Ðể triển khai hiệu quả việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 67/2014/NÐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó đáng chú ý là chính sách tín dụng đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Là chủ trương đúng đắn, kịp thời, góp phần từng bước hiện đại hóa nghề cá, song, để triển khai hiệu quả các ngành chức năng còn nhiều việc phải làm.
Nỗi niềm ngư dân
Sau chuyến đi biển dài ngày, lão ngư Võ Mưa, một trong những người đầu tiên làm nghề câu cá ngừ đại dương ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên lại đang gấp rút chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Gặp ông tại cảng cá phường 6, chuyện trò về chính sách tín dụng cho ngư dân vay vốn đóng mới tàu vỏ thép, ông cười tươi cho biết: Chỉ nghe nói đến tàu vỏ thép thôi là ngư dân mừng lắm. Bao năm nay ngư dân vươn khơi bằng tàu vỏ gỗ, dù công suất có lớn hàng trăm mã lực nhưng vẫn không thể đi xa và an toàn như tàu vỏ thép. Sắp tới, để đóng mới tàu vỏ thép, Nhà nước cho vay tới 95% tổng giá trị đầu tư với mức lãi suất 1%/năm, tôi nghe cũng ham lắm. Nhưng nói thật, bà con chúng tôi vẫn thích tàu vỏ gỗ vì nó phù hợp với nghề. Tàu vỏ thép đòi hỏi phải có thêm lưới vây, lưới rút mới đem lại hiệu quả. Bản thân tôi mới đóng một con tàu gỗ 450 CV, chi phí hơn 1,2 tỷ đồng, đang chờ ngày hạ thủy vươn khơi.
Cùng tâm tư với lão ngư Võ Mưa, ông Nguyễn Cu, chủ tàu cá có công suất lớn nhất (400 CV) ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An cho biết: Bà con đang rất phân vân vì dịch vụ hậu cần nghề cá cũng như vấn đề luồng lạch của địa phương chưa bảo đảm. Cảng cá Tiên Châu rất lớn, bảo đảm tàu vỏ thép cập bến nhưng hiện tại luồng lạch từ cửa biển vào đây dài hơn ba km, thường xuyên bị bồi lấp. “Tàu vỏ gỗ với công suất vài trăm mã lực ra vào còn khó thì tàu vỏ thép với công suất lớn tính sao?”. Thêm nữa, mỗi chuyến đi biển, tôi mua chừng 1.000 đến 1.200 cây đá lạnh đã khó, nếu tàu vỏ thép công suất lớn gấp ba đến bốn lần thì các dịch vụ hậu cần nghề cá hiện tại có đáp ứng được không? Trong khi đó, bà Lê Thị Ðào xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, chủ tàu cá công suất lớn lại trăn trở về vốn đóng tàu khi nghe nói giá thành một con tàu vỏ thép lên tới 8 đến 10 tỷ đồng: “Giá tàu như thế là ngoài sức của bà con ngư dân chúng tôi. Ðành rằng Nhà nước sẽ cho vay vốn đóng mới với lãi suất thấp, nhưng đã vay thì cũng phải trả chứ. Mà biết làm ăn có tốt không để có tiền trả nợ?”.
Cũng như ngư dân Phú Yên, ngư dân tỉnh Bình Ðịnh dù vui mừng trước các cam kết cho vay với nhiều ưu đãi nhưng cũng tỏ ra dè dặt, e ngại với chương trình đóng mới tàu vỏ thép. Ông Bùi Văn Ninh, chủ một đội tàu hùng hậu 16 chiếc ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, có nhu cầu vay đóng mới tàu sắt 1.000 CV cho biết: “Ðể quyết định vay và có đồng ý đóng mới tàu vỏ thép hay không là chuyện còn dài. Chúng tôi phải biết con tàu tương lai của mình hình thù, công năng ra sao, giá cả bao nhiêu, liệu có khả năng thu hồi vốn không? Chưa trả lời được các câu hỏi này thì chưa thể đưa ra quyết định được”. Trong khi đó, ngư dân La Thành Ðông khẳng định: “Gia đình tôi vẫn chọn mẫu tàu truyền thống để đóng mới. Một con tàu vỏ thép công suất lớn với vô số chi tiết, cấu kiện phức tạp, ai dám chắc nó sẽ vận hành đúng chất lượng kiểm định; hư hỏng sửa chữa thế nào, ai chịu? Biển giã thì tùy chuyến, lúc có lúc không, lỗ lãi khó lường. Tôi sợ làm ăn thất bát, không kiếm đủ tiền trả cả lãi lẫn gốc cho ngân hàng”.
Ðem những tâm tư này chia sẻ với Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc Phạm Ngọc Bảo, ông cho biết: “Tam Quan Bắc là thủ phủ nghề đánh bắt cá ngừ đại dương của tỉnh Bình Ðịnh và cũng là nơi mà cả Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (SBIC) đang chọn làm trọng điểm đầu tư của gói tín dụng đóng mới tàu vỏ thép, nhưng ngư dân lại sợ. Sợ vì mỗi chuyến biển vốn lắm bất trắc, với tàu vỏ thép lại phải gồng gánh khoản phí tổn lớn hơn nhiều. Rồi tàu vỏ thép sẽ đậu ở đâu? Nhiều năm nay, cửa biển Tam Quan bị bồi lấp nghiêm trọng. Hiện chỉ những con tàu 400 CV trở xuống mới có thể chật vật luồn lách vào, ra. Lớn hơn một chút, bà con phải đưa vào thành phố Quy Nhơn hoặc ra Ðà Nẵng. Chưa tính công chăm sóc, bảo vệ, hậu cần, làm nước…, mỗi lần có sự cố, lẽ nào phải kéo vô tận Nha Trang, Cam Ranh sửa chữa?”. Băn khoăn của ông Bảo cũng là nỗi lo của các nhà quản lý địa phương và cộng đồng ngư dân đánh bắt thủy sản xa bờ.
Hóa giải những âu lo
Có lẽ, chưa khi nào một chủ trương liên quan đến chương trình có giá trị lớn của Chính phủ đưa ra lại nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân như gói đầu tư 10 nghìn tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá vỏ thép thay thế tàu vỏ gỗ. Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII vừa qua, chủ trương này cũng đã được đông đảo đại biểu Quốc hội ủng hộ, thậm chí còn có ý kiến cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho ngư dân đánh bắt xa bờ trong tình hình hiện nay. Như vậy, có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn và thật sự cần thiết. Tuy nhiên, những trăn trở của ngư dân đang đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các ngành chức năng. Bởi lẽ không ai hiểu nghề biển như ngư dân, cũng không ai có thể ra khơi đánh bắt thay ngư dân. Những câu hỏi đó chính là vấn đề vay vốn và quản lý đồng vốn. Lãi suất thấp là quan trọng nhưng quan trọng hơn là điều kiện cho vay thế nào để phù hợp với điều kiện kinh tế và cuộc sống của ngư dân. Các điều kiện, thủ tục đặt ra thế nào để vừa dễ cho dân vừa thuận cho Nhà nước quản lý nguồn vốn. Còn nỗi lo “biển giã tùy chuyến”, được mất khó lường của bà con chính là câu hỏi tìm đầu ra cho sản phẩm để từ đó có lãi và có vốn đầu tư tái sản xuất. Nếu không rất dễ dẫn đến tình trạng tàu đóng rồi nằm bờ vì thiếu vốn ra khơi, vì giá đầu vào tăng mà sản phẩm đánh bắt về không bán được hoặc bán với mức giá “hòa là may”. Ngoài ra, đóng tàu vỏ thép để đi biển xa hơn, dài ngày hơn cho nên cũng đòi hỏi tổ chức sản xuất trên biển phải được nâng tầm tương xứng: hậu cần nghề cá phải phù hợp với tính chất sản xuất và sản phẩm của tàu cá vỏ thép; trình độ kỹ thuật của ngư dân, của thuyền trưởng, máy trưởng phải được nâng cao… Mà tất cả những vấn đề này hiện vẫn là hạn chế của nghề khai thác thủy sản nước nhà. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Cục trưởng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) Ðào Hồng Ðức cho biết: Ðể các chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá phát huy hiệu quả thật sự, Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan đang tích cực chuẩn bị một số nội dung liên quan để hướng dẫn thực hiện như xây dựng quy hoạch số lượng tàu cá phù hợp ngư trường, nguồn lợi và các địa phương. Lựa chọn đơn vị có đủ năng lực và kinh nghiệm thiết kế mẫu tàu cá. Xây dựng các yêu cầu kỹ thuật về thiết kế tàu cá; xây dựng quy trình duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép. Về đối tượng, điều kiện để được hưởng chính sách, sẽ có Thông tư hướng dẫn kịp thời để bảo đảm đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ, hạn chế tối đa việc lợi dụng các chính sách của Chính phủ. Ðặc biệt, bảo đảm chủ tàu hoàn toàn có quyền quyết định về con tàu đóng mới của mình từ thiết kế đến trang bị máy tàu, vỏ tàu, ngư lưới cụ và các trang thiết bị trên tàu.
Như vậy, nguồn vốn đầu tư cho ngư dân đóng mới tàu vỏ thép đã sẵn sàng. Nhưng, không chỉ cứ bỏ tiền ra đóng tàu là được. Nỗi niềm của ngư dân và các câu hỏi đặt ra về sự phát triển đội tàu vỏ thép cần được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết thấu đáo thì mới mong chính sách đạt hiệu quả. Ðể hy vọng, sau một thời gian vận hành tàu vỏ thép, ngư dân có lãi nhiều hơn để tiếp tục đầu tư, mở rộng đội tàu mà không cần hoặc cần ít hơn sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc:
Ðối với việc phát triển đội tàu cá vỏ thép, cần quan tâm đến chủ sở hữu và cách tổ chức sản xuất trên mỗi con tàu. Từ đó nhận biết vai trò kinh tế hộ đến đâu, liên kết kinh tế hộ ở hình thức tổ chức nào? Cần nghiên cứu để có và nhân rộng nhanh chóng các mô hình Hợp tác xã nghề biển, các dạng công ty, doanh nghiệp nghề cá. Năng lực sản xuất được nâng cao cũng đòi hỏi sự nâng cao tương ứng về tổ chức sản xuất và quan hệ sản xuất đi theo. Và theo tôi, ngay lúc này có thể dùng một phần hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức một đội tàu thí điểm, vừa đi vừa tích lũy, rút kinh nghiệm và tập huấn ngư dân. Ðiều này sẽ giúp hạn chế nguy cơ rủi ro của chính sách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Trần Thị Thu Hà:
Chính sách, chương trình về đóng tàu cá vỏ thép và vật liệu mới phải cụ thể, phù hợp từng loại hình đánh bắt, phù hợp học vấn, khả năng tiếp nhận kỹ thuật, ngư cụ của ngư dân, nếu không sẽ thiếu hiệu quả, thậm chí rất lãng phí. Chính vì vậy, cần nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có mẫu thiết kế chuẩn, phù hợp và mức giá công khai để ngư dân có thể quyết định đầu tư và khai thác đạt hiệu quả, tránh tình trạng ngư dân bơ vơ trên chính con tàu của mình.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()