Những cách làm hay
Phấn đấu thu hẹp số buôn, làng chưa có đảng viên và chưa có chi bộ, từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, các cấp ủy trong vùng đã cụ thể hóa các mục tiêu về xây dựng Đảng thành kế hoạch, chương trình công tác hằng năm; phân rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành. Nhiệm vụ lâu dài là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên; chất lượng hoạt động của chi bộ buôn, làng.
Gia Lai là tỉnh đầu tiên trong vùng hoàn thành mục tiêu trước một năm về tất cả buôn, làng có đảng viên; trước hai năm về tất cả buôn, làng có tổ chức đảng. Phó Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đình Thu chia sẻ: Kết quả có được nhờ Gia Lai đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình hoạt động của tổ chức cơ sở (TCCS) đảng, như phân công cấp ủy viên cấp huyện dự sinh hoạt tại chi bộ cơ sở, gắn với địa bàn phụ trách. Các đảng bộ cấp huyện xây dựng mô hình chi bộ kiểu mẫu. Mỗi đảng bộ xã chọn ít nhất hai chi bộ (một chi bộ thôn người Kinh; một chi bộ làng đồng bào dân tộc thiểu số). Các chi bộ kiểu mẫu thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên đề với nội dung phù hợp. Qua rà soát, đánh giá, phần lớn trong số 39 chi bộ thôn, làng kiểu mẫu trên toàn tỉnh đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của thôn, làng, tổ dân phố; làm tốt công tác quản lý, phân công nhiệm vụ đảng viên. Tỉnh ủy đã chỉ đạo tập trung củng cố, kiện toàn chức danh phó bí thư phụ trách cơ sở tại 42 đảng bộ xã, thuộc 11 huyện; yêu cầu các đảng bộ cấp xã định kỳ sáu tháng rà soát, lập danh sách, phân loại đối tượng quần chúng ưu tú tạo nguồn phát triển Đảng; đẩy mạnh công tác kết nạp đảng viên là người tại chỗ, coi đây là điều kiện bắt buộc khi chia tách, thành lập mới buôn, làng, tổ dân phố.
Tại Lâm Đồng, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các TCCS đảng và công tác phát triển Đảng, các huyện ủy viên phụ trách địa bàn xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quán triệt nội dung, nhiệm vụ nêu trên đến từng chi bộ và ban hành nghị quyết chuyên đề thực hiện; chú trọng việc kết nạp đảng viên ở khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng có đông đồng bào theo đạo, vùng khó khăn. Nhiệm kỳ qua, Lâm Đồng là tỉnh kết nạp đảng viên mới là người có đạo cao nhất vùng, với gần 3.300 đảng viên, chiếm 8,62%; có 228 cấp ủy viên từ huyện đến cơ sở là người có đạo, đạt 6,66% tổng số cấp ủy viên toàn tỉnh.
Tại Kon Tum, việc triển khai thực hiện mô hình phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ của các chi bộ buôn, làng là một trong những cách làm thiết thực, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, nơi có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất vùng. Trong bốn năm, các cấp ủy ở Kon Tum đã kết nạp gần 5.500 quần chúng ưu tú vào Đảng; dẫn đầu khu vực về tỷ lệ đảng viên là người DTTS.
Theo Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên Triệu Xuân Hòa, đến cuối năm 2015, toàn vùng có gần 2.300 đảng viên đang thực hiện nhiệm vụ tăng cường, điều chuyển về sinh hoạt đảng ở chi bộ buôn, làng. Tuy giống nhau về hình thức, cách làm nhưng ở mỗi tỉnh lại hướng đến mục đích cụ thể khác nhau. Đác Lắc, Lâm Đồng và Đác Nông điều động đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ buôn, làng,phần lớn đều là những nơi có số lượng đảng viên quá ít hoặc chưa có đảng viên tại chỗ, chi bộ sinh hoạt ghép, những vùng Công giáo toàn tòng, vùng đồng bào DTTS tại chỗ và di cư tự do. Còn đối với các chi bộ buôn, làng thuộc tỉnh Gia Lai và Kon Tum, mặc dù số lượng đảng viên tương đối đông (từ tám đến 12 đảng viên/chi bộ), nhưng phần lớn đảng viên là người DTTS tại chỗ, trình độ học vấn và nhận thức chính trị hạn chế. Bởi vậy, đảng ủy xã điều động đảng viên người Kinh là cán bộ, công chức cấp xã về sinh hoạt đảng ít nhất là hai năm. Qua đó, từng bước giúp cấp ủy tại chỗ có điều kiện học hỏi, rèn luyện; mặt khác, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa đảng viên người Kinh với cấp ủy chi bộ và cộng đồng người DTTS ở buôn, làng. Đây cũng là cách làm thiết thực, góp phần xây dựng và vun đắp khối đại đoàn kết các dân tộc anh em trong vùng Tây Nguyên.
Giảm số buôn, làng không có chi bộ
Nỗ lực chuyển trọng tâm hoạt động xuống địa bàn dân cư, triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã và buôn, làng; kết hợp điều chuyển đảng viên nơi khác về sinh hoạt đảng tại chi bộ buôn, làng,… nhiệm kỳ 2010 – 2015, cấp ủy toàn vùng Tây Nguyên đã kết nạp gần 56 nghìn đảng viên. Trong đó, ba tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng và Gia Lai đã thực hiện vượt chỉ tiêu đề ra. Đó là tiền đề để chia tách chi bộ ghép; thành lập chi bộ độc lập ở từng buôn, làng khi đủ điều kiện. Với tổng số 793 chi bộ buôn, làng được thành lập (bao gồm 604 buôn, làng chưa có chi bộ và 217 buôn, làng thành lập mới), toàn vùng đến nay chỉ còn 28 trong tổng số 7.833 buôn, làng chưa có chi bộ; cơ bản khắc phục tình trạng chi bộ sinh hoạt ghép. Sau khi bổ sung đủ đội ngũ đảng viên tại chỗ, các chi bộ đủ điều kiện sẽ thành lập chi ủy; từng bước rút dần số đảng viên điều động trở về sinh hoạt đảng tại nơi công tác. Tính đến tháng 6-2015, toàn vùng có 2.410 chi bộ buôn, làng có chi ủy, chiếm 30,88% trong tổng số buôn, làng có chi bộ.
So sánh kết quả đánh giá chất lượng năm 2011 và 2014, để thấy rằng, hiệu quả đã được ghi nhận khi số TCCS đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu tăng 1,1%; yếu, kém giảm 0,55%; đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tăng 0,17%, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ giảm 0,11%. Phần lớn chi bộ, đảng bộ khu dân cư đã phát huy tốt vai trò hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và ổn định an ninh chính trị địa bàn; tham gia củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, nhất là việc xây dựng đội ngũ cán bộ được đặt ra hết sức cấp thiết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Nguyên còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một số vùng DTTS, vùng Công giáo toàn tòng gặp khó khăn trong xây dựng tổ chức đảng, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để phát triển đảng viên tại chỗ. Nhiều thôn, buôn có chi bộ nhưng chất lượng sinh hoạt còn thấp, nặng hình thức; chưa thể hiện được năng lực lãnh đạo, chỉ đạo; chưa tổ chức tốt sinh hoạt chi bộ và giao nhiệm vụ cho đảng viên. Tỷ lệ đảng viên là người DTTS và người có đạo còn thấp so với số dân toàn vùng… Để đạt mục tiêu cuối năm 2017, tất cả buôn, làng đều có chi bộ và có đảng viên là người tại chỗ; ít nhất 50% số chi bộ buôn, làng có cấp ủy, theo chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Đại tướng Trần Đại Quang, các cấp ủy cần thực hiện tốt phương châm “Nơi nào có quần chúng, nơi đó có sự lãnh đạo của Đảng”; “ Nơi nào có tổ chức quần chúng, nơi đó có tổ chức đảng”. Chú trọng những địa bàn trọng điểm, khó khăn, phức tạp. Các cấp ủy cần tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào DTTS. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục triển khai chủ trương tham gia sinh hoạt với chi bộ khu dân cư vùng đồng bào DTTS; phối hợp triển khai thực hiện có kết quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.
Ý kiến ()