Nguyện vọng của trí thức trẻ
Đến Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chúng tôi gặp một số gương mặt trí thức trẻ như Nguyễn Vũ Giang, Lê Thu Quý… Nhận công tác tại viện năm 1997, được tin tưởng giao nhiệm vụ, đảng viên trẻ, tiến sĩ Nguyễn Vũ Giang đã tham gia nghiên cứu thành công dự án khoa học “Hoàn thiện công nghệ chế tạo polyme blend, sản xuất căn nhựa, cóc ray phục vụ ngành đường sắt”. Kết quả công trình nghiên cứu của anh đã được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Anh đoạt giải ba Giải thưởng VIFOTEC năm 2005 và Giải thưởng Công trình sáng tạo trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2006. Nguyễn Vũ Giang tâm sự, trở thành đảng viên là sự ghi nhận của lãnh đạo, cấp ủy và quần chúng đối với những đóng góp của trí thức trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, tạo động lực tinh thần cho những người trẻ tiếp tục cống hiến trí tuệ cho nền khoa học công nghệ nước nhà. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Trung (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) nói với chúng tôi: “Từ khi còn là một đoàn viên, tôi luôn ý thức phấn đấu hoàn thiện mình cả chuyên môn lẫn đạo đức để trở thành đảng viên. Tôi cảm thấy vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.
Đoàn Thanh niên cơ quan Thành ủy Hà Nội có hơn 90% số đoàn viên có trình độ đại học và trên đại học. Trí thức trẻ ở đây có điều kiện thuận lợi vì được làm việc trong các cơ quan tham mưu của thành ủy; tích cực tham gia công tác nghiên cứu khoa học; trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao kế tục sự nghiệp của Đảng. Từ đầu năm đến nay, cơ quan thành ủy đã có thêm bốn đoàn viên ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Đồng chí Phạm Thị Nguyên Hạnh, Bí thư Đoàn Thanh niên Khối các cơ quan TP Hà Nội nhận xét, những trí thức trẻ Thủ đô tâm huyết với Đảng xuất hiện ngày càng nhiều. Họ là những cá nhân tiêu biểu, có sức tập hợp và cổ vũ phong trào thi đua ở các cơ quan, đơn vị, tạo nguồn kết nạp Đảng chất lượng cao. Từ năm 2009 đến nay, hơn 400 trí thức trẻ Khối các cơ quan TP Hà Nội được kết nạp Đảng.
Tạo điều kiện cho trí thức trẻ phấn đấu
Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy là cách làm của Chi bộ Viện Kỹ thuật nhiệt đới. Đồng chí Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, cho biết, Chi bộ viện có mấy năm không kết nạp được đảng viên do quá chú trọng công tác chuyên môn. Quá trình khắc phục hạn chế, là lúc vai trò, trách nhiệm của cấp ủy được phát huy. Ngoài việc đặt chỉ tiêu phát triển Đảng hằng năm, cấp ủy đã trao đổi với lãnh đạo Viện mạnh dạn giao việc để trí thức trẻ chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng khoa học – công nghệ và dịch vụ kỹ thuật, tạo cơ hội để họ phát huy năng lực, trình độ, đồng thời giúp cán bộ trẻ nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, yên tâm gắn bó với công việc. Từ năm 2009 đến nay, năm nào chi bộ cũng kết nạp hai đảng viên, nâng tổng số đảng viên của chi bộ lên 18 đồng chí. Nhiều năm liên tục, chi bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh.
Tạo cơ chế ưu đãi, mời gọi sinh viên giỏi vào làm việc trong hệ thống chính trị các cấp nhằm tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng nguồn đảng viên là biện pháp được nhiều cấp ủy triển khai. Tại Viện Nghiên cứu Kinh tế – Xã hội, TP Hà Nội, khi các trí thức trẻ về làm việc tại viện, đủ điều kiện trong diện biên chế chính thức, nếu có nguyện vọng nâng cao trình độ, đều được hưởng chính sách ưu đãi về đào tạo. Cụ thể, làm luận án tiến sĩ trong nước, ngoài việc được hưởng nguyên lương, người đi học được hỗ trợ chi phí học tập; khi bảo vệ luận án được hỗ trợ số tiền bằng 80 lần mức lương cơ bản. Đây cũng là chủ trương trọng dụng nhân tài của thành phố Hà Nội. Hiện nay, số lượng trí thức trẻ có độ tuổi dưới 35 chiếm khoảng 65% tổng số hơn 60 cán bộ của viện, trong số đó, nhiều người đang theo học chương trình cao học và nghiên cứu sinh. Ước tính năm năm nữa, số trí thức có trình độ trên đại học ở viện sẽ đạt hơn 50%. Với nguồn phát triển đảng dồi dào như vậy, Chi bộ viện đặt chỉ tiêu hằng năm kết nạp ít nhất hai quần chúng ưu tú vào Đảng. Đến nay, Chi bộ có 21 đảng viên, trong đó có 10 đảng viên ở độ tuổi dưới 40.
Nguyễn Hoàng Quân sinh năm 1981, đã hoàn thành chương trình tiến sĩ chuyên ngành cơ năng lượng tại Pháp; được kết nạp Đảng tháng 3-2011. Sau bảy năm tu nghiệp ở nước ngoài, anh về nước làm việc, trở thành giảng viên Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Quân bộc bạch: “Ra nước ngoài học tập để trở về phục vụ đất nước, được đứng trong hàng ngũ của Đảng là niềm vinh dự, đồng thời tạo cho tôi có điều kiện cống hiến tốt hơn”. Đồng chí Trương Mạnh Sơn, Bí thư Đảng ủy Ngoài nước, cho biết, hiện nay có hơn 90 nghìn lưu học sinh đang học tập ở gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phần lớn trong số họ là những sinh viên ưu tú, nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai gần. Vì vậy, Đảng ủy Ngoài nước luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc để trí thức trẻ hướng về đất nước, về Đảng. Đảng ủy Ngoài nước đã vận dụng sáng tạo việc tổ chức học tập bồi dưỡng nguồn kết nạp Đảng. Quy trình kết nạp cũng được xây dựng phù hợp thực tiễn ngoài nước, nhưng phải bảo đảm tiêu chuẩn theo Điều lệ Đảng. Tổ chức Đoàn Thanh niên, hội sinh viên được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo môi trường để lưu học sinh tìm hiểu thông tin trong nước, tìm hiểu về Đảng. Từ năm 2001 đến nay, số lượng đảng viên được kết nạp Đảng ở ngoài nước tăng dần mỗi năm, trong đó phần lớn là trí thức trẻ.
Cuộc vận động “Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” do T.Ư Đoàn phát động đã mang lại kết quả là tăng số lượng đoàn viên thanh niên được kết nạp Đảng, trong đó phần đông học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức trẻ. Năm 2010, toàn Đoàn giới thiệu với Đảng 293.675 đoàn viên ưu tú, trong đó 125.998 đồng chí được kết nạp, chiếm 67,68% tổng số đảng viên được kết nạp. Sáu tháng đầu năm 2011, số đoàn viên được kết nạp Đảng là 60.325 người, tăng 2,58% so với cùng kỳ .
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Theo số liệu của Ban Tổ chức T.Ư, giai đoạn 2006 – 2010, toàn Đảng đã kết nạp hơn 358.000 trí thức (có trình độ từ cao đẳng trở lên) trên tổng số 936.719 đảng viên được kết nạp. So với số lượng hàng triệu trí thức, nhất là trí thức trẻ đang công tác, học tập tại tất cả các ngành, lĩnh vực, thì con số này chưa phải nhiều.
Đi tìm nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ vướng mắc, chúng tôi nhận thấy một thực tế, nhiều chi bộ có trí thức trẻ học tập, làm việc nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên, do cấp ủy chưa thật sự quan tâm công tác phát triển Đảng. Ở không ít cấp ủy, lãnh đạo còn thiếu khách quan, chưa coi chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ của trí thức trẻ làm thước đo chính để đánh giá, xem xét, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đội ngũ trí thức thường chú tâm chuyên môn, nghiên cứu khoa học, ít tham gia các hoạt động xã hội. Lý do nữa là, chính sách đãi ngộ và môi trường làm việc trong các cơ quan, tổ chức nhà nước hiện nay chưa tạo đủ điều kiện thuận lợi cho trí thức trẻ phát huy hết năng lực. Thực tế tại Hà Nội, đã có thủ khoa đại học được tuyển vào cơ quan nhà nước làm việc với những chính sách ưu đãi trả lương và chi phí đào tạo, nhưng sau hơn một năm làm việc đã hoàn lại tiền đào tạo để chuyển công việc khác.
PGS, TS Trương Vũ Bằng Giang (sinh năm 1973), Chủ nhiệm Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế hỗ trợ, tạo môi trường làm việc thuận lợi để giữ người tài. Khi được hỏi vì sao anh vẫn còn là… quần chúng ưu tú? Bằng Giang cho biết, phấn đấu vào Đảng là quá trình dài, cần sự nỗ lực từ hai phía cá nhân và tổ chức. Phần chủ quan, tôi đã không có thời gian làm việc liên tục tại một đơn vị (khoa), về phía khách quan, cần sự quan tâm đúng mức của tổ chức. Trí thức trẻ có nguyện vọng đến với Đảng rất cần sự quan tâm từ các cấp ủy đảng. Công tác kết nạp đảng viên là học sinh, sinh viên cũng đặt ra những vấn đề cần xem xét, điều chỉnh. Đồng chí Phạm Duy Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, mỗi năm nhà trường tuyển sinh khoảng 2.000 sinh viên, nhưng chỉ khoảng 10 sinh viên được kết nạp Đảng là quá ít. Hai năm đầu, sinh viên học đại cương, ít gắn bó với nhà trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, nên việc phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên chủ yếu là vào hai năm học cuối. Khi sinh viên là đảng viên ra trường, Đảng ủy nhà trường cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý, chuyển sinh hoạt đảng. Nhất là với những đảng viên sinh viên chờ xin việc, học thêm và làm thêm trong thời gian dài, vẫn sinh hoạt tại chi bộ của trường. Đồng chí Nguyễn Quang Dung, Phó Vụ trưởng Vụ đảng viên, Ban Tổ chức T.Ư cho biết, với những trường hợp này, để giúp cấp ủy nhà trường trong công tác quản lý đảng viên, Vụ đang tham mưu, đề xuất thành lập chi bộ lưu sinh viên tại các trường đại học. Thời gian sinh hoạt đảng của đảng viên là sinh viên ra trường sẽ kéo dài thêm 12 tháng.
Đảng ta luôn coi trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế tri thức. Vì vậy, ngoài việc tháo gỡ những vướng mắc về tạo nguồn, quy trình, thủ tục kết nạp, cấp ủy các cấp cần quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng lý tưởng; tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc để thu hút ngày càng
nhiều trí thức trẻ đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Ý kiến ()