Để thị trường lao động Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững
Thị trường lao động hiện nay đã chuyển biến tích cực và dần phục hồi trở lại nhờ chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên.
Dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19 nhưng thị trường lao động đang dần phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá nhờ các giải pháp thích ứng linh hoạt, các chính sách hỗ trợ chưa từng có trong tiền lệ.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc mở ra khả năng phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong năm nay.
Những tín hiệu tích cực
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, bất chấp những phức tạp từ đại dịch COVID-19, thị trường lao động hiện nay đã chuyển biến tích cực và dần phục hồi trở lại nhờ chiến lược thích ứng an toàn và tăng độ phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên.
Đánh giá này của cơ quan thống kê dựa trên khảo sát trong quý 1/2022 đối với lực lượng lao động, số người có việc làm đầu năm nay và thu nhập bình quân tháng của người lao động.
Hầu hết các chỉ số đều tăng hoặc giảm mang ý nghĩa tích cực so với thời gian trước, trong đó đáng chú ý, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng hơn 130.000 người so với cùng kỳ năm trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi khoảng 1,3 triệu người, giảm hơn 130.000 người so với quý trước.
Điểm tích cực nữa là thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,4 triệu đồng, tăng so với trước. Trong số đó, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong các khu vực kinh tế.
Tình hình thất nghiệp ở thời điểm này cũng đã khả quan hơn khi số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động vào thời điểm này khoảng 1,1 triệu người, giảm gần nửa triệu người so với quý trước.
Theo Tổng cục Thống kê, chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP với các giải pháp cụ thể, như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, đã làm cho thị trường lao động hiện nay khởi sắc hơn, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở cuối năm trước.
Thị trường lao động dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế cũng giúp đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động phục hồi mạnh mẽ.
Trước những tín hiệu lạc quan từ thị trường lao động, nhiều chuyên gia cho rằng, với các giải pháp thích ứng linh hoạt của Chính phủ, thị trường lao động đang nhanh chóng phục hồi.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, dịch COVID-19 khiến người lao động buộc phải ngừng việc, nhưng hiện nay, Chính phủ đã linh hoạt mở cửa nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp… Do đó, nhu cầu tăng lên, người lao động sẽ có nhiều cơ hội việc làm trở lại.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng đang tiếp tục tăng lên, đặc biệt ở thời điểm đầu năm 2022. Các vị trí công nhân sản xuất tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng rất lớn trong thời gian này, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, điện, điện tử, giao nhận hàng, thương mại dịch vụ, bán buôn bán lẻ.
Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ tăng tuyển dụng như tại các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, siêu thị… Riêng một số nhóm ngành về công nghệ thông tin hay ngân hàng vẫn tiếp tục có xu hướng tuyển dụng liên tục, thậm chí tăng lên.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), nếu COVID-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp cần tuyển 280.000-310.000 lao động; trong đó nhu cầu nhân lực của quý 2 trên 72.000, quý 3 gần 74.000 và quý 4 khoảng 77.000. Còn đối với trường hợp dịch vẫn phức tạp, nhu cầu nhân lực của thành phố cũng rơi vào khoảng 255.000-280.000 người.
Phát triển thị trường lao động
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến, mặc dù có nhiều khởi sắc vào quý 1/2022 nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh và tăng nhiều ở một số khu vực. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao.
Lao động tự sản, tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.
Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như: tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Cùng với đó, Chính phủ cần triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…
Thông tin về các giải pháp nhằm hỗ trợ khôi phục thị trường lao động, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết Cục Việc làm trực tiếp chỉ đạo 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm trên toàn quốc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại địa phương và kết nối với các tỉnh, thành phố khác để kịp thời cung ứng nguồn lao động.
Bên cạnh đó, Cục đề nghị các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ người lao động như giảm tiền nhà trọ, hỗ trợ tiền đi lại để họ quay trở lại thị trường.
Theo ông Vũ Trọng Bình, khoảng 3,4 triệu lao động sẽ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Đây là sự chia sẻ, hỗ trợ giúp người lao động còn khó khăn về nhà ở để họ yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất cùng với người sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp “giữ chân” được người lao động để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Chính sách này cũng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giữ chân người lao động làm việc, hạn chế việc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu lao động.
“Đặc biệt, chính sách này hướng tới mục tiêu thu hút trở lại những lao động do tác động của đại dịch COVID-19 đã phải rời bỏ thành phố về quê,” ông Vũ Trọng Bình nói.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế, hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, việc làm là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tới.
Theo ông Đào Ngọc Dung, nhiệm vụ mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt ra trong năm 2022 là duy trì lực lượng lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các trung tâm tăng trưởng; tăng cường các biện pháp giữ chân người lao động đang làm việc, không để đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn lao động cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ người lao động được vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm.
Trong bối cảnh đó, mới đây Chính phủ đã ban hành chương trình hành động cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, chương trình đã nêu rõ việc phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Trong số đó, để phát triển thị trường lao động, Chính phủ giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu hoàn thiện khung pháp luật về phát triển thị trường lao động, nghiên cứu xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm trình Chính phủ và Quốc hội xem xét theo hướng phù hợp với các hình thái việc làm mới, quan hệ lao động mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()