Để Tam Cốc-Bích Động thật sự trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn trong phát triển du lịch
Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động là một trong những điểm đến đông khách của tỉnh Ninh Bình, trong đó hai tuyến du lịch được giao cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường thu phí. Bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp, việc ký kết hợp đồng lao động chưa có được sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và lực lượng chèo đò phục vụ du khách là một vấn đề nổi cộm thời gian qua.
Lao động chèo đò tuyến Đình Các-Tam Cốc chủ yếu là người dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). |
Mới đây, Ban quản lý Khu Du lịch Tam Cốc-Bích Động đã có Thông báo và quyết định tạm dừng đón khách (với tuyến Đình Các-Tam Cốc ) kể từ ngày 9/7 cho đến khi có thông báo mở cửa đón khách trở lại. Du khách có thể lựa chọn các điểm khác trong Khu du lịch để xây dựng lịch trình tham quan.
Được biết, năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu quyền thu phí tại 2 tuyến du lịch: Đình Các-Tam Cốc và Bích Động-Động Tiên-Xuyên Thủy Động, thuộc Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động cho doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường (DN Xuân Trường); thời gian thực hiện 70 năm.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch (Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 23/3/2017) với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập còn tồn tại, phấn đấu xây dựng khu du lịch Tam Cốc – Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn, nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Vẻ đẹp Tam Cốc-Bích Động nhìn từ trên cao (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình) |
Kế hoạch nêu trên của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng giao nhiệm vụ cho DN Xuân Trường chủ trì, nghiên cứu, sắp xếp lại hệ thống dịch vụ phục vụ khách trong từng điểm du lịch, bảo đảm mỹ quan và thuận tiện; rà soát, điều chỉnh, bổ sung nội quy, quy định cụ thể cho những người tham gia chở đò, chụp ảnh và phục vụ khách du lịch.
Đại diện DN Xuân Trường cho biết, trong thời gian này, doanh nghiệp quyết tâm thực hiện việc sắp xếp bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ đón, tiếp khách cho bà con lái đò tại khu du lịch. Đồng thời, để bảo đảm an toàn lao động, sức khỏe, quyền lợi cho người chèo đò, sự an toàn của du khách, doanh nghiệp đã có công văn gửi các sở, ban, ngành liên quan và người lao động tại khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, về việc sẽ tiến hành triển khai ký hợp đồng lao động với lái đò theo quy định. Về phía doanh nghiệp sẽ có những hỗ trợ cụ thể đối với cả người đủ điều kiện ký hợp đồng lao động và người không đủ điều kiện, nhằm bảo đảm sinh kế và hài hòa lợi ích của các bên.
Tuy nhiên, việc ký kết hợp đồng lao động giữa đơn vị này với người chèo đò đang “vấp” phải nhiều ý kiến không đồng tình từ phía người lao động.
Bà Đinh Thị Vân, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải thì lo lắng: Nếu ký hợp đồng lao động, người quá tuổi không được tiếp tục chèo đò thì như tôi lấy gì mà làm ăn. Chúng tôi lần lượt chèo đò theo số đò được cấp, ai không đi được thì bán, nhượng lại số đò, lượt chèo đò cho người khác. Lần lượt đến ai thì đi, không ai tranh nhau. Chúng tôi đề nghị tăng công đò từ 150 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng mỗi chuyến từ lâu, nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
Ông Nguyễn Văn Kính, thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải cho biết, tôi rất băn khoăn về nội dung của hợp đồng, còn nhiều điều khoản chung chung; ràng buộc trách nhiệm của người dân thì nhiều, mà trách nhiệm của doanh nghiệp thì ít; quy định người dân vi phạm hợp đồng thì bị phạt, vậy doanh nghiệp vi phạm hợp đồng thì người dân bắt đền ai.
Tuyến Đình Các-Tam Cốc đang tạm dừng hoạt động (Ảnh: Lê Xuân Trường) |
Liên quan đến vấn đề này, đại diện DN Xuân Trường cho biết, người chèo đò ở các tuyến khác đã ký hợp đồng lao động từ lâu, họ được hưởng đầy đủ các chế độ lao động hiện hành theo quy định của pháp luật. Những hợp đồng lao động này họ phục vụ khách rất tốt, không có hiện tượng chèo kéo, xin tiền tuýp gây mất văn minh trong du lịch, nhất là đối với vùng Di sản thiên nhiên thế giới như ở Ninh Bình. Riêng một bộ phận người lao động tuyến Đình Các-Tam Cốc bà con vẫn do dự từ nhiều năm nay, mặc dù doanh nghiệp đã thuyết phục nhiều lần. Doanh nghiệp sẵn sàng tăng mức thù lao từ 150 nghìn đồng/chuyến đò lên 200 nghìn đồng mỗi chuyến đò, bảo đảm người lao động có khung lương từ 3,8 đến 4 triệu đồng/tháng đủ mức để doanh nghiệp đóng bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên cho đến nay người dân vẫn chưa ký.
Chèo thuyền là công việc nặng nhọc, người lao động cần có kinh nghiệm và sức khỏe để bảo đảm an toàn cho du khách (Ảnh: Sở Du lịch Ninh Bình) |
Qua tìm hiểu được biết, việc cấp phát số đò, lao động chèo đò theo số đò đã nảy sinh ra tình trạng người không có số đò thì đóng thuyền để chở thuê cho người có số đò nhưng không có thuyền; một thuyền mang nhiều số đò, hoặc một người sở hữu nhiều số đò, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ; không gắn được trách nhiệm của chủ đò hoặc người sở hữu số đò với hoạt động du lịch, với du khách. Không hiếm trường hợp vi phạm quy định của khu du lịch, du khách phản ánh tình trạng bị người chèo đò xin tiền “bồi dưỡng”; mới đây, chính quyền xã và ngành chức năng đã phải xử phạt một trường hợp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư Vũ Huy Toàn cho biết, xã đã chỉ đạo thôn Văn Lâm tổ chức sinh hoạt chi bộ, cán bộ thôn, cán bộ xã phụ trách lĩnh vực, địa bàn để nghe đại diện doanh nghiệp thảo luận các nội dung cụ thể của hợp đồng lao động, giải đáp những vấn đề thắc mắc liên quan. Người dân chưa hiểu thì xã có trách nhiệm tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cùng doanh nghiệp thống nhất thực hiện ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tại tuyến du lịch này, tổng số số đò có khoảng hơn 1.300 số, với tổng số lao động tham gia chèo đò từ 500-600 người; trong đó 70-80% là người quá tuổi lao động, ở thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải. Đặc biệt, việc xét, cấp, cắt, tạm dừng số đò được người dân thực hiện theo hương ước của thôn.
Với sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả của Nhà nước, Doanh nghiệp và cộng đồng cư dân địa phương, Khu Du lịch Tam Cốc-Bích Động đang từng bước trở thành điểm sáng về văn hóa, văn minh, được du khách trong nước và quốc tế. Việc sử dụng lao động chèo đò cần được doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định hiện hành, trong đó có Luật Lao động, để bảo đảm quyền lợi cho cả doanh nghiệp và cho chính người lao động địa phương.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Phạm Duy Phong
Như vậy, cùng với những nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, chính quyền, doanh nghiệp khai thác du lịch trên địa bàn và người dân cần tiếp tục quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế quản lý nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; nhận thức về an toàn lao động… để Tam Cốc-Bích Động luôn là điểm đến hấp dẫn, trở thành điểm sáng về văn minh, văn hoá và an toàn trong phát triển du lịch ở địa phương.
Luật sư Hoàng Tùng, đoàn Luật sư TP Hà Nội: Doanh nghiệp, đơn vị quản lý và người lao động ký hợp đồng lao động là quy định bắt buộc theo Luật Lao động. Các bên liên quan đều có quyền lợi và nghĩa vụ sau khi ký hợp đồng. Đặc biệt là quyền lợi cho người lao động như chế độ bảo hiểm, chế độ làm việc, ốm đau, bệnh tật… Việc ký hợp đồng lao động sẽ không phụ thuộc vào lứa tuổi, miễn là người lao động bảo đảm sức khỏe theo quy định. Trong trường hợp này, vì quyền lợi của người lao động, trách nhiệm của doanh nghiệp và trên hết là sự an toàn cho khách du lịch, nhất là môi trường lao động trên sông nước thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng cho người lao động đúng theo quy định.
Nguồn:https://nhandan.vn/de-tam-coc-bich-dong-that-su-tro-thanh-diem-sang-ve-van-minh-van-hoa-va-an-toan-trong-phat-trien-du-lich-post763036.html
Ý kiến ()