dựng, củng cố hệ thống TTBDCT trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn, củng cố bộ máy, đầu tư trang bị cơ sở vật chất nâng cao hiệu quả hoạt động của nhiều TTBDCT cấp huyện. Đội ngũ cán bộ của nhiều Trung tâm được kiện toàn, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Từ đó, đã có gần 10 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức sự nghiệp cấp xã của tỉnh được bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và LLCT tại các TTBDCT cấp huyện.
Khắc phục những hạn chế, bất cập
Hiện nay, đánh giá hiệu quả hoạt động của TTBDCT ở Bắc Ninh cùng với kết quả đáng ghi nhận nêu trên còn nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các trung tâm chưa thật sự ngang tầm nhiệm vụ. Trước hết là cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, học tập của giảng viên và học viên còn nghèo nàn. Có trung tâm không chỉ thiếu máy tính, máy in, tủ đựng sách, mà thiếu cả chiếc mi-crô không dây phục vụ dạy và học. Nhiều trung tâm thiếu tài liệu để cán bộ, giáo viên nghiên cứu, tham khảo phục vụ công tác giảng dạy. Về nội dung chương trình, tài liệu giáo dục của TTBDCT cấp huyện cũng đang nhiều bất cập. Ví như nội dung không được bổ sung, kịp thời cập nhật theo nội dung các kỳ Đại hội, Hội nghị T.Ư Đảng… chưa có tài liệu dành riêng cho các đối tượng học tập đặc thù như trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân…
Mặt khác, nhìn chung đội ngũ giảng viên vừa thiếu lại vừa hạn chế cả về trình độ lý luận chính trị và trình độ sư phạm. Trong tình trạng đó, Giám đốc TTBDCT huyện Yên Phong Ngô Thị Dung cho biết: Hằng năm Trung tâm vẫn phải mở từ 25 đến 30 lớp cho hơn bốn nghìn lượt học viên. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Vụ trưởng Lý luận Chính trị Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Tiến Hoàng cho rằng, đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương hiện nay.
Về thực trạng trên, các cơ quan chức năng cùng đội ngũ cán bộ quản lý nêu ra khá nhiều nguyên nhân, gắn với trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành. Tựu trung là do: Nhận thức, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn bất cập. Có địa phương lãnh đạo chưa nhìn nhận đúng chức năng, nhiệm vụ của TTBDCT, ý nghĩa việc học tập LLCT của cán bộ, đảng viên. Từ đó, có huyện dù nhu cầu, nguyện vọng học tập của cán bộ, đảng viên lớn nhưng TTBDCT vẫn thiếu hụt “đầu vào”. Cùng với đó, chế độ chính sách đối với người dạy và người học mới chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu, đã ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của các TTBDCT cấp huyện.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, thiết nghĩ cần bắt đầu từ việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Có cơ chế phối hợp bảo đảm tập trung đầu tư cho hoạt động hệ thống TTBDCT cấp huyện. Trước hết, cần đổi mới nội dung, chương trình tài liệu giáo dục, cấp bách là bổ sung và biên soạn mới chương trình, tài liệu môn học theo tinh thần và nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và sự phát triển mới về lý luận và thực tiễn của nước ta. Có cơ chế quản lý đồng bộ, chính sách đãi ngộ phù hợp người dạy và người học, đồng thời xây dựng được đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có chất lượng cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()