Để thực hiện tốt chính sách về bảo hiểm cho lao động tại các HTX
– Kể từ khi Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 có hiệu lực, kinh tế tập thể với nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) bước đầu có những chuyển biến cả về chất lượng và hiệu quả, đã góp phần đáng kể trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn nói riêng với các loại hình phát triển đa dạng, gắn với chuỗi giá trị đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế thị trường, nâng cao thu nhập của người dân.
Trong hoạt động của các Hợp tác xã phát sinh quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau. Đến hết tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có tổng số 389 HTX đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 933,81 tỷ đồng. Lĩnh vực hoạt động của các HTX chủ yếu là nông, lâm nghiệp, thủy sản (323 HTX, chiếm 72% tổng số HTX). Hiện nay, các HTX có 5.676 thành viên; tổng số lao động làm việc có hưởng tiền lương, tiền công khoảng 7.900 người (trong đó 4.950 người đồng thời là thành viên HTX). Còn lại có khoảng 4.000 người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình.
Lãnh đạo UBND tỉnh tham quan mô hình sản xuất tại HTX Nông sản Hữu Lũng
Theo Điều 2 Luật BHXH năm 2014, HTX thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là những HTX có sử dụng và thuê mướn lao động; người lao động trong các HTX thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN gồm: người quản lý, điều hành HTX có hưởng tiền lương; người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Mặc dù thời gian qua công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với nhóm lao động chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động này đã được ngành BHXH và Liên minh HTX tỉnh quan tâm đẩy mạnh, nhưng số HTX đăng ký tham gia BHXH, BHYT bắt buộc cho người lao động và tỷ lệ lao động tham gia rất thấp. Đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh mới có 57 HTX tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bằng 14,6% tổng số HTX, với 161 lao động, bằng 2% tổng số lao động. Trong khi đó, số lao động, thành viên HTX tham gia BHXH tự nguyện cũng còn rất hạn chế.
Với 389 HTX đang hoạt động và khoảng 7.900 lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đồng nghĩa với việc người lao động khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc không lương sẽ không được hưởng bất cứ chế độ gì, phải tự chi trả mọi chi phí, khi hết tuổi lao động không có lương hưu, cuộc sống phụ thuộc vào con cháu hoặc vẫn tiếp tục làm việc để kiếm sống.
Thực trạng nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất chính là những khó khăn trong hoạt động của các HTX. Những năm gần đây, tuy đã phát triển hơn so với trước, nhưng tỷ lệ HTX được xem là hoạt động hiệu quả mới chiếm khoảng 20%; thu nhập bình quân của người lao động đạt thấp, bình quân khoảng 4,6 triệu đồng/tháng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cũng như những yếu kém nội tại, không ít HTX buộc phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không đủ nguồn tài chính để đóng BHXH, BHYT, BHTN cho đội ngũ cán bộ quản lý (có hưởng lương) và người lao động.
Vườn rau hữu cơ của HTX Nông sản Hữu Lũng
Cùng với khó khăn nêu trên, nhiều HTX có tỷ lệ lao động ở độ tuổi cao, không muốn tham gia BHXH theo quy định. Không ít HTX chỉ “ưu tiên” sử dụng lao động thời vụ với thời gian ngắn, trả lương theo ngày cho nên thu nhập của người lao động cũng bấp bênh. Một nguyên nhân quan trọng nữa là nhiều người là quản lý HTX cũng chưa nắm chắc chính sách pháp luật, nhất là chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN để tham gia cho người lao động; nhiều xã viên và người lao động giao kết hợp đồng lao động dưới một tháng hoặc hợp đồng giao khoán sản phẩm cũng chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT để tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình, việc thuê mướn lao động thường chỉ qua giao kết miệng, chứ không có hợp đồng lao động theo quy định. Những khó khăn và nguyên nhân trên đã dẫn đến diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN trong khu vực HTX còn “khoảng trống” khá lớn, không chỉ ảnh hưởng tới quyền tham gia và thụ hưởng chính sách của người lao động mà còn là nguyên nhân khiến người lao động chưa thật sự gắn bó, tận tâm cống hiến cho sự phát triển của HTX.
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế, từng bước thu hẹp và lấp đầy “khoảng trống” nêu trên, trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh đề ra các nhóm giải pháp: tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới gắn với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu đề ra hàng năm; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về các giải pháp tổ chức thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của HTX.
Cùng đó, Liên minh HTX phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố, trong đó trọng tâm là phối hợp với BHXH tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật và phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong HTX; phối hợp với các sở, ngành thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và hướng dẫn việc thực hiện tham gia BHXH, BHYT, BHTN đối với các HTX trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động; phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; vận động các HTX dành một khoản kinh phí để hỗ trợ thêm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Với những giải pháp trên, tin tưởng rằng, trong thời gia tới, số người tham gia BHXH, BHYT tại các HTX sẽ có những chuyển biến tích cực, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, là tiền đề để xã viên, người lao động gắn bó hơn với HTX, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của các HTX trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()