Ðể Tây Nguyên phát triển bền vững
Thu hoạch cà-phê ở Đác Lắc. Từ những thôn, bản xa xôi, đến những rừng cao-su bạt ngàn và những khu dân cư, những đô thị mới mà chúng tôi vừa đi qua trong chuyến công tác ở Tây Nguyên, đều như đang khởi sắc.Cả nước ta có 54 dân tộc, thì Tây Nguyên đã có tới 47 dân tộc. Điều đó vừa có những khó khăn, nhưng cũng là những thuận lợi khi các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được tổ chức thực hiện tốt, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể thấy rõ qua thực tế ở xã A Tức (huyện Đác Đoa, tỉnh Gia Lai) nơi mà năm 2000 là điểm nóng và phức tạp về an ninh trật tự, vậy mà nay trở thành một trong những xã tiêu biểu, kinh tế, giáo dục có bước phát triển khá, đồng bào đoàn kết, đồng thuận cao. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua diễn ra như một ngày hội với 100% số cử tri đi bầu. Xã A Tức ngày nay, tuy chưa giàu, nhưng no ấm, có...
|
Cả nước ta có 54 dân tộc, thì Tây Nguyên đã có tới 47 dân tộc. Điều đó vừa có những khó khăn, nhưng cũng là những thuận lợi khi các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước được tổ chức thực hiện tốt, phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể thấy rõ qua thực tế ở xã A Tức (huyện Đác Đoa, tỉnh Gia Lai) nơi mà năm 2000 là điểm nóng và phức tạp về an ninh trật tự, vậy mà nay trở thành một trong những xã tiêu biểu, kinh tế, giáo dục có bước phát triển khá, đồng bào đoàn kết, đồng thuận cao. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua diễn ra như một ngày hội với 100% số cử tri đi bầu. Xã A Tức ngày nay, tuy chưa giàu, nhưng no ấm, có trường học, trạm y tế…, một số con em đồng bào trong xã đã trở thành công nhân trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện.
Nhìn rộng ra toàn huyện Đác Đoa, toàn tỉnh Gia Lai cũng như các tỉnh Đác Lắc, Kon Tum, hệ thống chính quyền đang được kiện toàn và đổi mới “nhằm mục đích cao nhất là phục vụ đồng bào” như lời Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nói trong lần về tiếp xúc cử tri hồi giữa tháng 10-2011. Đồng thời đặc biệt trân trọng, phát huy vai trò các già làng, tạo nên sự kết hợp hài hòa và hiệu quả tối ưu giữa hiện đại và truyền thống của hệ thống chính trị ở Tây Nguyên.
Những năm qua, kể cả trong mấy năm khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, khu vực Tây Nguyên vẫn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế khá cao (12 đến 13%/năm), tốc độ giảm nghèo nhanh (3 đến 4%/năm), văn hóa, giáo dục tiến bộ, quốc phòng, an ninh được bảo đảm… Tây Nguyên là địa bàn hết sức quan trọng, có đất đai rộng lớn, tài nguyên còn nhiều, có nhiều đơn vị thuộc lực lượng vũ trang giàu truyền thống anh hùng, gắn bó mật thiết với dân cả trong bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế, có nhiều doanh nghiệp nhà nước mạnh (nhất là ngành cao-su) và một số doanh nghiệp dân doanh tương đối lớn, làm ăn có hiệu quả. Nhưng Tây Nguyên cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là cơ sở hạ tầng khó khăn, trình độ kinh tế, kỹ thuật còn thấp; số xã đặc biệt khó khăn còn nhiều và phần lớn nằm trên miền biên ải xa xôi, cách trở, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong các dân tộc thiểu số thì lực lượng lao động có tay nghề, đã qua đào tạo còn ít, đường giao thông vừa thiếu, vừa bị xuống cấp nghiêm trọng, nguồn vốn đầu tư luôn thấp xa so với nhu cầu đẩy mạnh CNH, HĐH. Bên cạnh đó là tình trạng mặc dù các tỉnh đã có nhiều cố gắng thu hẹp chênh lệch giàu nghèo, nhưng ở một số nơi khoảng cách này có xu hướng doãng ra, dễ gây những bất lợi về quan hệ xã hội…
Trên chặng đường mới, Đảng bộ, chính quyền các cấp và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được các chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng dẫn đường. Những vấn đề nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo là: phải hết sức coi trọng công tác giáo dục – đào tạo; công tác xây dựng Đảng, phải có thêm nhiều đảng viên, nhiều đại biểu HĐND là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần tổ chức tốt địa điểm và nền nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần thích hợp với truyền thống lâu đời để thu hút đông đồng bào. Phải tổng kết từ thực tiễn, qua đó đưa ra những kiến nghị rõ ràng, có cơ sở thực tiễn, có luận cứ khoa học để Nhà nước xem xét, ban hành các chính sách phù hợp. Ban chỉ đạo Tây Nguyên là đầu mối kết nối các nguồn lực, các quan hệ hợp tác, đầu tư, phát triển và là nơi tổng hợp các ý tưởng, các kiến nghị về chính sách và giải pháp để làm cho khu vực này thực hiện tốt quá trình tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo những bước đi phù hợp nhất. Về công tác quy hoạch, cần chú trọng lĩnh vực đất đai (thế mạnh của vùng), bảo vệ, khai thác rừng, trồng và chế biến cây công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển những cây đặc sản có giá trị kinh tế cao…
Tây Nguyên đã và đang tích cực phát huy nội lực. Nhưng ngoại lực cũng có vai trò vô cùng quan trọng, thậm chí có vai trò quyết định trong một số ngành, lĩnh vực và địa bàn. Thí dụ: đường 14 là trục đường trọng yếu từ Tây Nguyên về TP Hồ Chí Minh, qua nhiều năm oằn lưng cõng những đoàn xe siêu trường, siêu trọng chở hàng hóa, vật liệu xây dựng nườm nượp ngược xuôi, nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Toàn vùng Tây Nguyên hiện thiếu hơn 8.000 tỷ đồng vốn xây dựng đường giao thông…, đó là những việc phải trông đợi từ nguồn lực đầu tư đến từ bên ngoài. Là địa bàn chiến lược quan trọng, Tây Nguyên cũng có những lực lượng mạnh mang đặc tính hòa hợp cả nội lực và ngoại lực, thí dụ: các đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam (mà tiêu biểu nhất là Công ty cao-su Chư Păh) và Binh đoàn, Tổng công ty 15. Những đơn vị này vừa vững mạnh tại chỗ, giải quyết nhiều việc làm, tạo nên nhiều sản phẩm, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách trên địa bàn, vừa có thể tranh thủ sự hỗ trợ từ Tập đoàn, từ cấp trên khi cần thiết. Tây Nguyên đang tập trung phát triển diện tích cao-su, góp phần đưa nước ta đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng và thứ 4 thế giới về xuất khẩu sản phẩm cao-su. Cần mở rộng quy mô và có thêm nhiều đơn vị như vậy.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, cũng như các khu vực khác, các tỉnh Tây Nguyên coi phát huy nội lực là quyết định. Đồng thời sự hỗ trợ từ Trung ương, từ các doanh nghiệp Nhà nước, từ lực lượng vũ trang gắn bó máu thịt với địa bàn chiến lược trọng yếu của Tổ quốc luôn luôn là nguồn lực quan trọng, là sự hỗ trợ, cổ vũ lớn lao cả về vật chất và tinh thần, cho cao nguyên ngày càng xanh tươi, giàu đẹp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()