Đề thi ĐH, CĐ không có phần học vẹt, học thuộc lòng
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, đề thi ĐH năm nay trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đối với đề thi các môn xã hội, tiếp tục ra theo hướng mở. Cách học vẹt, học thuộc lòng sẽ không còn phù hợp.
Thứ trưởng Ga cho hay, Ban đề thi của Bộ gồm có các giảng viên ĐH, giáo viên THPT đại diện các khu vực, vùng miền trên phạm cả nước, trong đó giáo viên phổ thông chiếm đa số. Đối với đề thi các môn xã hội, việc ra đề thi theo hướng mở trong những năm gần đây được xã hội hoan nghênh. Năm nay, Bộ tiếp thu áp dụng ra theo hướng này để góp phần điều chỉnh dần cách dạy, cách học ở bậc phổ thông. Cách học vẹt, học thuộc lòng sẽ không còn phù hợp với cách ra đề thi mới.
Quy trình ra đề thi ĐH, CĐ
Đối với đề thi dùng chung do Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn. Việc biên soạn đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức tại một địa điểm biệt lập, được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy trình như: Trưởng ban Đề thi tổ chức quán triệt các yêu cầu về nội dung đề thi, quy trình làm đề thi, yêu cầu bảo mật cho các Trưởng môn thi và các cán bộ tham gia biên soạn đề thi;
Trưởng môn thi chỉ đạo các cán bộ bộ môn độc lập biên soạn đề thi, đáp án chi tiết và thang điểm. Đối với một số môn khoa học xã hội, phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó các cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn;
Trưởng môn thi làm việc với từng cán bộ biên soạn đề thi để hoàn chỉnh đề thi, đáp án và thang điểm. Trong đề thi phát cho thí sinh có ghi điểm cho từng câu;
Tổ chức phản biện với 3 người làm bài độc lập. Người làm phản biện không tiếp xúc với người ra đề thi, không mang theo bất kỳ tài liệu nào, không có đáp án và thang điểm, trực tiếp giải chi tiết đề thi (có bấm giờ). Sau đó, đề xuất ý kiến bằng văn bản với Trưởng môn thi về nội dung đề thi, đáp án, thang điểm, độ khó, độ dài của đề thi. Sau khi phản biện, người ra đề thi và người phản biện, dưới sự chủ trì của Trưởng môn thi, phải họp lại để thống nhất ý kiến (có ghi biên bản) về những điểm cần sửa chữa, bổ sung, thống nhất các phương án tổ hợp đề để không dùng nguyên đề thi do một cán bộ chủ trì biên soạn;
Sau khi tu chỉnh lần cuối đề thi, đáp án và thang điểm, với sự đóng góp ý kiến của các cán bộ biên soạn đề thi và phản biện đề thi của từng môn, Trưởng môn thi ký tên vào bản gốc và giao cho Trưởng ban Đề thi; Trưởng ban Đề thi tự mã hoá các đề thi dự kiến theo ký hiệu I, II, III… và trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định đề thi chính thức và các đề thi dự bị.
Toàn bộ đề thi chính thức và đề thi dự bị, đáp án và thang điểm khi chưa công bố thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ “Tối mật” do Trưởng ban Đề thi cất giữ theo chế độ bảo mật;
Đối với đề thi theo phương pháp trắc nghiệm: Cán bộ ban Đề thi rút câu hỏi trắc nghiệm từ ngân hàng câu trắc nghiệm. Trưởng môn thi phân công các thành viên trong tổ ra đề, thẩm định từng câu trắc nghiệm theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi.
Tổ ra đề làm việc chung, lần lượt chỉnh sửa từng câu trắc nghiệm trong đề thi dự kiến.Sau khi chỉnh sửa lần cuối, Trưởng môn thi ký tên vào đề thi và giao cho Trưởng ban Đề thi.
Cán bộ ban Đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau.Tổ ra đề rà soát từng phiên bản đề thi, đáp án và ký tên vào từng phiên bản của đề thi
Ý kiến ()