Thiết nghĩ, để thư viện cũng như các tủ sách cơ sở hoạt động đi vào nền nếp, hiệu quả, thực sự là một thiết chế văn hóa gần gũi và hết sức thiết thực với mỗi người dân trên địa bàn thì rất cần có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa từ phía các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, cơ sở. Cụ thể như giải bài toán nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đầu tư, bố trí cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thư viện được tiện lợi. Kịp thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng độc giả, trong đó, quan tâm tới việc bổ sung các đầu sách báo phù hợp với đặc điểm nhu cầu, đối tượng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác phối hợp, tăng cường công tác luân chuyển sách, phát huy các cách làm sáng tạo trong hoạt động thư viện. Nhưng quan trọng hơn, cần phải khơi dậy được phong trào đọc sách báo trong đông đảo các tầng lớp nhân dân…
LSO-Thư viện xã là một thiết chế gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân ở cơ sở. Khi thiết chế này phát huy hiệu quả sẽ góp phần quan trọng vào khơi dậy văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.
|
Cán bộ văn hóa xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan sắp xếp lại tủ sách |
Thư viện xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan, được ngành chức năng bàn giao vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lương Văn Tri (năm 2010). Thư viện có hơn 1000 cuốn sách các loại. Ngoài ra còn có thêm một số loại báo và tạp chí. Tuy nhiên, sau một năm hoạt động cũng đặt ra những vấn đề cần giải quyết, nhưng chủ yếu vẫn là làm thế nào để phát huy hiệu quả. Phòng đọc của thư viện hiện được đặt luôn tại văn phòng làm việc của cán bộ văn hóa – xã hội và cán bộ nông lâm xã. Độc giả muốn đọc thì có thể ngồi đọc ngay tại bàn đặt tại văn phòng này. Song thực tế cho thấy, lượng bạn đọc đến với thư viện ít. Ngày hè, lượng bạn đọc còn ít hơn.
Anh Vi Văn Hướng, cán bộ văn hóa – xã hội của xã cho biết, ngay sau khi được tiếp nhận sách đã làm thông báo xuống các thôn, các trường học trên toàn xã. Tuy nhiên, lượt bạn đọc đến với thư viện còn ít. Thứ nữa là do tủ sách, phòng đọc lại ở cùng với văn phòng làm việc của cán bộ xã nên hoạt động cũng còn nhiều hạn chế. Mặt khác, những hướng dẫn để thư viện hoạt động còn thiếu… Về vấn đề thư viện xã Trấn Ninh, lãnh đạo phòng Văn hóa và Thông tin huyện Văn Quan cho biết, thời gian tới sẽ có sự hướng dẫn, đôn đốc cụ thể để hoạt động ngày càng nền nếp hơn. Trong đó, chú ý đến việc nghiên cứu nhu cầu của độc giả để có sự đáp ứng phù hợp.
Tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, thư viện được bàn giao từ năm 2009 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ. Nhà thư viện được xây dựng trong khuôn viên trụ sở UBND xã, khá khang trang, thuận tiện. Tuy nhiên, thời gian qua, do khó khăn về nhân lực, kinh phí… nên hoạt động còn cầm chừng. Nhưng từ tháng 8/2011, xã đã bố trí được cán bộ phụ trách và đưa thư viện đi vào hoạt động. Anh Hoàng Văn Thắng, cán bộ mới được phân công phụ trách mảng quản lý văn hóa và thư viện cho biết, thời gian tới, sẽ mở cửa thường xuyên để tạo điều kiện cho bà con nhân dân đến đọc sách, khai thác vốn sách của thư viện.
Trao đổi với lãnh đạo xã, ông Hoàng Quốc Khợ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, việc đưa thư viện đi vào hoạt động thường xuyên là một trong những hoạt động thiết thực góp phần vào việc nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức của bà con về các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội thông qua thông tin, kiến thức có trong các loại sách, báo. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, việc nâng cao nhận thức của bà con về ý nghĩa, mục đích, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ vô cùng quan trọng. Do đó, thư viện đi vào hoạt động sẽ góp phần vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con… Trong thời gian tới, bên cạnh việc bố trí các bàn đọc sách thuận tiện cho độc giả đến thư viện thì xã còn dự kiến xây dựng khuôn viên đọc sách ngay trước cửa thư viện, vừa tạo cảnh quan văn hóa, vừa tạo điều kiện cho bà con có nhiều chỗ ngồi đọc sách báo hơn.
Có thể khẳng định, khi được tiếp nhận thư viện, vốn sách, báo, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có sự quan tâm đến việc phát huy các thư viện, tủ sách này. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khách quan, chủ quan như vấn đề nhân lực, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất hạ tầng, rồi chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ phụ trách, nguồn sách báo, tài liệu, thói quen đọc sách, báo của bà con… nên thư viện hoạt động còn chưa thực sự như mong muốn cũng là điều dễ hiểu.
Thiết nghĩ, để thư viện cũng như các tủ sách cơ sở hoạt động đi vào nền nếp, hiệu quả, thực sự là một thiết chế văn hóa gần gũi và hết sức thiết thực với mỗi người dân trên địa bàn thì rất cần có sự quan tâm sâu sắc hơn nữa từ phía các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương, cơ sở. Cụ thể như giải bài toán nhân lực, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đầu tư, bố trí cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thư viện được tiện lợi. Kịp thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng độc giả, trong đó, quan tâm tới việc bổ sung các đầu sách báo phù hợp với đặc điểm nhu cầu, đối tượng trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác phối hợp, tăng cường công tác luân chuyển sách, phát huy các cách làm sáng tạo trong hoạt động thư viện. Nhưng quan trọng hơn, cần phải khơi dậy được phong trào đọc sách báo trong đông đảo các tầng lớp nhân dân…
Hoàng Thịnh
Ý kiến ()