Để thị trường trái phiếu lớn mạnh, còn nhiều việc phải làm
Cơ cấu chưa đa dạng, tỷ trọng còn thấp so với tiềm năng
Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu Chính phủ tuy đang dần cải thiện những vẫn chưa đa dạng, vẫn còn phụ thuộc vào một số nhà đầu tư như ngân hàng thương mại (NHTM) dù gần đây có sự cải thiện ít nhiều.
Phân tích về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính -Bộ Tài chính cho rằng: về cơ cấu nhà đầu tư, như vừa nói ở trên, thời gian qua có sự thay đổi căn bản theo hướng giảm tỷ lệ nắm giữ của các NHTM, tăng tỷ lệ nắm giữ của BHXH, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư. Năm 2014, tỷ lệ nắm giữ TPCP của NHTM là 79,7% đến nay đã giảm xuống còn 51,1%. Nếu so với Trung Quốc, Thái Lan thì còn thấp hơn (lần lượt là 68% và 60%). Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, Bộ Tài chính còn đẩy mạnh sự tham gia của Bảo hiểm Xã hội mua bán trên thị trường TPCP theo nguyên tắc thị trường giống như một thành viên thị trường, làm cho thị trường ngày càng đa dạng hơn về hệ thống nhà đầu tư.
Tuy nhiên, dù thị trường trái phiếu có cải thiện nhất định nhưng nếu so với tiềm năng của nền kinh tế và các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam vẫn còn nhỏ. Tính đến thời điểm tháng 7/2018, dư nợ thị trường trái phiếu Việt Nam là 39,9% GDP năm 2017 trong đó dư nợ thị trường TPCP là 29,2% GDP năm 2017. Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, quy mô thị trường trái phiếu của Malaysia là 95% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,7% GDP); Singapore là 81,1% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,6% GDP), Thái Lan là 73% GDP (thị trường TPCP chiếm 53% GDP), Hàn Quốc là 124,6% GDP (thị trường TPCP chiếm 73,6% GDP), Trung Quốc là 68,8% GDP (thị trường TPCP chiếm 49,8% GDP).
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của việc quy mô thị trường TPCP Việt Nam vẫn còn nhỏ so với một số các quốc gia trong khu vực như trên là do sự phát triển của nền kinh tế còn ở mức độ thấp nên nguồn vốn tiết kiệm dài hạn từ các công ty bảo hiểm, các quỹ hưu trí bắt buộc còn hạn chế, trong khi hệ thống các quỹ hưu trí tự nguyện đang bắt đầu hình thành. Hoạt động của nhà tạo lập thị trường chủ yếu tập trung trên thị trường sơ cấp, vai trò trên thị trường thứ cấp còn hạn chế. Hạ tầng kỹ thuật còn chưa theo kịp với tốc độ phát triển của thị trường thời gian qua.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính thống kê, tính đến thời điểm cuối năm 2017, dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 6,19% GDP, tăng so với quy mô của năm 2011 (3,31% GDP). Khối lượng phát hành bình quân giai đoạn 2011 – 2017 khoảng 49 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó khối lượng phát hành năm 2017 gấp hơn 10 lần so với năm 2011. Mặc dù quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có sự tăng trưởng trong thời gian gần đây nhưng còn nhỏ so với quy mô của kênh tín dụng ngân hàng (tương đương 130% GDP). Dư nợ thị trường TPDN Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân khoảng 20%-50% GDP của các nước trong khu vực và chưa tương xứng với tiềm năng của nền kinh tế.
Theo một khảo sát về thực trạng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng phản ảnh thực tế này với 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy vậy, dư nợ tín dụng của mô hình doanh nghiệp này ở mức 22-25% nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế.
Nguyên nhân của việc thị trường chưa phát triển mạnh là do đa phần các doanh nghiệp chưa nhận thức rõ ràng về thị trường vốn nên khi có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp sẽ nghĩ ngay đến kênh tín dụng ngân hàng. Các tổ chức phát hành, các doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi huy động vốn trái phiếu, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân là do thói quen và nhận thức của doanh nghiệp, cùng với việc quy trình, thủ tục vay vốn ngân hàng đơn giản hơn, chi phí có thể thấp hơn và đặc biệt là không phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đối với nhà đầu tư mua trái phiếu. Nhà đầu tư, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường TPDN chưa đa dạng, thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn, các nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ đầu tư mục tiêu, quỹ hưu trí nên nhu cầu đầu tư trên thị trường thiếu bền vững…
Cần triển khai giải pháp đồng bộ để cung-cầu gặp nhau
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó đặt mục tiêu phát triển thị trường TPCP thành kênh huy động vốn cơ bản cho ngân sách nhà nước (NSNN) và trở thành thị trường chuẩn để phát triển thị trường tài chính.
Theo các chuyên gia việc cần làm ngay hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn, tạo điều kiện cho cung – cầu vốn gặp nhau, không nên tạo ra nhiều hàng rào kỹ thuật can thiệp vào tính thị trường trên thị trường vốn. Đồng thời, để trái phiếu doanh nghiệp thêm hấp dẫn nhà đầu tư, cần cải thiện tính minh bạch của các doanh nghiệp Việt.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền- Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính-Bộ Tài chính, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra, trong thời gian tới, Bộ Tài chính tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Trước tiên, đối với thị trường sơ cấp, cần phát triển các sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu, vận hành thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh. Đồng thời, cần phát hành đều đặn, liên tục các kỳ hạn để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư; tiếp tục tái cơ cấu sản phẩm để tăng tính bền vững của danh mục nợ TPCP.
Đối với thị trường thứ cấp, cần thực hiện các giải pháp nhằm tăng thanh khoản trên thị trường, tăng quy mô giao dịch.
Đối với phát triển nhà đầu tư, cần đa dạng hoá các đơn vị như: Bảo hiểm xã hội tham gia mua, bán trái phiếu Chính phủ trên thị trường để tiếp tục cơ cấu lại nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu; phát triển cơ sở nhà đầu tư nước ngoài, quan tâm thu hút nhà đầu tư dài hạn; phát triển các quỹ hưu trí tự nguyện, các sản phẩm bảo hiểm hữu trí tự nguyện.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, định hướng phát triển thị trường trái phiếu để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện cơ quan này đang phối hợp với các Bộ ngành triển khai đồng bộ một số giải pháp. Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 90 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trong đó nới lỏng điều kiện phát hành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu gắn với việc tập trung vào nhà đầu tư có tổ chức, tăng cường cơ chế công bố công khai thông tin của doanh nghiệp phát hành để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sẽ đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, có chính sách khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư dài hạn như doanh nghiệp bảo hiểm, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách đầu tư của BHXH để trình cấp có thẩm quyền cho phép BHXH đầu tư một phần vào các TPDN có xếp hạng tín nhiệm cao. Về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường năng lực quản trị công ty, chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, nâng cao nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp, tăng cường thông tin tuyên truyền để các doanh nghiệp quan tâm và tham gia huy động vốn qua phát hành trái phiếu…
Để tăng cường tính minh bạch, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP ngày 26/09/2014 quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 507/QĐ-TTg về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay cũng mới có 1 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, có 3 doanh nghiệp nước ngoài đang nghiên cứu thị trường Việt Nam và thể hiện sự quan tâm trong thời gian tới.
Theo Bộ Tài chính, cần thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch Chứng khoán đồng thời với việc cải tiến cơ chế công bố thông tin về phát hành TPDN để tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình huy động vốn trái phiếu.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()