tle=”Để tăng giá trị hàng nông sản xuất khẩu”> Thu hoạch cà-phê ở Tây Nguyên. Năm 2012, chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của hai mặt hàng xuất khẩu nông sản chính. Xuất khẩu gạo và cà-phê vươn lên dẫn đầu thế giới. Bên cạnh đó, năm mặt hàng nông sản khác chính thức gia nhập câu lạc bộ “tỷ đô” (xuất khẩu đạt một tỷ USD trở lên). Đó là tin vui cho nền nông nghiệp nước nhà, nhưng đằng sau đó nhiều điều cần suy nghĩ.
Sản lượng tăng, giá trị thấp
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Ban Dự án cà-phê bền vững của Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9 Đác Lắc nhẩm tính: Giá một ly cà-phê trên thế giới hiện nay vào khoảng hai, ba USD. Giá xuất khẩu cà-phê nhân của Việt Nam đạt hai USD/kg. Trong khi đó, một kg cà-phê nhân có thể chế biến thành 50 ly cà-phê. Tính như thế để thấy chúng ta đang xuất khẩu 1,6 triệu tấn cà-phê nhưng giá trị gia tăng lại rất thấp vì sản phẩm xuất khẩu chủ yếu chưa qua chế biến. Sản phẩm qua chế biến chỉ gần 10% sản lượng thu hoạch hằng năm, bao gồm cả chế biến rang xay và chế biến sâu. Vì vậy, việc nước ta vươn lên dẫn đầu thế giới về xuất khẩu cà-phê chỉ là đơn thuần về mặt sản lượng. Cũng tương tự như cà-phê, tính đến hết tháng 10-2012, xuất khẩu gạo đã vượt Thái-lan, giữ vị trí số một thế giới. Dự kiến cả năm 2012, nước ta có thể xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu gạo năm 2012 thấp hơn 9% so cùng kỳ năm 2011. Cụ thể, giá bình quân gạo xuất khẩu khoảng 443,5 USD/tấn, trong khi giá xuất khẩu bình quân năm 2011 là 493,6 USD/tấn. Mặt khác, khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo 25% tấm (loại phẩm cấp thấp), gạo 5% tấm hiện vẫn chưa sánh được với Thái-lan về chất lượng và giá cả, cho nên, Việt Nam giữ ngôi vị số một xuất khẩu gạo cũng chỉ tính về mặt sản lượng chứ chưa phải chất lượng và giá trị gia tăng.
Từ hai mặt hàng xuất khẩu nông sản lớn này có thể thấy, trong những năm qua, sản lượng các mặt hàng nông sản đã không ngừng tăng lên, thị trường xuất khẩu được mở rộng. Nhưng để sản xuất và xuất khẩu nông sản phát triển theo hướng thật sự bền vững thì vẫn còn nhiều thách thức. Hiện nay, dù đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng cả cà-phê và gạo đều chưa xây dựng được thương hiệu. Với cà-phê, có rất ít các công ty bán thẳng sản phẩm đủ tiêu chuẩn trực tiếp cho các nhà rang xay nước ngoài, mà 98% giao dịch xuất khẩu phải thông qua khâu trung gian. Trong khi đó, sự gia tăng sản lượng của hai mặt hàng này đang đặt ra nhiều vấn đề về phát triển bền vững. Sản lượng cà-phê xuất khẩu tăng nhanh là nhờ vào việc mở rộng diện tích cây trồng. Hiện nay, diện tích cà-phê đạt 586 nghìn ha, trong khi quy hoạch đưa ra là 500 nghìn ha. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty cà-phê Việt Nam Đoàn Đình Thiêm phân tích: Việc phát triển không theo quy hoạch đã làm giảm chất lượng cà-phê của toàn vùng nói chung do nhiều vườn cà-phê được trồng trên các diện tích đất không phù hợp. Nhưng điều lo ngại hơn là sự tàn phá môi trường do phá vỡ quy hoạch. Đó là vì đất bazan không giữ nước, đến mùa khô Tây Nguyên hầu như hoàn toàn không có nước. Những người trồng cà-phê phải khoan sâu đến hàng trăm m lấy nước ngầm tưới cà-phê. Tính đến năm 1997, tầng nước ngầm ở Tây Nguyên đã tụt xuống 20 m. Nếu tiếp tục bị khai thác quá mức, nguồn nước cạn kiệt sẽ dẫn đến hiện tượng đá ong hóa. Khi đó, dù có giảm diện tích cà-phê thì nguồn đất, nguồn nước cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của loại cây công nghiệp này nữa. Và hệ quả kéo theo sẽ vô cùng lớn, không chỉ là giảm lượng xuất khẩu mà quan trọng hơn là ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập và đời sống của hàng triệu người trồng cà-phê ở Tây Nguyên. Còn nhìn về mặt hàng lúa gạo, dù sản lượng xuất khẩu tăng nhưng do phần lớn các hợp đồng xuất khẩu gạo có mức giá thấp nên giá thu mua lúa gạo từ nông dân của các doanh nghiệp cũng sụt giảm theo. Năm 2012, có những thời điểm giá xuất khẩu gạo của nước ta “chạm đáy” giá thế giới. Từ đó kéo theo giá lúa trong nước giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân. Vì vậy, nguyên Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho rằng: Sản lượng lúa gạo hiện nay có thể nói đã ở mức kịch trần. Nếu chúng ta không quan tâm đến các vấn đề khác như chất lượng hạt gạo, đời sống của người nông dân trồng lúa thì giá trị hạt gạo không thể được nâng cao và cũng không giữ được người trồng lúa yên tâm sản xuất trên mảnh ruộng của mình. Hiện tượng nông dân bỏ ruộng vì thu nhập thấp đang có nguy cơ lan rộng ở nhiều địa phương. Khi đó, người trồng lúa sẽ chỉ giữ ruộng để bảo đảm an ninh lương thực hộ gia đình. Nguy cơ mất an ninh lương thực quốc gia và thế giới là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Cà-phê và lúa gạo chỉ là những mặt hàng điển hình đang tồn tại những nghịch lý trong sản xuất và xuất khẩu. Năm mặt hàng nông sản khác trong danh sách “tỷ đô” là thủy sản, cao-su, đồ gỗ, khoai mì, hạt điều… cũng đang lấy sản lượng bù lấp cho chất lượng. Chính vì vậy, để xuất khẩu nông sản mang về nhiều ngoại tệ hơn cho đất nước, để những người trực tiếp sản xuất ra hàng hóa được hưởng lợi nhiều hơn thì cần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trong đó, đầu tư chế biến sâu là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Tiếp đó là chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Trong bảy mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu một tỷ USD trở lên năm nay, chưa có mặt hàng nào có thương hiệu mang tầm quốc tế. Đó là bất lợi lớn trong việc nâng giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Thực tế trong những năm qua, các hạn chế này đã được bàn đến rất nhiều. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến việc đẩy mạnh giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt được như mong muốn. Nhưng chúng ta vẫn thiếu một hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho những mặt hàng nông sản chính, giữ vai trò là những mặt hàng xuất khẩu chiến lược như lúa gạo, cà-phê, thủy sản. Vùng đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa gạo, thủy sản, quyết định kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước nhưng nhiều năm qua vẫn chưa có sự liên kết vùng, định vị từng tiểu vùng sản xuất để từ đó tập trung vốn, khoa học – kỹ thuật, công nghệ, phát triển và xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng. Chính vì vậy, nông sản trong vùng luôn đạt sản lượng xuất khẩu cao, nhưng giá trị thấp và chịu nhiều rủi ro trong cạnh tranh. Trao đổi về những giải pháp cho vấn đề này, Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Văn Sánh cho rằng: Nhiều mặt hàng nông sản tăng trưởng đã đạt đến giới hạn sinh học, nên tới đây xuất khẩu không thể dựa vào sự gia tăng sản lượng được nữa mà phải chú trọng đầu tư cho khoa học – công nghệ. Hiện, đóng góp của khoa học – công nghệ vào giá trị gia tăng cho nông nghiệp ở nước ta mới chỉ chiếm 30%, trong khi Trung Quốc là 45% và các nước phát triển là trên 90%. Cụ thể như ngành lúa gạo, không nên tiếp tục đi theo hướng tăng khối lượng xuất khẩu mà cần tập trung vào tăng chất lượng để nâng cao giá bán, đồng thời cơ cấu lại chuỗi tiêu thụ để tăng lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, phải đổi mới cơ cấu đầu tư. Nếu tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp không tăng thì thực hiện chuyển vốn từ những ngành khác sang các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, chứ không nên đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, không hiệu quả.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang gặp khủng hoảng, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta vẫn vươn lên vị trí hàng đầu thế giới là một nỗ lực đáng ghi nhận. Nhưng khi giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế thì cũng cần tính lại cách làm cho phù hợp. Bởi lẽ, ngôi vị xuất khẩu dù có ý nghĩa như thế nào thì quan trọng hơn vẫn là việc nông sản xuất khẩu có đạt giá trị gia tăng tối đa và thu nhập của người nông dân có được nâng lên từ đó hay không?
Theo Nhandan
Ý kiến ()