Ðể thực hành dân chủ, phải ý thức rõ trách nhiệm xã hội của công dân
Ðầu tháng 5-2013, các website như chuyenluan.net, sachhiem.net... đăng tiểu luận của GS TRẦN CHUNG NGỌC với nhan đề Tản mạn quanh vài chuyện góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với tư cách một nhà nghiên cứu, một người Mỹ gốc Việt, GS Trần Chung Ngọc đã đề cập một số vấn đề được nhiều người Việt Nam ở trong và ngoài nước quan tâm. Báo Nhân Dân trích đăng một số nội dung từ tiểu luận nói trên để bạn đọc tham khảo.
Ðầu tháng 5-2013, các website như chuyenluan.net, sachhiem.net… đăng tiểu luận của GS TRẦN CHUNG NGỌC với nhan đề Tản mạn quanh vài chuyện góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Với tư cách một nhà nghiên cứu, một người Mỹ gốc Việt, GS Trần Chung Ngọc đã đề cập một số vấn đề được nhiều người Việt Nam ở trong và ngoài nước quan tâm. Báo Nhân Dân trích đăng một số nội dung từ tiểu luận nói trên để bạn đọc tham khảo.
– Về việc một số người kiến nghị: “Việc nhấn mạnh trong Dự thảo các lý do về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, việc đưa cụm từ “theo quy định của pháp luật”,… nhằm hạn chế những quyền đó sẽ mở đường cho việc nhân danh hiến pháp để vi phạm quyền con người, đàn áp các công dân thực thi quyền tự do”, GS Trần Chung Ngọc cho rằng: “đến đây thì tôi hết chịu nổi. Câu trên chứng tỏ không phải là góp ý sửa đổi Hiến pháp mà là dựa vào một điều thiếu hiểu biết để chỉ trích chính quyền. Viết câu trên, họ không hiểu thế nào là trách nhiệm xã hội trong khi sử dụng những quyền của con người. Lẽ dĩ nhiên, mục đích của pháp luật là để hạn chế những quyền của con người, ngăn chặn các lạm dụng về nhân quyền, nếu không thì thành loạn. Không hiểu họ có biết tới hai Công ước về nhân quyền trên thế giới: Công ước quốc tế về quyền Dân sự và quyền Chính trị, Công ước quốc tế về những quyền Kinh tế, Xã hội, và Văn hóa và nếu tôi không nhầm thì Việt Nam đã ký vào hai bản Công ước này vào năm 1982, trong đó: “Ðiều 18: 1. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tri và tôn giáo. 2. Sự tự do bày tỏ tôn giáo hay tín ngưỡng của mọi người chỉ chịu những hạn chế quy định bởi luật pháp và cần thiết để bảo vệ sự an toàn công cộng, trật tự, sức khỏe, đạo đức hay quyền căn bản và tự do của người khác. Ðiều 19: 1. Mọi người đều có quyền tự do phát biểu ý kiến. 2. Việc thực thi những quyền quy định trong mục 2 của điều khoản này đi cùng với những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Nó có thể phải chịu một số hạn chế, nhưng những hạn chế này chỉ có thể do luật pháp đặt ra. Ðiều 20: Chính quyền phải ra luật ngăn cấm mọi tuyên truyền cho chiến tranh và mọi ủng hộ cho sự căm thù quốc gia, sắc dân hay tôn giáo có tác dụng tạo nên sự khích động cho những vấn đề kỳ thị, thù nghịch hay bạo lực. Ðiều 21: 1. Công nhận quyền hội họp trong hòa bình. 2. Không hạn chế nào được đặt trên sự thực thi quyền trên ngoài những hạn chế được áp đặt để tuân theo luật pháp”.
Chúng ta thấy ngay rằng, mọi quyền cơ bản của người dân, theo tinh thần của những bản văn trên, đều phải nằm trong vòng luật pháp của mỗi nước. Ðây là điều hiển nhiên để ngăn chặn những lạm dụng về nhân quyền. Nếu luật pháp của mỗi quốc gia mỗi khác thì định nghĩa về nhân quyền của mỗi quốc gia cũng mỗi khác. Nhân quyền của một quốc gia phải phù hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, lợi ích của nhân dân và an ninh của Tổ quốc, vì thế cho nên có nhiều nước đặt nhân quyền của tập thể ở trên nhân quyền của cá nhân. Không một công dân nào của một nước có quyền nói rằng, luật pháp quốc gia này không thích hợp với quyền của tôi, với tôn giáo của tôi, v.v. cho nên tôi không có bổn phận phải tuân theo. Sau ngày 9-11 ở Niu-Oóc, Mỹ ra những luật hoàn toàn vi phạm nhân quyền (“USA PATRIOT” Act of 2001) như: cơ quan hữu trách có quyền kiểm soát đời tư của một công dân, từ có bao nhiêu tiền trong ngân hàng, thường liên lạc với ai, qua điện thoại hay điện thư, đọc những sách gì trong thư viện, cho đến có quyền bắt giữ không cần lệnh của tòa án, v.v. Người dân Mỹ phàn nàn nhưng vẫn không thể phản đối hay không tuân theo. Nếu Việt Nam áp dụng những luật này thì các thế lực thù địch lại nhao nhao lên kết án là phi dân chủ, phi tự do. Trong bài phê bình Thư nhận định và góp ý của Hội đồng Giám mục Việt Nam, giáo dân Nguyễn Trọng Nghĩa cũng có nhận định như sau: “Quyền tự do ngôn luận hẳn không phải bao gồm quyền “phỉ báng” hay xúc phạm đến người khác hay xuyên tạc nói không đúng một cách cố ý… Quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật cũng không bao gồm sáng tạo nên các tư tưởng cực đoan hay mê tín, đó cũng không phải là quyền sáng tạo hay dựng đứng sự việc để bài xích một hệ tư tưởng khác… Cũng thế, quyền tự do tín ngưỡng cũng bao gồm quyền tự do không tín ngưỡng và cũng không được nâng tôn giáo mình lên và hạ thấp tôn giáo khác”. Ðây là những ý kiến xác đáng, không ai có thể dựa vào quyền của con người để muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói. Mọi quyền đều có giới hạn. Chúng ta thấy, họ còn chưa nắm vững về lập hiến, ban hành Hiến pháp, về nhân quyền trong vòng pháp luật, nói chi đến những người dân thường ít hiểu biết. Cần có một kiến thức ở trình độ nào mới có thể tham gia sửa đổi Hiến pháp. Dân trí phải tới mức độ nào, phải ý thức được trách nhiệm xã hội trong khi sử dụng các quyền cá nhân, mới có thể đi đến dân chủ. Dục tốc bất đạt, đừng vội vã lao đầu vào dân chủ, đa nguyên, đa đảng trước khi người dân hiểu rõ trách nhiệm, giới hạn của mình trong xã hội và trong quốc gia. Những thư góp ý đó đây, kể cả kiến nghị, đều kêu gọi phải để cho dân làm chủ thì mới là dân chủ. Cho nên, để thỏa mãn lòng dân, bản Hiến pháp ít ra cũng phải có cả triệu điều khoản, nếu không thì lại bị lên án là Hiến pháp phi dân chủ, không theo ý dân, ý giáo luật, ý dân biểu Mỹ, ý các cơ quan truyền thông ngoại quốc như BBC VN, RFA, RFI, hay ý của các tổ chức như HRW, v.v. là không có tự do tôn giáo, không coi trọng nhân quyền, không tôn trọng quyền mê tín, không tôn trọng quyền nói bậy trong Tòa như Nguyễn Văn Lý, không tôn trọng quyền liên lạc với các tổ chức chống đối ở nước ngoài âm mưu lật đổ chính quyền… !”.
– Về vấn đề Chủ nghĩa Marx có tính chất vô thần hay không, sau khi khẳng định: “Bất cứ người nào có đôi chút kiến thức cũng phải hiểu rằng: Cộng sản là một hệ thống chính trị xã hội – kinh tế (Communism is a socio-economic political system) trong khi vô thần là một lập trường đối với các tôn giáo (thần giáo),… khi nói “chủ nghĩa Mác – Lê-nin tự thân là chủ nghĩa vô thần” hay “cộng sản vô thần” là quý ngài đã đề cao chủ nghĩa Mác – Lê-nin cũng như cộng sản, đồng thời tự chứng tỏ là sự hiểu biết của mình còn kém cỏi, không bằng hiểu biết của giáo dân Nguyễn Trọng Nghĩa”. Giáo sư Trần Chung Ngọc trích dịch hai ý kiến có tính khách quan về cộng sản và vô thần:
Từ thuyết trình của Emmett F.Fields: “Vô thần là một thái độ, một khung trí tuệ nhìn thế giới một cách khách quan, không sợ hãi, luôn luôn tìm hiểu mọi sự việc như là một phần của thiên nhiên. Có thể nói rằng vô thần có một giáo lý là phải đặt nghi vấn và một tín lý là phải nghi ngờ. Ðó là trí tuệ con người trong môi trường thiên nhiên, không có gì là quá thánh thiện để không được tìm hiểu, không có gì là quá thiêng liêng để không được đặt nghi vấn. Cuốn Thánh kinh của người vô thần, có thể nói như vậy, chỉ có một từ: “HÃY SUY NGHĨ”. Vô thần là sự giải thoát hoàn toàn của đầu óc con người khỏi những xiềng xích của sợ hãi và mê tín. Vô thần tuyệt đối không có gì tiêu cực; sự thật không bao giờ có thể là tiêu cực. Vô thần đòi hỏi chứng minh, hay ít nhất là những bằng chứng hợp lý, và chỉ bác bỏ những gì không đáp ứng được sự đòi hỏi của sự hiểu biết thông thường. Trong suốt lịch sử, mọi tiến bộ trong xã hội có được là từ sự nghi ngờ và loại bỏ những ý tưởng, những tập quán, và những niềm tin cũ kỹ (vì không còn đúng). Cái cây kiến thức nhân loại chết khi nó đang mọc lớn, với những cành lá mới mọc từ những phần đang chết, và thay thế những phần này với những niềm tin chân thật và tốt đẹp hơn”.
Ý kiến của tác giả Jim Walker từ bài viết Những huyền thoại về cộng sản và vô thần: “Chủ nghĩa Cộng sản là một hệ thống niềm tin về kinh tế và chính trị xã hội, đặt căn bản trên sở hữu cộng đồng thay vì tư nhân. Chủ nghĩa này không nói bất cứ điều gì để đẩy mạnh chủ trương vô thần hay diệt trừ tôn giáo… Có lẽ lý do mà người ta hay nói đến nhất để kết nối chủ nghĩa vô thần với chủ nghĩa cộng sản là từ lời phát biểu của Karl Marx: “Tôn giáo là tiếng thở dài của những tạo vật bị đàn áp, trái tim của một thế giới vô tâm, cũng như nó là tâm linh của một tình trạng vô tâm linh. Ðó là thuốc phiện của con người”. Lời tuyên bố này không bắt nguồn từ triết lý cộng sản của Marx, mà có vẻ ông muốn chỉ trích “triết lý về Quyền” của Hegel. Lời tuyên bố trên cũng không biểu thị chủ nghĩa vô thần hay về không có mặt của Gót (God – Thượng đế), mà chỉ là nhận định về tôn giáo. Chúng ta nên để ý là có nhiều người tin Gót nhưng từ chối tôn giáo và đồng ý với lời tuyên bố của Marx. Thí dụ, các cá nhân Tin lành thuần túy cũng tin đúng như Marx. Marx đã giải thích rõ về nhận định nói trên của ông: “Do đó, Nhà nước có thể tự giải phóng ra khỏi tôn giáo ngay cả khi tuyệt đại đa số người dân vẫn còn theo tôn giáo. Và tuyệt đại đa số người dân vẫn thực hành tôn giáo trong đời tư. Sự giải phóng của Nhà nước ra khỏi tôn giáo không phải là sự giải phóng của con người ra khỏi tôn giáo” [Karl Marx (Bruno Bauer, The Jewish Question, Braunschweig, 1843)]. Nghe chẳng có vẻ gì là vô thần cả, hoàn toàn không có… “.
Theo Nhandan
Ý kiến ()