Để tăng tốc xuất khẩu gạo
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tám tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 4,53 triệu tấn gạo với kim ngạch 2,29 tỷ USD, tăng 10,5% về khối lượng và tăng 26,5% về giá trị so cùng kỳ năm 2017; giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 504,4 USD. Mục tiêu cả năm 2018 hướng tới là xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng cao. Để đạt được con số nêu trên, từ giờ đến cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng tốt nhất các lợi thế về thị trường cũng như sự thông thoáng từ chính sách xuất khẩu gạo mới được quy định trong Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. |
Trước hết, về thị trường, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a, I-rắc và các nước châu Phi đang tăng lên. Cụ thể, từ nay đến cuối năm, Phi-li-pin có nhu cầu nhập khẩu thêm 500 đến 800 nghìn tấn để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt và ổn định giá gạo trong nước. Sản lượng gạo tại In-đô-nê-xi-a và các nước châu Phi cũng suy giảm mạnh do bão lũ, cho nên nhu cầu nhập khẩu cũng bị đẩy lên mức cao hơn; Hàn Quốc mở thầu mua thêm hơn 92 nghìn tấn gạo lứt… Bên cạnh đó, điểm đặc biệt đáng chú ý là từ ngày 1-10-2018, Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực. Với việc thay đổi các quy định về kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến lúa gạo cũng như đơn giản hóa thủ tục hải quan sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu gạo. Đặc biệt, việc gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng xuất khẩu không cần có giấy chứng nhận, không phải thực hiện dự trữ lưu thông sẽ mở ra cánh cửa kinh doanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu mà không cần ủy thác qua doanh nghiệp khác. Đây được coi là sự thay đổi có tác động lớn đến nhiều đối tượng, cả doanh nghiệp, nông dân và định hướng phát triển ngành sản xuất lúa gạo của cả nước. Đó là, đẩy mạnh sang trồng và xuất khẩu các loại gạo cao cấp, gạo đặc sản đang có nhu cầu tiêu thụ lớn từ các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… Nhiều địa phương đã quy hoạch xây dựng các vùng và tiểu vùng sản xuất lúa chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ những thị trường khó tính. Với những thay đổi về chính sách cộng thêm các yếu tố thuận lợi từ thị trường, đây là “thời điểm vàng” để các doanh nghiệp tăng tốc trong xuất khẩu gạo, cả về sản lượng và giá trị. Và để tận dụng cơ hội mang lại hiệu quả tốt nhất và uy tín lâu bền thì chất lượng gạo và vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề cần được doanh nghiệp quan tâm hàng đầu. |
Ý kiến ()