Thứ 2, 25/11/2024 10:05 [(GMT +7)]
Ðể thu hút du khách đến Việt Nam
Chủ nhật, 11/09/2011 | 09:20:00 [(GMT +7)] A A
Theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ tháng 1-2011 đến tháng 8-2011, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số 3.963.000 lượt khách, tăng 18,4% so cùng kỳ năm 2010. Và có một điểm đáng chú ý là lượng khách du lịch từ tất cả các thị trường đều có mức tăng cao so cùng kỳ năm 2010.
Đây là những con số đáng quan tâm trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều diễn biến phức tạp. Nhìn một cách toàn diện, con số khả quan trên đây là kết quả của rất nhiều yếu tố, như chủ động triển khai kế hoạch xây dựng, phát triển du lịch từ những năm trước; xây dựng cơ sở vật chất, có nhiều loại hình du lịch, phát huy được một số dấu ấn văn hóa riêng trong hoạt động du lịch; đồng thời chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ở cả trong nước và ngoài nước với các hình thức, phương tiện đa dạng…
Tuy nhiên, để du khách sẽ trở lại Việt Nam, có lẽ ngành du lịch còn phải tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng. Bởi thực tế cho thấy, tình trạng “mạnh ai nấy làm”, “treo đầu dê bán thịt chó”, mô phỏng lẫn nhau, tùy tiện trong phục vụ,… vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở một số điểm du lịch. Đặc biệt là việc sản xuất và bán hàng lưu niệm đang có nguy cơ trở nên nhàm chán, bởi hầu như ở mọi điểm du lịch, quanh đi quẩn lại chỉ có hàng thổ cẩm dệt công nghiệp, nón lá, sáo trúc, sản phẩm làm từ đá và vật liệu khai thác từ biển,… hầu như rất ít các sản phẩm mang đặc sắc riêng của mỗi vùng.
Bên cạnh đó là một số sản phẩm gia công cẩu thả, nhanh hỏng, gãy, sớm phai mầu, chưa nói có sản phẩm bị tô vẽ sai lạc với “mã văn hóa” của sản phẩm gốc… Về tình trạng trên, một bài báo gần đây cho biết: “Vào cuối tháng 8 tại Phlo-ren-xơ sẽ diễn ra một cuộc họp quan trọng với sự tham gia của thị trưởng và giới chức năng du lịch thuộc năm địa danh du lịch nổi tiếng nhất ở I-ta-li-a. Nội dung là nhằm loại trừ các món quà lưu niệm làm ố danh tài sản văn hóa du lịch I-ta-li-a. Hiện nay, tại Pi-sa, ai bị bắt chào bán cho du khách những chiếc quần soọc in hình tháp nghiêng sẽ bị phạt 500 ơ-rô”.
Kinh tế đất nước phát triển, mức sống ngày càng nâng cao thì nhiều nhu cầu sẽ mở rộng và đòi hỏi cao hơn về chất lượng, trong đó có nhu cầu du lịch. Mà đáp ứng nhu cầu du lịch không chỉ là đáp ứng nhu cầu văn hóa, quảng bá văn hóa, giải trí và mở mang hiểu biết, mà còn là một nguồn thu rất quan trọng. Các năm gần đây, vào dịp nghỉ lễ và ngày hè, mọi khu du lịch trên cả nước đều tấp nập du khách. Sự phong phú đó tạo ra cơ sở thực tế của Việt Nam trong quá trình phát triển “ngành công nghiệp không khói”. Từ những ưu thế riêng về điều kiện tự nhiên, từ nét bản sắc riêng về văn hóa, Việt Nam là một đất nước giàu tiềm năng du lịch. Chính vì thế, để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 thu hút từ bảy đến tám triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ từ 32 đến 35 triệu lượt khách nội địa, đóng góp 6% GDP cho nước nhà… thì trước hết là phụ thuộc vào tầm nhìn, khả năng đầu tư, phối hợp tổ chức, phục vụ với chất lượng ngày càng cao hơn của các ngành liên quan, của doanh nghiệp và người dân.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()